Sinh nhật Bác, nhớ những lời dạy của Người về văn hóa

Chủ nhật - 12/05/2019 23:35

Sinh nhật Bác, nhớ những lời dạy của Người về văn hóa

Thời gian này cùng cả nước, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tỉnh Nghệ An đã và đang tiếp tục có nhiều hoạt động kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu. Cuộc đời Bác dẫu qua nhiều thử thách chông gai trên con đường bôn ba cứu nước, dẫu trong muôn vàn gian khó, Người vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến mặt trận văn hóa. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Người vẫn hướng quốc dân quan tâm phát triển văn hóa, để mỗi người dân Việt Nam sống xứng đáng với một dân tộc đã có bốn ngàn năm văn hiến.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến vai trò của nghệ sĩ. Theo Người, trên mặt trận này, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ phải thấm nhuần quan điểm: Nghệ thuật - vũ khí, nghệ sĩ - chiến sĩ. Muốn nghệ thuật trở thành vũ khí và người nghệ sĩ đồng thời là chiến sĩ thì người nghệ sĩ phải đi thực tế, phải “3 cùng” với nhân dân.

Bác Hồ nói chuyện với các nhà văn, nhà thơ Tố Hữu, Phan Tứ, Trần Đình Vân - Ảnh: Tư liệu

Vị trí rất cao của văn hóa trong đời sống xã hội, vai trò tối quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra một cách rành rẽ ngay từ những ngày đầu của chính quyền nhân dân non trẻ. Đầu tháng 9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Ủy ban Văn hóa lâm thời Bắc bộ. Và ngày 7-9-1945, khi tiếp các đại biểu của ủy ban này, Hồ Chủ tịch đã nói: “Tôi mong các ngài trong giới văn hóa nhận thấy rõ nhiệm vụ của các ngài trong lúc này là củng cố nền độc lập của Việt Nam, sửa soạn gây dựng cho đất nước một nền văn hóa mới... Bổn phận của các ngài là lãnh đạo tư tưởng của quốc dân, đấu tranh cho nền độc lập và kiến thiết một nền văn hóa mới” (Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, tập 3, tr.13). Thật quả là một kỳ vọng to lớn mà Người đã trông đợi ở các nhà văn hóa!

Hơn 1 năm sau, khi tiếng súng kháng chiến đã nổ ở Nam bộ, ở Hải Phòng, giữa lúc tình hình đất nước hết sức nguy cấp, ngày 24-11-1946, Hồ Chủ tịch vẫn dành thời gian tới đọc diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc với lời lẽ đã đi vào lịch sử: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhiều lần nhắc lại vai trò, vị trí của văn hóa trong sự nghiệp chung. Đáng tiếc ở một số nơi, cấp ủy còn chưa đặt đúng văn hóa vào vị trí của nó, thậm chí còn coi văn hóa như một lĩnh vực “ăn theo” kinh tế, là “cái đuôi” của sự phát triển.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, văn học, nghệ thuật là một trong những cách thể hiện đặc biệt và hiệu quả trên mặt trận văn hóa mà Người đề cập đến. Cũng như các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, Người xem văn hóa là một mặt trận quan trọng, có ảnh hưởng to lớn, trực tiếp tới sự thành công của Đảng, Nhà nước ta trong lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công cuộc chiến tranh vệ quốc. Tuy không có tiếng súng, kẻ thù không trực tiếp nhưng tính chất phức tạp và quyết liệt của mặt trận này đã được thực tiễn lịch sử chứng minh. Quan điểm này từng được Người phát biểu từ thời kỳ trước cách mạng và những năm đầu của cuộc kháng chiến.  

Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Người căn dặn: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy... Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Từ sự kỳ vọng của Người đối với đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng, quan điểm “văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận” đã thấm sâu trong nhận thức của các nhà văn, nhà thơ đi theo Đảng suốt những năm tháng kháng chiến cũng như những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhà thơ Sóng Hồng đã từng khẳng định: “Dùng bút làm đòn xoay chế độ/Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Còn nhà thơ Tố Hữu thì bộc lộ quan điểm nhân sinh và nghệ thuật của mình qua bài thơ “Từ ấy”. 

Trong bài phát biểu tại hội nghị cán bộ văn hóa năm 1958, Người thân mật căn dặn anh chị em làm công tác văn hóa rằng: “Cơ quan trong Bộ Văn hóa, các cơ quan các ngành, các ty văn hóa cần xuống nông thôn, vào nhà máy, vào bộ đội nhiều hơn nữa, mà đi vào như thế thì phải cùng làm, cùng ăn, cùng ở với nhân dân. Chứ nếu đi xuống nông thôn mà lại lao động phất phơ, ở riêng thì cảm thông sao cho được, gần gũi sao cho được với công nông, với bộ đội. Muốn thật sự gần gũi quần chúng thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, mới biết sinh hoạt của quần chúng như thế nào, mới biết khó khăn, biết chí khí của quần chúng như thế nào, mới biết nguyện vọng của quần chúng như thế nào”.   

Học tập và làm theo lời Bác dạy, trong đời sống văn nghệ đã hình thành lớp lớp nhà văn, nhà thơ chiến sĩ hăng hái tham gia vào sự nghiệp cách mạng, dùng ngòi bút của mình phục vụ cách mạng một cách tận tụy. Những lời dạy văn nghệ sĩ của Bác Hồ cho đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Những người làm công tác văn hóa phải nâng cao tinh thần cảnh giác, mài sắc ý chí chiến đấu, bởi kẻ thù luôn tìm cách tấn công trên mặt trận văn hóa, gieo rắc nọc độc tư tưởng, làm lung lay tinh thần chúng ta trên mặt trận không có tiếng súng này. Với tư cách là người đặt nền móng cho nền văn nghệ cách mạng, Bác Hồ kính yêu đã có công gây dựng một nền văn nghệ mới, đồng thời có những lời chỉ bảo tận tình, cần thiết cho đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ. Tư tưởng đó của Người chính là ánh sáng soi đường cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật nước ta.

Bác Hồ đã rời xa chúng ta 50 năm, nhưng đội ngũ văn nghệ sĩ, đội ngũ làm công tác văn hóa vẫn luôn đinh ninh lời Bác căn dặn ngày nào: “Văn hóa, văn nghệ không thể ở ngoài kinh tế và chính trị”; “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”!

Tác giả bài viết: Xuân Đức (Tổng hợp)

Nguồn tin: Trường THPT Quỳnh Lưu 2

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hai bên
Hai bên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây