Khoa học và những câu chuyện lý thú

Thứ năm - 18/10/2012 09:47
Thực hiện phương châm giáo dục của Đảng: học đi đôi với hành, gắn bài học với thực tiễn đời sống.
Giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập bộ môn.Tôi xin giới thiệu một số mẩu chuyện có liên quan đến hoá học để giúp giáo viên hoá học gây hứng thú học tập cho học sinh.
01. CHÀNG PHỤ TÁ LÁU LỈNH
Nhà hóa học Đức Tiedman có một cuốn sổ tay mà trong đó ông vừa ghi những số liệu nghiên cứu, những nhận định về vấn đề đang tìm tòi, vừa ghi lại những ý nghĩ đầy sáng tạo lóe lên trong đầu. Ông coi nó là vật bất ly thân đáng quý nhất trên đời và chàng phụ tá giỏi giang của ông cũng biết điều đó.

Một hôm chàng trai ngỏ ý cầu hôn với con gái xinh đẹp của ông. Ông từ chối gay gắt. Thế là cuốn sổ tay không cánh mà bay. Ông bực bội vô cùng và nghĩ mãi... và đoán ra thủ phạm. Con gái yêu hay sổ tay đây?
Sáng hôm sau, nhà hóa học gọi chàng phụ tá đến:
- - Này anh bạn, tôi bằng lòng gả con gái cho anh đấy. Nhưng anh phải cố đứng đắn lên, sống cho trung thực. Ví dụ như lấy cuốn sổ tay của tôi thì phải mang trả ngay lập tức!...
02. MỘT CHUYỆN TÌNH – CẢM ĐỘNG NHƯNG...
Hồi đầu thế kỷ XIX, các nhà bác học đã phát hiện ra sắt có trong máu người dưới dạng huyết cầu tố (hemolobin). Một sinh viên khoa Hóa đã làm gì khi nghe cô gái mình yêu hỏi anh ta lấy gì làm chứng cho tình yêu đang chảy cuồn cuộn trong cơ thể anh ta?
Anh ta đã quyết định tặng người yêu dấu một chiếc nhẫn bằng... sắt nhưng không phải bằng sắt thông thường mà bằng sắt lấy từ chính máu của mình! Cứ định kỳ lấy máu ra, chàng trai thu được một hợp chất mà từ đó tách sắt ra bằng phương pháp hóa học.
Nhưng chiếc nhẫn đã không bao giờ được đeo trên tay cô gái như một bằng chứng tình yêu bởi... nó chưa được làm xong thì chàng trai đã chết vì bị mất máu, cho dù lượng sắt lấy ra khỏi cơ thể chàng chưa tới... 3g!
Các chàng trai, cô gái ngày nay vẫn rất nhớ câu chuyện này. Nhưng chẳng ai chứng tỏ tình yêu bằng cách này nữa, cho dù thật là cảm động.
03. ĐỒNG TÁC GIẢ PHÁT MINH
Năm 1811, nhà hóa học Pháp Bernard Courtois đang làm việc trong phòng thí nghiệm. Trên bàn của ông có hai bình hóa chất: Một đựng dung dịch chiết từ rong biển, chiếc kia đựng axit sunfuric. Bỗng nhiên, con mèo yêu dấu của ông đang ngồi trên vai nhảy vụt xuống làm đổ cả hai lọ hóa chất. Hai dung dịch pha trộn vào nhau. Và một làn khói tím xanh bốc lên (đó là iot thăng hoa).
Từ hiện tượng đó, Bernard tìm thấy một nguyên tố mới, đó là iot. Ngày nay, ai cũng biết tới chất hóa học này, song ít người biết rằng con mèo nghịch ngợm đó đã trở thành đồng tác giả của nhà hóa học phát minh ra iot.
04. CỨ ĐỂ CHO ANH TA RỬA CHAI LỌ
Ghé thăm một người bạn, cũng là Viện sĩ Hoàng gia Anh là Papy, Humphry Davy kể: “Đây là lá thư của một chàng thanh niên thường đến dự các bài giảng của tôi. Anh ta đến xin một chân gì đó trong Viện. Chả hiểu nên xếp cho anh ta việc gì?”
Papy ngạc nhiên: “Việc gì à? Cứ để anh ta rửa chai lọ. Nếu anh ta đồng ý thì ít ra cũng có chút lợi ích cho công việc. Còn nếu không, anh ta chẳng đáng giá một xu!
Chàng thanh niên đồng ý và làm việc cần cù không kêu ca một lời. Anh ta chính là... Michael Faraday – một nhà bác học lớn đến nỗi Davy tự bảo rằng: “Trong số phát minh của tôi thì phát minh lớn nhất của tôi là “phát minh” ra Faraday!”
Cao gầy, dáng điệu nhanh nhẹn, nhà hóa học Đức Friedrich Wohler trông trẻ trung đến nỗi ông rất giống con trai mình. Khi người ta giới thiệu ông với Faraday, Faraday đã vui vẻ xiết chặt tay ông: “Tôi rất sung sướng được làm quen với con trai của nhà hóa học đầu tiên tổng hợp được chất hữu cơ và xin nhiệt liệt chúc mừng cha anh!”.
05. CHẤT KHÍ CHỮA BỆNH DUY NHẤT
Vào cuối thế kỷ XVIII, khi hàng loạt các chất khí chưa từng biết được tìm ra dồn dập, xã hội Anh đã rất quan tâm tới vấn đề này, đến mức ở Bristol, người ta đã thành lập cả một viện nghiên cứu gọi là “Viện các khí” với mục đích dùng chất khí để chữa bệnh. Nhà hóa học Humphry Davy được cử làm thanh tra của Viện. Trong buổi họp long trọng để nghe các báo cáo kết quả nghiên cứu, Davy đã đọc bài diễn văn kết thúc cực ngắn:
- - Thưa các quý vị, trong tất cả các khí, thực ra chỉ có một chất khí chữa được bệnh mà chúng ta đã biết từ lâu – từ thuở khai sinh lập địa – đó là không khí sạch!”
06. KHÍ CƯỜI
Nhà hóa học Anh Humphry Davy khi nghiên cứu về các oxit nitơ đã phát hiện ra một loại oxit có tính chất sinh lý rất độc đáo – thậm chí... kỳ cục. Một số người tỏ ra hoài nghi kết quả này. Thế là Davy quyết định sẽ công bố chất khí này trong một buổi dạ hội mà thành viên tham gia gồm toàn các bậc quý tộc Anh cả.
Khi Davy mang một cái bình lớn đến dạ hội thì các quý ông, quý bà trong những trang phục lộng lẫy đắt tiền đã chờ đợi sẵn. Ông mở nắp bình và... một cảnh tượng vô cùng lạ đã xảy ra...
Các quý bà cười như nắc nẻ, cười đến chảy nước mắt, quặn ruột, mồ hôi ướt đầm... đến khổ.
Một số quý tộc lại nhảy đại lên bàn ghế, làm vỡ mấy chiếc bình pha lê tuyệt đẹp của chủ nhà. Một số vị khác lại thè mãi lưỡi ra và không ít vị xông vào nhau ẩu đả...
Và ông Davy, đứng trước cảnh đó, cũng tươi cười tuyên bố loại nitơ oxit mà ông đựng trong bình là N2O: đinitơ oxit và khí này còn được gọi là khí cười.
07. HÓA HỌC KHÁC TOÁN HỌC CHỖ NÀO?
Một hôm, nhà toán học Đức Karl Gauss tranh luận với nhà hóa học Ý Avogadro. Ông Gauss tỏ ra khinh thường hóa học và cho rằng chỉ có toán học mới có các định luật, còn hóa học chỉ là người phục vụ cho toán học mà thôi.
Avogadro dẫn Gauss vào phòng thí nghiệm và tự mình làm phản ứng: Cho một thề tích O2 tác dụng với hai thể tích H2 để tạo thành hai thể tích H2O ở dạng hơi:
2H2 (k) + O2 (k) --> 2H2O (h)
Lúc đó nhà hóa học mới mỉm cười bảo nhà toán học rằng:
- - Ngài thấy chưa! Nếu hóa học đã muốn thì toán học phải chào thua. Hai cộng một, bất chấp toán học cũng vẫn chỉ là hai đấy thôi.
08. PHÁT MINH TỪ TRONG ĐỐNG SẮT GỈ
Thời kỳ chiến tranh lần thứ nhất, nhà khoa học Anh là Brearley được giao nhiệm vụ nghiên cứu cải tiến vũ khí, đặc biệt là vấn đề các nòng súng bị mài mòn rất nhanh. Brearley cố nghĩ cách chế ra hợp kim không dễ mài mòn để chế tạo súng. Năm 1913, ông đã thử pha crom vào thép, song chưa vừa ý vì lí do nào đó, bèn quẳng mẫu thử lẫn vào đống sắt gỉ ngoài phòng thí nghiệm
Rất lâu sau, tình cờ Brearley nhận thấy mẫu thử ấy vẫn sáng long lanh trong khi đống thép gỉ hết cả. Ông đem mẫu này nghiên cứu tỉ mỉ, thấy thứ thép pha crom này chẳng hề sợ môi trường, khí hậu hay thời tiết nào, ngay cả khi ngâm vào axit và kiềm!
Năm 1913, Brearley đã được nhận bằng phát minh độc quyền của nước Anh. Ông đã tổ chức sản xuất thép không gỉ ở quy mô lớn và thực sự trở thành “người cha của thép không gỉ”.
Câu chuyện này hẳn đặt ra một điều suy nghĩ: Gặp những điều kì dị nào đó thì cũng chẳng nên lơ đãng bỏ qua mà nên tự hỏi “vì sao thế” để rồi tìm ra căn nguyên của nó.
Đã biết bao nhiêu phát minh của thế giới đã hình thành như thế đó!
09. NHÌN NHỮNG CHUỖI KIM CƯƠNG LẤP LÁNH
Khi tìm ra nguyên tố phóng xạ radi, hoàng gia Anh đã mời ông bà Pierre Curie và Marie Sklodowska – Curie sang Anh để thuyết trình về nguyên tố này.
Trong bữa tiệc chiêu đãi long trọng của hoàng gia, Marie nhìn ngắm những chuỗi kim cương đẹp nhất lấp lánh trên cổ để trần của các bậc mệnh phụ một cách thích thú và ngạc nhiên thấy ông Pierre cũng nhìn chằm chằm vào những chuỗi kim cương đó.
- - Em không thể tưởng tượng được có những đồ trang sức đẹp như thế - Marie nói.
- - Em biết không, Pierre đáp lại, trong bữa tiệc, lúc ngồi anh nghĩ ra một trò chơi: Anh làm con tính xem số kim cương đeo trên cổ mỗi bà khách có thể... xây dựng được bao nhiêu phòng thí nghiệm?
Học viện hoàng gia Anh đã tặng ông bà huân chương Davy – phần thưởng cao quý nhất. Đó là một cái “đĩa nhỏ bằng vàng”, ông bà đã cho bé Iren 6 tuổi giữ làm đồ chơi!
Đây quả là một gia đình phi thường mà cả hai vợ chồng đều là nhà khoa học lớn của thế giới.
Riêng bà Marie được hai giải Nobel hoá học và vật lý. Sau khi bà Marie nhận giải Nobel hóa học 24 năm, con gái và con rể của ông bà Curie là Iren là Joliot – Curie cũng được trao giải Nobel hóa học về đề tài phóng xạ... Tên của ông bà được đặt cho tên một nguyên tố hóa học đó là Curi (Cm)!
10. ĐỜI TÔI LÀ MỘT CHUỖI “NẾU NHƯ”
Alexander Fleming, trong dịp nhận giải Nobel về phát minh penixilin năm 1945, được các nhà báo hỏi về thành công này, ông trả lời một cách nghiêm túc: “Cuộc đời tôi là một chuỗi “nếu như”. Từ nhỏ, tôi chỉ muốn làm một ông chủ trại như bố tôi và không chịu học nếu như mẹ tôi không bắt tôi phải sống ở London. Tôi sẽ trượt ở kỳ thi vào trường đại học Y St. Mary Hospital nếu như tôi không phải là một thanh niên giỏi bơi lội, có thể đại diện cho nhà trường trong các Olimpic thể thao của sinh viên. Tôi sẽ suốt đời làm thầy thuốc nông thôn nếu như giáo sư Wright không chọn tôi làm phụ tá cho ông tại phòng thí nghiệm riêng – nơi tôi tìm ra penixilin.
Phát minh này tôi dự kiến triển khai trong thực tế phải 15 – 20 năm sau, nếu như Đại chiến thế giới không xảy ra, thương vong không nhiều đến mức các loại thuốc chưa kiểm tra cũng được sử dụng thì penixilin chưa chứng minh được công hiệu của mình và bản thân tôi chưa được nhận giải Nobel”.
11. SỰ HIỂU LẦM THÚ VỊ
Nhà hóa học Mỹ S.Mulliken – giải thưởng Nobel hóa học năm 1966 – có bà vợ rất tận tâm và dịu hiền song chẳng biết gì về hóa học cả.
Một lần gia đình mở tiệc, song khi khách mời đã đông đủ thì ông vẫn ở phòng thí nghiệm chưa về.
Sau khi gọi điện cho ông, bà vợ thông báo với khách:
- - Nhà tôi đang bận “giặt và là” tại phòng thí nghiệm, vì vậy ông ấy gửi lời xin lỗi các quý vị. Mời quý vị ngồi vào bàn tiệc cho.
Khách ăn tiệc vui vẻ song không khỏi thắc mắc vì giáo sư chẳng bao giờ phí thời giờ cho những công việc lao động đơn giản. Hỏi ra mới biết, hóa ra bà vợ nghe lầm.
Ông báo tin mình đang bận “quan sát 1 ion” (To watch an ion) bà lại nghe là đang bận “giặt và là” (To wash and iron). Chẳng là hai nhóm từ này phát âm khá giống nhau mà.
12. ARCHIMEDES ĐIỀU TRA
Nhà vua Hiero xứ Syracuse (trước CN) đặt thợ kim hoàn làm một chiếc vương miện bằng vàng ròng để ngài đội trong lễ đăng quang. Song ngài nghi ngờ bọn thợ đã ăn bớt số vàng mà ngài đã đưa. Ngài bèn cho mời Archimedes đến.
- - Hãy kiểm tra xem chiếc vương miện này có là vàng ròng như vàng trong kho lớn kho bé của ta không? Hay là...”
Archimedes gọi bọn thợ kim hoàn đến và trước nhà vua ông cân chiếc vương miện (khối lượng m (g)), sau đó dìm vào nước để xác định thể tích nước bị nó chiếm chỗ (V(l)). Lấy khối lượng vương miện chia cho thể tích này (m : V = d), ông không thu được kết quả 19,3 tương ứng với khối lượng riêng của vàng trong kho lớn, kho bé của nhà vua mà được một số nhỏ hơn.
Archimedes cười đắc thắng với bọn thợ kim hoàn: “Các ngươi hãy giải thích điều này với đức vua tôn kính đi!”
Và tất nhiên bọn thợ kim hoàn đã bị trừng phạt đích đáng. Ai bảo chúng dám “cuỗm” một phần vàng rồi thay vào đó một thứ kim loại nhẹ hơn!
13. NHÀ HÓA HỌC VÀ CÁC NGÀNH KHÁC
· Langmuir – người đề xuất lý thuyết hấp thụ hiện đại gắn cả cuộc đời với môn leo núi và trượt băng. 
· Seaborg – người phát minh và nghiên cứu hàng loạt nguyên tố mới họ siêu uran là cầu thủ hockey kiệt xuất. 
· Nhà hóa học cao phân tử hàng đầu Ziegler say mê sưu tầm và nuôi cá vàng. Đồng nghiệp nổi tiếng của ông là Cargin là người câu cá thiện nghệ và sưu tầm tem lớn. 
· Chuyên gia hàng đầu về khí hiếm Aston lại là một nhà biểu diễn vionlonxen bậc thầy (đồng thời phát minh ra đồng vị phóng xạ). Cũng như vậy, các nhà hóa học khác như Meyer, Perkin Anbuzov – đều có phản ứng mang tên mình và là những nhạc công vĩ cầm tuyệt vời. 
· Ramsay – ông tổ của khí trơ cũng như Carothers – ông tổ của tơ sợi tổng hợp là các ca sĩ lẫy lừng. 
· Borodin – nhà hóa học kiêm nhà soạn nhạc Nga lẫy lừng. 
· Nhà hóa học đặt nền móng cho hóa lý Ostwald hàng năm đều có triển lãm tranh cá nhân. Còn Kekule – ông tổ của hợp chất thơm lại có khiếu ngoại ngữ và hội họa hiếm có. 
· Davy, Vant Hoff nổi tiếng cả về hóa học lẫn các tác phẩm thơ ca, ngôn ngữ. Haber là nhà viết kịch. Lomonosov kiêm cả sử học, ngôn ngữ, họa sĩ. Còn Mendeleyev gắn với nghề đóng vali cổ truyền! 
14. NHÀ HÓA HỌC THƯỜNG SỐNG LÂU
Nhà hóa học thường xuyên phải tiếp xúc với chất độc đôi khi phải đứng hàng ngày để theo dõi một phản ứng hóa học... nên luôn phải có sức khỏe tốt?
Những bảng thống kê cho thấy tuổi thọ các nhà hóa học cao hơn tuổi thọ trung bình.
- - Thế kỷ XVIII trong khi tuổi thọ trung bình của người Châu Âu là 30 thì các nhà hóa học là... 72.
- - Thế kỷ XIX, khi tuổi thọ trung bình cũng của người Châu Âu là 45 thì của các nhà hóa học là... 75.
- - Nhà hóa học người Pháp Chevreul – người tổng hợp chất béo đầu tiên sống tới 103 tuổi.
- - Roger Adams – nhà hóa học Mỹ thọ xấp xỉ 100 tuổi....
15. NHÀ HÓA HỌC NGHIÊN CỨU
Nguyên tố hóa học ở vỏ trái đất:
· Nhiều nhất: O=50% ; Si=26% ; Al=7,4% ; Fe=4,7% ; Ca=3,3% ; Na=2,4% ; K=2,35% ; Mg=1,9% ; H=1% ; Ti=0,6%. 
· Ít nhất: Tổng lượng poloni: 9600t ; actini 26000t ; radon<260t ; atatin 69mg! 
Lượng hóa chất có trong cơ thể một người nặng trung bình 65kg:
- - Lượng nước đủ để giặt một áo sơ mi.
- - Lượng sắt đủ để làm một chiếc đinh 5 phân.
- - Lượng đường đủ làm nửa chiếc bánh bột nhỏ.
- - Lượng mỡ đủ nấu được bảy bánh xà phòng.
- - Lượng photpho sản xuất được 2.200 đầu que diêm.
- - Lượng lưu huỳnh đủ giết chết một con bọ chét.
- - Lượng vôi trong xương đủ để trộn vữa xây một chiếc chuồng gà nhỏ.
Vậy tính giá thành các hóa chất vi lượng thêm nữa vào, một người chỉ đáng giá vẻn vẹn... 3 đô la!
Giáo sư G.Morovic trường đại học Yale cho rằng giá các chất trong cơ thể ở dạng hợp chất là:
- - 1g hemoglobin: 3 đô la.
- - 1g insulin: 45 đô la.
- - 1g homon cmon; joliculin: 45000 đô la.
- - 1g prolactin: 1700000 đô la.
Và Giáo sư Morovic cho rằng để tổng hợp nên một con người, ít nhất là 1 tỉ đô la! Đầu tư ấy quả là không có lợi mặc dù như vậy là biết con người có giá trị lắm chứ. Cho nên... nhờ “cỗ máy thiên nhiên” là tốt nhất.
16. “MÁY TÍNH ĐIỆN TỬ ĐẦU TIÊN” TRONG HÓA HỌC
Máy tính điện tử có khả năng làm được rất nhiều việc và vai trò của máy tính điện tử trong thời đại này không ai là không công nhận. Toàn bộ việc làm của con người là biết giao phó chương trình hoạt động cho máy tính điện tử. Với sự giúp đỡ của máy tính điện tử các nhà nghiên cứu biết được mọi điều về vô số quá trình hóa học phức tạp trước khi đưa chúng vào trong thực tiễn.
Nhưng các nhà hóa học đã có trong tay một “máy tính điện tử” khá khác thường mà nó được phát minh ra vào khoảng 100 năm trước khi thuật ngữ máy tính điện tử xuất hiện trong ngôn ngữ thế giới.
Bộ máy đặc biệt này chính là hệ thống tuần hoàn các nguyên tố.
Hệ thống tuần hoàn – máy tính điện tử này – tạo nên khả năng tiên đoán sự tồn tại của các nguyên tố chưa biết, chưa được khám phá ngay cả ở trong phòng thí nghiệm. Và không chỉ tiên đoán mà còn mô tả tính chất của chúng.
Máy tính điện tử này cho biết đó là kim loại hay phi kim, nặng như chì hay nhẹ như natri... và nên tìm kiếm những nguyên tố bí mật trong các loại khoáng sản nào của trái đất.
Máy tính điện tử này – sản phẩm vĩ đại mà Mendeleyev là người sáng chế - đưa hóa học tiến thật xa.
17. VÀI CHUYỆN TỨC CƯỜI TẠI LỄ KỈ NIỆM NGUYÊN TỐ FLO 
Năm 1986, tại Paris, các nhà hóa họ của nhiều nước đã họp nhau lại để kỉ niệm 100 năm ngày Henri Moissan (1852 – 1907), nhà hóa học Pháp khám phá ra khí flo tự do. Tại buổi lễ đã có nhiều người phát biểu, nhiều báo cáo khoa học được trình bày và thậm chí đã phát hành loại tem kỉ niệm.
Và cũng trong buổi lễ kỉ niệm đó đã diễn ra những chuyện tức cười. Nhà họa sĩ phác thảo mẫu tem đã quyết định trình bày trên con tem phát minh của Moissan. Thế nhưng trên con tem, họa sĩ đã trình bày không phải là phương trình phản ứng phân hủy điện hóa flohidric tinh khiết để tạo khí flo tự do do Moissan tìm ra mà là phương trình của phản ứng ngược lại với nó. Hóa ra là người ta đã kỉ niệm nhà hóa học xuất chúng người Pháp đã phát minh ra sự tương tác giữa flo và hidro.
M.Gutlitski, báo cáo viên người Mỹ, đã gây ra một chuyện tức cười khác. Ông đã chứng minh rằng khí flo được tìm thấy không phải vào năm 1886 mà là vào năm 1881. Người phát minh ra nó không phải là Moissan mà là Bohuslay Brauner, nhà hóa học Tiệp Khắc. Brauner đã xác định được rằng khi đốt nóng CeF4 (do ông tìm ra dưới dạng đihiđrat) sẽ tạo ra hơi nước, HF và một chất khí khác có mùi hăng...
Theo M.Gutlitski, cùng với một số thí nghiệm khác. Brauner đã chứng minh được rằng hỗn hợp khí đó có bao hàm khí flo tự do, sau khi công bố các kết quả thí nghiệm của mình trên các tạp chí hóa học có uy tín nhất. Quả thật, Brauner cũng có dè dặt khi tuyên bố rằng mình đã phát minh nguyên tố thứ 9. Báo cáo viên đã đưa ra một câu hỏi: Phải chăng đó là cơ sở để phủ nhận quyền ưu tiên của Brauner.
Không nên nghĩ rằng sau bản báo cáo đó, những người tổ chức buổi lễ đã nản chí và tuyên bố giải tán hội nghị. Ở phòng bên, cạnh phòng họp có bán một tuyển tập “Kỉ niệm 100 năm đầu tiên ngày tìm ra khí flo”. Trong tuyển tập đã nói rõ: Sự thận trọng của Brauner là đúng. Sau ông, nhiều người đã lặp lại thí nghiệm trên nhưng không ai tìm ra được khí flo tự do trong hỗn hợp được tạo nên.
18: Thí nghiệm về trang thái say Nitơ
NITƠ CÓ GÂY CHẾT NGƯỜI KHÔNG?


Trong tính chất vật lý của Nitơ là một chất khí không mầu không mùi, không độc nhưng không duy trì sự sống và sự cháy. Thực tế có như vậy không?
chúng ta hãy làm thử thí nghiệm sau:
Trước hết điều chế N2 bằng cách nhiệt phân Nitơrat amoxi rồi chứa nitơ vào 1 chiếc lọ, nút kín. Sau đó ra bãi cỏ tìm bắt những con châu chấu to khoẻ (loại bỏ những con nhỏ và yếu) rồi thả vào trong lọ Nitơ. Có hiện tượng gì sẽ xẩy ra nào?
Những anh chàng châu chấu trong lọ cũng hung hăng nhảy thêm được 2-3 cái rồi từ từ rơi xuống, chân cẳng duỗi dần ra độ 5 phút,10 phút,12 phút chúng nằm im bất động, chúng chết rồi chăng? Con người to khoẻ mạnh là thế mà chỉ cần 5 phút không thở thôi đã đủ để đưa ta sang thế giới bên kia rồi. Tôi hỏi các bạn trong nhóm liệu những chú châu chấu kia có làm sao không?
Hãy chờ em, khi mở nắp lọ ra chỉ sau 30 giây những chiếc râu bắt đầu đung đưa, rồi cái chân bắt đầu co lại dần, chừng 1 phút sau chúng lại nhảy múa như thường. Vậy chúng ta tự kết luận cho tính chất vật lý của Nitơ.
Câu chuyện này làm chúng ta liên tưởng tới bô phim “Cô gái và đại dương”. Người đóng vai bà mẹ cũng đã đóng vai trạng thái say nitơ. Hiện tượng này thường xảy ra với người thợ lặn, do vậy ta hiểu tại sao thợ lặn xuống biển phải deo dây bảo hiểm.

19 Mẩu chuyện về oxi
OXI VÀ KIỀU


Trong thơ trữ tình hay như thơ Phạm Tiến Duật với bài “Lửa đèn”
Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá
Quả ớt chín đỏ hoe
Trỏ lối sang mùa hè
Quả cà chua như chiếc đèn lồng nhỏ xíu
Thắp mùa đông thắp sáng đêm thâu
Quả ớt như ngọn đèn dầu
Chạm đầu lưỡi như chạm vào sức nóng
Đến những câu thơ mạnh hơn lửa thép của Tố Hữu
“Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”
Ấy vậy mà lại chẳng nổi tiếng bằng thơ Kiều của Nguyễn Du, nổi tiếng khắp thế giới tại sao thế nhỉ? Vì thơ Kiều “Nẩy được Kiều” . Giáo viên nẩy hai câu:
“Trăm …Năm …Trăm cõi người ta…
Chữ tài…chữ mệnh khéo mà ghét nhau”
Thế mà trong hoá của ta cũng có Kiều mới lạ chứ - “nẩy kiều hoá”
“Trăm năm trăm cõi người ta
Cuộc đời chỉ có thở ra và hít vào”
20.Câu chuyện về penicillin (H2N2)-Trong nhiều thế kỷ trước, con người đã biết cách dùng nấm để trị các chứng viêm. Tại Anh, vào giữa thế kỷ XVII, John Parkinson, một vị thầy thuốc hoàng gia đã biết cách chữa trị các vết thương bằng cách dùng rêu áp lên để vết thương chóng khỏi. Đến cuối thế kỷ XIX, ở nhiều vùng tại Anh, các mảnh bánh mỳ mốc được dùng để chữa vết thương nhưng đây chỉ là những chuyện xảy ra trước khi bác sĩ Alexander Flemming phát hiện ra penicillin.
Sự phát hiện tình cờ:Năm 1928, Flemming là nhà vi khuẩn học làm việc tại Bệnh viện Saint Mary ở London. Trong khi kiểm tra các đĩa nuôi cấy chứa vi khuẩn, ông phát hiện hiện tượng khác thường: nấm xuất hiện trên đĩa và phát triển thành các tảng nấm; xung quanh tảng nấm, những mảng vi khuẩn đã bị phá hủy. Ông kết luận rằng, nấm này đã tạo 1 chất giết chết các vi khuẩn. Chất này giống enzym là lysozym mà ông đã phát hiện ra vài năm trước. Chất này có thể giết vi khuẩn gây bệnh tên Staphylococcus. Tuy nhiên, khi thử trên những loại nấm khác vẫn tiếp tục phát triển, do vậy Flemming chỉ dùng dung dịch với mục đích chính là chẩn đoán bệnh.

Penicillin được Alexander Flemming phát hiện ra một cách rất tình cờ.
Loại nấm mọc giống như dạng các bụi cây này sau được đặt tên khoa học là penicillium notatum, còn chất có khả năng tiêu diệt vi khuẩn được đặt là pennicillin. Ban đầu, penicillin được dùng chữa các vết thương bề mặt, nó chỉ mang lại thành công nhất định vì trong penicillin thô có rất ít các hoạt chất. Flemming đã cố gắng tách penicillin nguyên chất nhưng không thành công. Do vậy, mối quan tâm về penicillin của ông cũng giảm đi.
10 năm sau, ở Oxford, dưới sự chỉ đạo của Howara Wal-ter Florey - nhà giải phẫu bệnh học người Australia và Ernst Boris Chain đã nghiên cứu các đặc điểm hóa sinh của lysozym, loại enzym tiêu diệt các vi khuẩn mà Flemming phát hiện ra.
Sau khi công trình nghiên cứu về lysozym hoàn thành, Florey và Chain bắt đầu đi tìm đề tài nghiên cứu mới và hai ông chú ý đến penicillin, công trình gần như bị lãng quên của Flemming.Vào năm 1938, Chain và Florey đều bị cuốn hút bởi penicillin, về khả năng nó có thể mang lại cho loài người và họ ý thức rõ ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của chất kháng khuẩn này.
Chain thiết lập môi trường nuôi cấy và thực hiện việc tách penicillin từ những mẫu nấm của Flemming, còn Florey tập trung vào thí nghiệm thử penicillin trên động vật.
Ngày 25/5/1940, các nhà khoa học thử nghiệm thuốc trên chuột. Cuộc thí nghiệm rất thành công. Tuy nhiên, trước khi thử nghiệm trên người, các nhà khoa học phải tạo được penicillin nguyên chất. Đây là vấn đề then chốt. Công việc này giao cho Edward Abraham đảm nhiệm.
Edward Abraham nghiên cứu tìm ra được kỹ thuật tách sau này gọi là sắc ký hấp phụ (adsorption chromatography). Dung dịch nuôi cấy nấm có chứa penicillin được đưa qua các ống chứa đầy các chất hấp phụ; chúng sẽ tách penicillin khỏi các tạp chất.
Phòng thí nghiệm của Florey nhanh chóng chuyển thành một nhà máy nhỏ, các ống nghiệm chứa đầy penicillin được theo dõi tỉ mỉ. Tuy nhiên, sản lượng của nhà máy vẫn còn thấp, 500 lít chất lỏng nuôi cấy chỉ sản xuất ra lượng penicillin đủ chữa cho 4 hoặc 5 người.
Sau đó, công trình được chuyển sang Mỹ, lúc này, mục đích của các nhà khoa học là chế tạo penicillin trên quy mô công nghiệp. Nhiều kỹ thuật như dùng tia cực tím, tia X và các chất hóa học tác động đến cấu trúc di truyền của nấm đều được sử dụng nhằm tạo ra chủng penicillin với sản lượng cao. Năm 1943, dự án chế tạo penicillin đứng thứ nhì trong danh sách các công trình ưu tiên sau dự án Mahattan chế tạo bom nguyên tử. Năm 1944, một ca chữa trị bằng penicillin tốn 200 đô-la, tuy nhiên, giá này nhanh chóng giảm xuống, rẻ hơn cả giá đóng gói sản phẩm. Năm 1945, Flemming, Chain và Florey được trao tặng giải thưởng Nobel y học.
Vũ khí chống nhiễm khuẩn
Tác dụng của penicillin khiến nó trở thành một loại thuốc đặt biệt. Nó có tác dụng ngăn cản các vi khuẩn gây bệnh tổng hợp lớp vỏ tế bào bảo vệ chúng. Khi vi khuẩn sinh sản tức khi hiện tượng phân chia tế bào diễn ra, vi khuẩn phải tự tạo lớp vỏ tế bào bảo vệ chúng chống lại các tác nhân xâm phạm từ môi trường bên ngoài. Penicillin có tác dụng làm suy yếu lớp vỏ tế bào vi khuẩn này; do không còn lớp vỏ bảo vệ vững chắc, tế bào vi khuẩn sẽ bị hủy hoại và vi khuẩn sẽ chết đi.
Penicillin tiêu diệt vi khuẩn mà không gây hại cho tế bào cơ thể. Thế nhưng ngày càng có nhiều họ vi khuẩn kháng được penicillin, vũ khí của chúng là penicillinase, một enzym có khả năng phá hủy cấu trúc hóa học của penicillin, làm cho penicillin không còn tác dụng.
Con người đã phát hiện pencillin trong cuộc đấu tranh chống lại vi khuẩn gây bệnh nhưng theo luật tiến hóa, chúng cũng có vũ khí chống lại. Penicillin chỉ là một trong số những kháng sinh có sẵn trong thiên nhiên có khả năng giết chết vi khuẩn. Sau penicillin, nhiều kháng sinh khác đã được tìm ra.
Năm 1934, Selman Waksman và Albert Schatz tìm ra được một loại kháng sinh khác, đó là Streptomycin, đây cũng được trích từ một loại nấm có trong đất. Streptomycin được dùng để chống bệnh lao và chính Waksman là người tìm ra Streptomycin và cũng là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ kháng sinh.
Sự phát hiện ra penicillin đóng vai trò tiên phong cho hàng loạt công trình truy tìm các loại kháng sinh khác và nhờ sự ra đời của nhiều loại kháng sinh mà từ thập kỷ 1940, tuổi thọ trung bình ở phương Tây tăng từ 54 lên 75 tuổi.
Ngày nay, con người đã biết được khoảng 6.000 loại kháng sinh khác nhau nhưng phần lớn chúng là loại có độc tính cao, khó ứng dụng về mặt y học nên hiện chỉ có khoảng 100 loại được sử dụng rộng rãi trong y khoa. Để tìm ra chúng, các nhà khoa học đã phải nghiên cứu các mẫu đất từ các nơi trên thế giới để tìm kiếm những vi sinh vật có khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Họ đã bỏ công sức để mang lại cho chúng ta nhiều loại kháng sinh có ích.
Ngoài công việc tìm kiếm kháng sinh trong tự nhiên, các nhà khoa học vẫn tìm kiếm bằng cách tổng hợp các hợp chất nhân tạo và bán nhân tạo có khả năng chống lại các dòng vi khuẩn mới có sức đề kháng mạnh hơn. Ngày nay, hơn 50 năm kể từ khi được thử nghiệm lâm sàng, penicillin vẫn là loại kháng sinh quan trọng trong đời sống con người.
Ở nước ta, sự xuất hiện các nhà thuốc Tây đã có trước khi có sự phát triển thuốc kháng sinh nên sự có mặt của penicillin khá sớm góp phần vào việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Năm 1950, trong kháng chiến chống Pháp, GS. Đặng Văn Ngữ đã nuôi cấy nấm penicillin và dùng dung dịch nuôi cấy để chữa vết thương cho thương binh. Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều dự án lớn đầu tư sản xuất nguyên liệu kháng sinh để đáp ứng nhu cầu điều trị.
Hai penicillin thuộc loại cổ điển là penicillin G dùng để tiêm và penicillin V dùng để uống hiện nay vẫn được sử dụng. Bên cạnh các penicillin cổ điển, có rất nhiều kháng sinh thuộc loại hậu duệ và rất mới từ penicillin đầu đàn được tạo ra đang có mặt ở nước ta. Chính các penicillin rất mới này đang góp phần đẩy lùi các bệnh nhiễm khuẩn và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhiều cuộc giải phẫu sẽ không thực hiện được nếu không có kháng sinh nói chung, trong đó có các penicillin được đem sử dụng.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Trinh (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hai bên
Hai bên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây