Với vai trò là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam, Tết Nguyên Đán vẫn mang trọn những nét đẹp truyền thống dù trải qua biết bao năm tháng.
Đối với người dân đất Việt, Tết không chỉ là dịp để quây quần sum họp bên gia đình, mà còn là thời điểm để bảo tồn bản sắc dân tộc qua việc duy trì những phong tục cổ truyền. Tuỳ theo mỗi vùng miền, hoặc theo những quan niệm về tôn giáo của người Việt, các phong tục tập quán ở từng địa phương thường có chút khác biệt.
Nhưng xét về tổng thể, điểm chung của phong tục ngày Tết chính là được phân làm ba khoảng thời gian: Tất niên, Giao thừa và Tân niên. Mỗi khoảng thời gian ứng với những sự chuẩn bị, ứng với những lễ nghi hay ứng với những hình thức thể hiện khác nhau.
Cứ đến ngày 23 tháng Chạp, các gia đình Việt Nam sẽ dọn dẹp sạch sẽ nhà bếp để cúng ông Công, ông Táo. Lễ cúng truyền thống phải có cá vàng để tiễn ông về trời, mong ông sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng những điều tốt vì theo quan niệm dân gian đây là ngày mà Ngọc Hoàng sẽ trách phạt hay thưởng gia chủ dựa trên những gì mà ông Táo báo cáo.
Công việc dọn dẹp ngày Tết có ý nghĩa là để chuẩn bị “tiễn năm cũ, đón năm mới”. Trong ngày này, tất cả đồ đạc trong nhà sẽ được đem ra chùi rửa thật sạch sẽ, chén bát mới sẽ được chuẩn bị sẵn cho mâm cỗ ngày tết, các vật dụng trưng bày cũng được đem ra bày biện trang hoàng cho nhà cửa trông mới mẻ hơn.
Ngoài ra đây cũng là lúc chúng ta xem lại các món nợ cần phải trả, nếu có đủ khả năng thì buộc phải trả trước Tết, không nên để qua năm mới.
Người xưa đi chợ Tết chủ yếu là để mua lá dong, mua thịt, mua hành gói bánh chưng. Người Việt còn có thú chơi hoa và bày mâm ngũ quả ngày Tết.
Các loài hoa ưa chuộng không thể thiếu ngày Tết đó là hoa đào, hoa mai, hoa hải đường, lay ơn, thược dược,… Mâm ngũ quả thì tùy thuộc vào vùng miền mà có các loại quả khác nhau. Tất cả đều mang ý nghĩa: vạn sự như ý, an khang thịnh vượng, phúc lộc tràn đầy,…
Khi đi chợ Tết, người ta cũng không quên qua cổng chợ xin chữ thầy đồ, có thể là câu đối hoặc một chữ duy nhất. Người xưa thường xin chữ về thờ với mong muốn con cháu được học con chữ mà thành người. Chữ được yêu thích nhất thường là chữ Tâm, Phúc, Đức, An, Lộc,…
>>Ánh sáng và hy vọng từ những thay đổi lớn trên thế giới trong năm 2017
Trước Tết, con cháu trong gia tộc sẽ tranh thủ tề tựu đông đủ, cùng nhau đi thăm và quét dọn mồ mã tổ tiên. Mỗi gia đình đều đem theo hương đèn, hoa quả để cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu, cùng nhau ôn lại những kỉ niệm của năm cũ, ước mong những điều tốt lành cho năm mới sắp đến.
Bánh chưng là một phong tục có từ nền văn minh lúa nếp đời vua Hùng Vương thứ 18. Ngày nay, vào tầm 28 – 29 Tết, các gia đình Việt Nam thường tụ tập gói bánh chưng, bánh tét để làm quà biếu Tết hoặc để thưởng thức trong gia đình. Phải là người có bàn tay vô cùng khéo léo mới có thể gói bánh thật đẹp và thật chặt, nếu không bánh sẽ nứt và thấm nước, gây nhão bánh.
Cúng giao thừa thường phải làm hai lễ, một lễ cúng trong nhà và một lễ cúng ngoài trời. Sở dĩ người Việt Nam làm lễ cúng giao thừa vì niềm tin rằng: Một năm bắt đầu, ắt phải có kết thúc. Ý nghĩa của buổi lễ cũng là: bỏ hết đi những ân oán năm cũ, nghinh đón năm mới đến với tài lộc và những điều tốt đẹp.
Sau khi cúng giao thừa, người dân Việt Nam sẽ chọn giờ tốt để xuất hành và đi hái lộc, với mong ước một năm mới luôn may mắn và viên mãn, rước lộc về nhà.
>>Đầu năm mới cầu gì khi đi lễ chùa?
Đi lễ chùa đầu năm không đơn giản để ước nguyện mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những ngày tháng vất vả mưu sinh, mong tìm được sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ.
Người Việt quan niệm rằng, người xông đất sẽ quyết định cả một năm vui vẻ, phát đạt hay không may mắn của mình. Vì thế, họ thường mời những người có vận may, có tuổi hợp với chủ nhà đến xông đất. Người xông đất phải ăn mặc chỉnh tề, sau đó phải đi hết một vòng quanh nhà với hi vọng may mắn sẽ luôn tràn ngập khắp nhà gia chủ.
Có thể nói, chúc tết là nét văn hóa vô cùng độc đáo và không thể thiếu trong ngày Tết. Khi đi chúc tết, ai nấy đều mặc đồ đẹp, thường là chọn màu đỏ mang ý nghĩa may mắn, và mang theo quà cáp để mừng cho gia chủ.
Văn hóa ngày Tết của người Việt còn có câu: “Mồng một lễ cha, mồng hai lễ mẹ, mồng ba lễ thầy”. Cha tượng trưng cho bên nội, mẹ là bên ngoại, còn thầy đại diện cho những người đã giúp cho ta hiểu biết.
Ngày Tết, người Việt Nam có phong tục lì xì cho trẻ em với mong ước các em vui vẻ, hạnh phúc và chăm ngoan học giỏi. Phong bao lì xì màu đỏ cũng tượng trưng cho sự may mắn, phúc lộc an khang. Trong văn hóa Trung Hoa, ai chưa lập gia đình sẽ vẫn được coi là trẻ em và được phép nhận phong bao lì xì.
Trải qua ngày Tết mới thấy, phong tục ngày tết không phải là hình thức, mà chúng đề cao vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp cội nguồn văn hoá của dân tộc Việt.
Dù đi xa mấy nhưng cứ đến ngày này, người người đều cố gắng trở về quê hương đoàn viên cũng với gia đình. Dù bao nhiêu năm trôi qua, những người con đất Việt vẫn không quên đi cội nguồn, mỗi ngày đều góp phần xây dựng và bảo trì nền văn hóa truyền thống đẹp đẽ.
Tác giả bài viết: Đào Đức (tổng hợp)
Nguồn tin: Trường THPT Quỳnh Lưu 2
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn