TRƯỜNG THPT QUỲNH LƯU 2, 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ bảy - 21/11/2020 20:33
TRƯỜNG THPT QUỲNH LƯU 2,
50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Phần 2. Vượt qua những ngày gian khó (1976-1985)
Năm 1973, Chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ chấm dứt, trường chuyển về địa điểm mới ở xóm 8, xã Quỳnh Văn, Huyện Quỳnh Lưu như ngày nay.
Năm 1975, cùng với trường Cấp 3 Quỳnh Lưu 1, trường Cấp 3 Quỳnh Lưu 2 đã tách một bộ phận để thành lập trường Cấp 3 Quỳnh Lưu 3, đóng tại xã Quỳnh Lương.
Năm 1975, đất nước thống nhất. Đó là điều kiện thuận lợi để đưa nhà trường phát triển lên một giai đoạn mới. Lúc này cả dân tộc đang tưng bừng khí thế chiến thắng, đó là động lực lớn để thầy và trò tiếp tục cố gắng, thực hiện phong trào thi đua hai tốt. Lúc ấy cơ sở vật chất của nhà trường đã có sự thay đổi: bằng sự góp sức của các hợp tác xã nơi trưởng tuyển sinh mà trường có 3 dãy nhà ngói cấp 4 với 18 phòng học, xây dựng được khán đài để tổ chức các hoạt động tập thể, xây dựng được sân bóng để đẩy mạnh hoạt động thể dục thể thao. Quy mô trường, lớp nhanh chóng phát triển. Trước đó mỗi khối chỉ có 1 đến 2 lớp nhưng thời điểm này mỗi khối đã có 6 - 7 lớp. Một không khí thi đua diễn ra hết sức sôi nổi, tạo nên sự phấn chấn của nhà trường trong những ngày đầu sau Đại thắng mùa xuân 1975. Trở về từ chiến trường, nhiều thầy giáo và học sinh tiếp tục sự học đang dở dang do chiến tranh. Nhiều người trong số đó trở lại các trường đại học, đa số là các trường Sư phạm. Những người này, khi trở lại bục giảng, họ đã mang theo cả khí thế của đoàn quân chiến thắng vào từng trang giáo án. Thời đó, trong lớp học, ngoài lớp học sinh tuổi 15-17, còn có những học sinh nhiều tuổi hơn cả một số thầy cô trẻ – đó là những người lính trở về sau chiến tranh, tham gia học tập. Cuộc sống sau chiến tranh tuy vẫn khó khăn bộn bề, nhưng tất cả tràn đầy lạc quan tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Từ năm 1976, theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV, thực hiện nguyên lý “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”, thầy và trò, ngoài nhiệm vụ học văn hóa, còn tích cực tham gia các hoạt động xây dựng quê hương: Làm thủy lợi đắp hồ Vực Mấu, đào kênh Vách Bắc, tham gia trồng rừng, khai hoang, phục hóa, tăng gia sản xuất… Phong trào thi đua dạy tốt học tốt được đẩy mạnh, nề nếp được giữ vững. Để hướng học sinh đến việc học đi đôi với hành, Trường còn xây dựng được một khu vườn sinh vật, phát triển trồng dâu nuôi tằm... Chính những hoạt động này đã tạo ra lớp người không ngại khó khăn, biết quý trọng những giá trị lao động, cần cù, chịu khó.
Hòa bình chưa được bao lâu, cuộc sống sau chiến tranh đã vô cùng khó khăn thì chiến tranh chiến tranh Biên giới phía Nam, Biên giới phía Bắc 1979 nổ ra đã đẩy nhân dân, các thầy cô giáo vào một giai đoạn mới. Lệnh Tổng động viên ban ra, nhiều học sinh đã gấp lại trang sách để lên đường làm nghĩa vụ Bảo vệ Tổ quốc. Đất nước đã khó khăn lại càng khó khăn thêm, đời sống nhà giáo của thời bao cấp cực kỳ khó khăn, thiếu thốn. Chế độ phân phối theo tem, phiếu và đồng lương ít ỏi không đủ cho nhà giáo trang trải cuộc sống. Trong hoàn cảnh đó, thầy giáo Lê Văn Đỉnh - Hiệu trưởng nhà trường (1977-1985) cùng với tập thể Ban giám hiệu đã phải động viên giáo viên phải tìm cách bươn chải để trụ vững với nghề. Trong từng trang giáo án cùng với tâm huyết nghề nghiệp là thấp thoáng nỗi lo cơm áo. Trong từng buổi lên lớp chứa chan tình thương yêu giành cho học trò còn mang nặng nhiều ưu tư phiền muộn, một bộ quần áo tươm tất để lên lớp, một bữa cơn no lúc đó cũng là điều khó thực hiện đối với cả thầy và trò. Lãnh đạo nhà trường có lúc nhìn anh em bốc thăm chia nhau từng mét vải, từng chiếc khăn mặt, cái áo may-ô, từng chiếc tăm xe đạp phân phối mà không khỏi chạnh lòng. Đây thực sự là một thử thách khắc nghiệt trong thời bình. Ấy thế mà thầy và trò vẫn bền gan vững chí để vượt qua tất cả những khó khăn.
Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng với trách nhiệm của nhà giáo, nhiều thầy cô đã không ngừng phấn đấu để trở thành những thầy cô giáo giỏi, sống trong lòng các thế hệ học sinh, phụ huynh. Trong hành trang bước vào đời của các thế hệ học trò trường THPT Quỳnh Lưu 2 thời ấy không thể không nhắc đến các thầy, cô giáo: thầy Đoàn Dương, thầy Nguyễn Duy Hợp, thầy Lê Văn Đỉnh, Nguyễn Viết Chuyền, cô Nguyễn Thị Liên, thầy Hồ Minh Phượng, thầy Hồ Sỹ Giáp, thầy Lê Văn Trí, thầy Vũ Ngọc Thước, cô Trần Thị Thuần, thầy Trần Văn Trường...
Với sự miệt mài, say sưa với nghề nghiệp, các thầy, cô đã thắp sáng ước mơ cho rất nhiều thế hệ học trò tuy đói cơm, nhưng không đói chữ. Học sinh tuy sống trong gian khổ, thiếu sách vở tài liệu, cơm chưa no, áo chưa lành nhưng vẫn miệt mài học tập, vượt khó vươn lên học giỏi. Nhiều học sinh được công nhận là học sinh giỏi Tỉnh, đặc biệt có em Trương Khánh Văn đạt giải nhất HSG Quốc gia môn Vật lý.
Lớp học sinh ngày ấy đã trở thành những cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, những sĩ quan cao cấp trong quân đội: TS Hồ Đức Phớc (Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An), Hồ Phúc Hợp (UV Ban thường vụ TU - Trưởng ban dân vận Tỉnh ủy Nghệ An), TS Trần Văn Hồng (Bộ Tài chính), đại tá Hồ Bá Tính (Học viện Lục quân)…
Dù trải qua muôn vàn khó khăn nhưng giai đoạn này Trường đã đào tạo gần 3000 học sinh tốt nghiệp ra trường.