Quỳnh Lưu 2 - Miền nhớ trong tôi!
- Lê Mùa Chiêm- Cựu HS K39-
Hôm nay về qua đường quen, lòng níu chân tôi ghé thăm trường cũ…
Trước mắt tôi, những dãy nhà cấp bốn xưa giờ đã lên tầng; sân trường không còn nguyên màu xà cừ xanh thẳm, bởi lẫn trong lá thắm nghe hương hoa sữa nồng nàn. Cảnh đã đổi thay nhiều, người xưa tôi chưa gặp lại; trường đã thay áo mới sao lòng vẫn thấy thật ấm, rất thân quen?
Cuối Thu rồi, lá rụng cũng nhiều hơn
Ngôi trường dấu yêu đã bao mùa thay áo?
Tôi bước thật chậm khiến lá vàng kia rơi dù không cố tình vẫn vương cài lên mái tóc, nghe tim mình thổn thức vọng tiếng ngày xưa…
Gặp gốc phượng già đã cạn mùa hoa, nhớ lũ con trai lớp tôi những lần trốn thầy trèo cây hái trái làm kiếm chơi trận giả. Gặp khóm mười giờ nơi bồn hoa trước cửa, tai tôi như nghe tiếng cười trong trẻo của đám bạn gái những buổi lao động học cách vun trồng. Nhìn sân bóng vắng hoe, nhớ bạn bè tôi những buổi tụm nhau tranh giành trên thảm cỏ; chuyện nhỏ bạn thấy bóng chạy đến gần gôn đã nháo nhào ôm chầm lấy nó, không cần để ý đến luật chơi…
Tôi mạnh bước chân, nhón đầu nhìn vào cửa lớp mới vài mùa chưa phai kịp mùi vôi. Những chiếc bàn ngắn chẳng đủ để chia thành năm chỗ ngồi, bảng chẳng còn đen, nền nhà chẳng còn loang lỗ. Ngỡ lạ nhưng sao vẫn làm tôi quay quắt nhớ?
Tôi nhớ thầy tôi mỗi sáng mai luôn là người đến sớm, kiểm tra bài vở của mấy cậu học trò nghịch ngợm, nhắc nhở cả lớp thực hiện đúng nội quy. Nhớ cô tôi vai ướt đẫm mồ hôi, vừa chở con đến trường lại ngược đường cho kịp giờ lên lớp; mệt nhoài chân nhưng miệng luôn ôm trọn nụ cười.
…
Tôi nhớ cô Thanh - người dạy tôi cách cảm một tác phẩm văn chương không cần đi theo trật tự của câu chữ; cho chúng tôi thoát khỏi những cái gạch đầu dòng khô khan để thỏa sức viết nên những cảm nhận của mình. Tôi nhớ cô Nhạn – người đã dạy nhiều bài học làm người mà khi bước ra đời chúng tôi mới hiểu hết được. Nhớ mình đã từng biết ơn thầy Lạc dạy toán rất nhiều khi nghe kể rằng thầy chẳng biết mặt nhưng vẫn hết mình ủng hộ tôi nhận được học bổng từ trường. Còn nhớ những cô Cần, cô Chương, cô Kỳ, cô Thởi, cô Thuần, thầy Hợp, thầy Hiếu,… - những thầy cô giáo lớn tuổi luôn ân cần như mẹ cha chỉ dạy điều phải trái.
Tôi nhớ thầy Đậu Nhuận thường kể chúng tôi nghe nhiều về những câu chuyện cuộc sống, hướng chúng tôi cư xử sao cho đúng, dạy chúng tôi cách nhìn nhận vấn đề cả ở những chuyện nhỏ gặp hàng ngày. Tôi cũng nhớ về thầy Thọ dạy sử rất “ngông ngênh”, nhưng bài giảng của thầy không bao giờ chúng tôi bỏ dở; lối sống thẳng ngay chúng tôi cũng được rèn dũa thêm nhờ thầy.
Tôi nhớ thầy Quang dạy vật lý thật bao dung, dù biết tôi đã ghi tên thầy vào bài vè trên trang báo tường năm ấy mà chỉ mỉm cười không mảy may trách mắng. Nhớ thầy Truyền nghiêm nghị tặng cái nhéo tai khi tôi vô kỷ luật dám trao đổi bài giữa những kỳ thi.
Tôi nhớ đến những cô Bảy, thầy Hào, cô Hiên, cô Huệ ,… - các thầy cô giáo trẻ luôn bị học trò chọc đến đỏ mặt, đến rơi nước mắt nhưng không một lần cáu giận. Nhớ những cô Thư, cô Thu, cô Hoàng Anh, cô Nhung,… ai cũng hiền xinh và thật dễ gần. Nhớ rằng thầy Nam, thầy Đào Đức, cô Vân, cô Mai… lúc giảng ít khi cười, nhưng khi vui chơi thì cả ánh mắt lẫn nụ cười đều ấm. Cũng nhớ mình đã được đứa bạn lớp bên kể cho nghe chuyện về cô giáo Lan dạy anh văn nghiêm khắc, nhưng lại giống như một người chị, người bạn, luôn thấu hiểu và sẻ chia với học trò.
Tôi nhớ như in dáng thầy Thịnh gầy len giữa những cơn mưa mùa bão nổi. Nhớ mãi hình ảnh thầy Sơn ngồi trầm ngâm nơi bậc cửa dõi theo bóng cô cậu học trò những cuối chiều.
Tôi còn nhớ việc mình đã ngưỡng mộ thầy Nam Thắng ra sao, ngưỡng mộ đến mức nghe thầy nói điều gì cũng thấy đúng. Tôi nhớ luôn cả chuyện chúng tôi trốn tiết thế nào bị thầy Đình Đức bắt gặp, dù không quở trách nhưng thầy đã giúp tôi nhận ra việc mình làm là không đúng, chẳng tôn trọng thầy cô và cũng thiếu luôn cả tôn trọng chính mình.
Rồi tôi nhớ cô Tú văn thư, người luôn kiên nhẫn trước những hấp tấp vội vàng của cả ngàn đứa học trò bọn tôi vào mùa chuẩn bị giấy tờ thi cử. Nhớ các bác bảo vệ thật hiền nhưng cũng thật nghiêm đối với những trò ma quỷ của đám học sinh.
Tôi nhớ hết từng gương mặt, những cái tên của thầy cô trường mình dù phần nhiều cô thầy tôi không có cơ hội được học. Nhớ để rồi mỗi khi tình cờ bắt gặp bóng ai trên đường cũng khiến môi tôi mấp máy “Chào cô!”, “Thưa thầy!”.
…
Sải bước ngang qua phòng truyền thống, tôi biết mình không thể ngăn được dòng nhớ. Nhớ ánh mắt ngưỡng mộ của bạn bè tôi ngày ngồi trước cờ nghe thầy hiệu trưởng kể chuyện những gương sáng của các lớp anh chị mình. Nhớ như in những lời hứa “tiếp bước gương xưa” để rồi tự hỏi đã có bao người làm được?
Tôi lại ném nỗi nhớ nghiêng qua chuyện tôi và các em tôi những ngày vào phố học đại học đã tìm thấy nhau ra sao, cùng nhau nhớ về trường cũ thế nào. Chúng tôi tìm thấy nhau trên giảng đường, gặp gỡ nhau qua từng con phố. Nghe giọng nói quen hay bất giác nhìn thấy chiếc phù hiệu trên vai áo, chúng tôi sát lại gần hồ hởi: “Học Quỳnh Lưu 2 có phải không?”. Chúng tôi xóa tan mọi khoảng cách, tìm thân quen qua tên lớp tên trường. Có khi quen nhau trọn năm rồi nhưng chúng tôi vẫn chẳng biết bạn mình, em mình ở xã phường nào cả. Bởi Quỳnh Lưu 2 thân thương đã đủ gắn nghĩa kết tình thân, đã đủ để chúng tôi coi nhau như ruột thịt.
Tôi nhớ những lần chị em chúng tôi - những người con chung một mái nhà Quỳnh Lưu 2 tụ hội, luôn xôn xao kể nhau nghe chuyện về lớp về trường. Kể cho nhau nghe những kỷ niệm dường như mới hôm qua, kể nhau nghe cả những điều mà người khác chưa hay ngày hôm nay về cô thầy mình, về trường xưa lớp cũ. Tôi nhớ rằng mình được các em học sau tôi một hay nhiều khóa kể tường tận chuyện về những nhà giáo trẻ tận tâm, không quản sớm khuya luyện rèn để học trò mình giỏi giang hơn, giành giải này giải nọ. Những cô Hương, thầy Tương, thầy Chuyên, thầy Tuấn, thầy Hoàng, cô Hoa, cô Phúc… - nhiều trong số đó là những cô thầy tôi chưa từng biết mặt, nhưng nghe các em xong bỗng thấy trân quý như thể thân quen rồi.
Nhớ các em nói với nhau thật chân tình, chuyện chúng có thêm trường thêm lớp, thêm rất nhiều cô thầy mới nhưng sao không thể yêu được như cái cách chúng yêu cô thầy cũ, mái trường xưa. Các em cũng tâm sự rằng vào những ngày trời phố đổ mưa, chỉ muốn chạy về chạm tai nghe tiếng rì rào trong tán lá trước phòng học cũ. Hay chuyện các em không rủ mà cùng nhau trốn giảng đường mùa Hiến chương, mang cảm xúc của cô cậu sinh viên nơi phố lớn về quê nhỏ làm quà dâng tặng cô thầy mình. Tôi cũng nhớ mình đã nghe các em trao cho nhau kinh nghiệm học hành, dặn nhau phải cố gắng học thật tốt để đền ơn thầy cô, cha mẹ…
Nỗi nhớ vẫn trôi nhưng chiều trở muộn rồi khiến tôi phải dằn lòng quay bước.
…
Quỳnh Lưu 2 giờ đây tròn 52 tuổi, nghĩa là tôi cũng đã có cho mình trọn 12 năm đi xa để nuôi niềm nhớ. Chưa một phút giây nào trong hơn bốn nghìn ngày đó tôi cho phép mình ngơi nghỉ cảm xúc biết ơn.
Tôi ơn trường tôi, ơn thầy cô tôi, ơn bạn cũ. Tôi ơn từng dãy nhà, hàng cây, từng góc nhỏ sân trường đầy nắng lá. Tôi ơn những phòng học với bảng đen và phấn trắng, ơn chiếc ghế đá bên thềm khắc ghi nhiều kỷ niệm để tôi được nhớ về mỗi khi thấy mệt lòng nơi phố lạ. Ơn tất cả những gì thuộc về Quỳnh Lưu 2 - nơi mà ở đó chân chúng tôi được cứng cáp hơn thêm, mắt trông xa hơn, tim học được những nhịp đập yêu thương và ý chí thì được tôi rèn, sẵn sàng vươn cánh bay lên giữa bầu trời rộng lớn để hoàn thiện trang vẽ Ngày mai.
Tôi rất muốn gửi lời biết ơn đến lớp lớp anh chị tôi - những anh hùng, những bác sĩ, kỹ sư, nhà văn, nhà giáo, những doanh nhân, những nông dân điển hình làm kinh tế giỏi, hay những gương người tốt việc tốt thầm lặng giữa đời thường… Cảm ơn tất cả các anh, các chị đã viết nên những trang vàng truyền thống cho trường để lớp chúng tôi và các em tôi luôn thấy tự hào, soi vào mà cố gắng.
Tôi cũng muốn nói với bạn mình rằng Quỳnh Lưu 2 giờ đã thay áo mới, nhưng tình bạn nghĩa thầy vẫn còn nguyên đấy, chúng ta cùng cố gắng nhiều hơn để đền đáp những thương yêu. Tôi lại muốn nhắn nhủ các em tôi - những đứa em đang được khoác trên mình tà áo trắng tinh khôi, rằng các em hãy học cho hết những điều thầy cô mình truyền dạy để “làm vốn” cho chuyến “buôn” đầu đời. Và các em hãy cứ tận hưởng cho trọn những ngày còn được ngồi trên ghế nhà trường, để mai kia khi thấy cuộc đời không tròn một màu hồng nữa, các em vẫn còn đó những yêu thương cũ, những tấm chân tình từ thầy cô, bè bạn nơi trường xưa để nhớ về, để tựa vào tin mà bước tiếp.
Và mai này khi các con mình lớn lên, tôi muốn kể chúng nghe rằng trong mái ấm Quỳnh Lưu 2 nơi tôi từng sống, cha mẹ không ít nghiêm khắc nhưng cũng thật nhiều nhân hậu, bao dung. Ở đó, cô thầy không chỉ trao cho học trò kiến thức mà quan trọng hơn là dạy những điều hay lẽ đẹp, dạy cách làm người. Các con hãy lớn lên để đi trên những lối nhỏ ngày xưa mẹ từng quen bước, rồi các con sẽ lại xây được cho mình một miền nhớ - về thầy cô, về mái trường thân yêu ấy.
…
Trường xưa dấu yêu ơi!
Thầy cô kính yêu ơi!
Kỷ niệm ngày hôm qua vẫn nguyên vẹn trong hôm nay và chắc chắn ngày mai trong tim tôi vẫn đậm màu thương nhớ.
Cho tôi xin thêm ngàn lần được nói tiếng Yêu cô.
Cho tôi xin thêm ngàn lần được nói câu Kính thầy.
Xin cho tôi được dành cả cuộc đời mình để nhớ về trường cũ.
Quỳnh Lưu 2 – Miền nhớ trong tôi!