TRƯỜNG THPT QUỲNH LƯU 2, 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ bảy - 21/11/2020 20:26
Phần 1. Vững vàng giữa bão táp chiến tranh (1965-1975)
Những ngày đầu mới thành lập vô cùng khó khăn gian khổ. Quy mô trường chỉ có 4 lớp, 189 học sinh, trong đó, tách chuyển từ Cấp 3 Quỳnh Lưu có 1 lớp 10, 1 lớp 9 và tuyển mới 2 lớp 8. Đội ngũ nhà trường chỉ 9 thầy cô giáo, nhân viên với sự lãnh đạo của thầy giáo Ngô Sĩ Đậu - Hiệu trưởng đầu tiên của Nhà trường. Cơ sở vật chất của trường lúc ấy vô cùng thiếu thốn: các lớp học và ký túc xá giáo viên đều làm bằng tranh tre, nứa lá. Tất cả được bao quanh bằng tường luỹ, giao thông hào và hầm trú ẩn; rồi phải mượn cánh cửa nhà dân làm bảng, không tường vôi, không cặp sách, không đồng phục… Thầy và trò phải vượt qua hàng chục cây số dưới mưa bom bão đạn bằng xe đạp thô sơ hoặc đi bộ để đến trường, các em phải đội mũ rơm tới lớp, có lúc đang học nghe còi báo động là thầy trò phải chạy xuống hầm trú ẩn, trường lớp phải thường xuyên di chuyển địa điểm để đảm bảo an toàn. Có những thời điểm máy bay và tàu chiến Mỹ đánh phá ác liệt, các lớp học phải sơ tán vào nhà dân ở hai xã Quỳnh Văn và Quỳnh Thạch. Đi đến đâu trường luôn giành được sự quan tâm che chở và giúp đỡ của chính quyền và nhân dân nơi trường đóng. Dù phải đối mặt với bao khó khăn và sự hiểm nguy của chiến tranh nhưng những người thầy, vì trách nhiệm, vì lòng yêu nghề, vẫn âm thầm gieo chữ, gieo lòng yêu nước, gieo được nghĩa khí làm người cho các em học sinh. Mỗi ngày đến lớp của thầy và trò không chỉ có ước mơ chiếm lĩnh kiến thức mà còn có cả quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Mỗi chiếc mũ rơm, mỗi nắm cơm đùm đều chứa chan sự che chở đùm bọc của nhân dân! Đó chính là những yếu tố tạo nên động lực để thầy trò trường Cấp 3 Quỳnh Lưu 2 đẩy mạnh các phong trào thi đua sôi nổi như: phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, tất cả vì Miền Nam ruột thịt….
Trong những tháng ngày gian khó ấy, tập thể CB - GVCNV nhà trường đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng tất cả vì học sinh thân yêu. Tinh thần đó đã trở thành truyền thống quý báu của trường đã và đang tiếp tục phát huy. Tuy trường phải phân tán nhiều nơi, việc đi lại hết sức khó khăn, nhưng mọi hoạt động của nhà trường vẫn được duy trì đều đặn. Giáo viên hăng say thảo luận từng trang giáo án, góp ý từng tiết dạy; Học sinh chia nhau từng trang sách giáo khoa, từng cuốn vở học trò. Trong bài giảng của thầy cô chứa đựng cả niềm tin vào chiến thắng của dân tộc. Phong trào thi đua hai tốt của nhà trường được đẩy mạnh. Trong phong trào đó, đã xuất hiện những tấm gương dạy và học tiêu biểu của thầy và trò như: thầy Ngô Sĩ Đậu, thầy Nguyễn Phiên, thầy Hoàng Văn Tiếp, cô Nguyễn Thị Han, cô Đào Kim Oanh, thầy Hồ Đức Cao, thầy Nguyễn Tường Lân... (cô Nguyễn Thị Hoài Thanh)
Chính ý chí, nghị lực của các thầy cô giáo đã tôi luyện nên một thế hệ học sinh sau này trưởng thành trong chiến đấu và công tác như: GS-VS Đinh Văn Nhã, Đại tá Nguyễn Văn Hùng, NGND-TS-Trung tướng Phan Đức Dư, Anh hùng lao động Đậu Đức Khởi, Anh hùng lao động Nguyễn Thị Nguyệt, TS Trần Đình Thiên, Thiếu tướng Nguyễn Duy Quyền, TTƯT- Đại tá Nguyễn Công Tá… Đây là những năm tháng không thể nào quên của thế hệ thầy và trò ngày ấy. Tên tuổi của các thầy, các cô và các anh các chị đã xây dựng nên bề dày truyền thống của nhà trường.
Trong hoàn cảnh cả dân tộc đang nỗ lực hết mình để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi, thầy trò trường Phổ thông cấp 3 Quỳnh Lưu 2 không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ dạy và học mà còn trực tiếp ra trận cầm súng chiến đấu. Kế thừa truyền thống yêu nước của quê hương Xô Viết anh hùng, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, với tinh thần vì miền Nam ruột thịt, nhiều thầy giáo và học sinh đã viết đơn tình nguyện lên đường ra trận. Đặc biệt là từ năm 1972, yêu cầu chi viện cho chiến trường Miền Nam ngày càng tăng, một số thầy giáo như Thầy Nguyễn Ngọc Bửu và hơn 250 học sinh của trường đã lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Từ những thầy giáo, từ những học trò họ đã đã trở thành những người chiến sĩ dũng cảm. Có những học sinh - chiến sĩ dũng cảm ngày ấy sau này trở thành giáo viên của Trường như thầy Nguyễn Văn Hiền, thầy Phan Đình Phú. Trong số những nam sinh ra trận ngày ấy có 90 học sinh thân yêu của trường đã nằm lại ở chiến trường vì nền độc lập tự do cho Tổ quốc, có những học sinh trở thành dũng sĩ diệt Mỹ như anh Nguyễn Bá Xuyến… Thầy và trò chung một chiến hào với một quyết tâm quét sạch giặc Mỹ xâm lược, và từ nhà trường đã tạo ra sự gắn kết trực tiếp với chiến trường, đó là điều kì diệu của một dân tộc anh hùng. Nhiều chiến trường ác liệt đã in dấu chân của thầy và trò trường phổ thông Cấp 3 Quỳnh Lưu 2 ngày ấy. Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cả mặt trận giáo dục và chiến đấu giải phóng dân tộc. Trở về từ sau chiến tranh, các thầy giáo tiếp tục gieo chữ, các thế hệ học sinh tiếp tục phục vụ sự nghiệp bảo vệ đất nước, họ đã trở thành sỹ quan cao cấp trong quân đội, lực lượng công an nhân dân, những nhà khoa học có tiếng. Cũng trong giai đoạn này với sự phấn đấu không biết mệt mỏi, vượt qua những thử thách khốc liệt của chiến tranh của cả thầy và trò nên đã đạt được nhiều thành tích nổi bật: Trường là lá cờ đầu về giáo dục đạo đức toàn Miền Bắc nhiều năm liền, được đi báo cáo điển hình ở nhiều tỉnh thành. Nhiều năm liền Trường là điểm sáng về tỷ lệ đậu tốt nghiệp, đại học. Năm học 1974-1975 Tổ Sử - Địa - Chính trị là “Tổ lao động XHCN”. Không những thế Trường còn xây dựng được một xưởng thực hành và sản xuất ngựa gỗ, ghế ngồi cho nhà trẻ. Giai đoạn này Trường đào tạo được khoảng 1000 học sinh tốt nghiệp ra trường. Đây thực sự là điều đáng tự hào. Giai đoạn khó khăn nhưng rất thành công này của Trường gắn liền với tên tuổi của cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoài Thanh, một người Hiệu trưởng để lại nhiều dấu ấn đẹp trong sự phát triển của nhà trường.