Gương mặt chiến tranh

Thứ ba - 28/04/2020 09:53
                                       Gương mặt chiến tranh

                                                        Truyện ngắn của Lê Văn Ngọc
 
me

Năm 2007, bà nội chạm ngõ cái tuổi 80, bác chú quyết định tổ chức một lễ mừng thọ sang trọng nhất làng. Ngày đó, nắng nhuộm vàng vườn cải trước sân, bà diện cái áo thọ đỏ rực, ngồi ngay ngắn nghe văn nghệ mừng vui.
Khách khứa tấp nập tặng quà chúc tụng. Từ người làng đến lãnh đạo địa phương. Ông chủ tịch xã dẫn một đoàn người ăn mặc chỉnh tề, bưng khay bằng khen, bước lên bục rút tờ quyết định trong chiếc cặp đen, đứng trang nghiêm tuyên đọc. Tôi ở xa chỉ nghe loáng thoáng đôi câu “trao tặng liệt sĩ Bùi Thị Ngần, Huân chương chiến công hạng nhất”.
Làng xóm ngạc nhiên, bàn tán xôn xao. Mấy anh chị nhìn nhau khó hiểu. Còn chú bác thì vỡ òa, bật khóc khe khẽ. Tôi giật nhẹ tay áo quay sang hỏi bố:
- Ai thế ạ?
- Bác Cả đấy. Bùi Thị Ngần… - ông lẩm nhẩm, xúc động thốt lên – Chị ơi.
Mắt bố hoe đỏ mông lung mờ ảo. Tay bà run rẩy nhận lấy tấm bằng khen, nghẹn ngào nói:
- Cảm ơn các chú.
- Việc nên làm mà bác. – Ông chủ tịch ngập ngừng - nếu gia đình có nguyện vọng sắp tới xã sẽ tổ chức lễ truy điệu trọng thể và đón hài cốt liệt sĩ về yên nghỉ tại nghĩa trang quê nhà.
- Không cần đâu, để nó nằm ở đó cho có bạn, có bè.
Bà thở dài lau bóng khung kính, giọt lệ long lanh tí tách lăn tròn. Đặt tấm bằng lên bàn thờ, trước khung ảnh người con gái đôi mươi đang mỉm cười rạng rỡ. Khói nghi ngút lả lướt quấn quanh. Hương thơm đưa nồng nàn cánh mũi. Vái xong ba vái, bà một mình lục lọi buồng ngủ, mặc mọi người ngơ ngác. Lát sau, tay bà bê chiếc hộp sắt hoen rỉ, lật dở từng giấy tờ. Manh áo cũ sờn chắp vá phai màu bạc phếch, hai lá thư ố vàng kèm tấm hình loang lổ người vẫn cười thật tươi.
***
Ruộng đồng về đêm râm ran dế gọi bầy. Mặt ao kín bèo, cá khua kêu ục ục. Tôi rúc vào lòng bà trên chiếc chõng tre ngoài gốc nhãn, giở thói mè nheo trẻ con đòi hỏi liên hồi:
- Bà kể cháu nghe chuyện bác Cả đi.
- Để làm gì? – bà đang cười bỗng dưng tắt hẳn.
- Tự nhiên cháu muốn viết vài dòng cho bác ấy, coi như lưu làm kỷ niệm.
- Ừ, bác Cả mày…
Hồi ức của bà vẽ cảnh làng đầu thập niên năm mươi thuộc của thế kỉ XX, giặc càn rất khốc liệt. Chúng lập những đồn chốt, lô cốt tù đày rải rác khắp nơi. Đàn bà con gái hễ xinh chút phải trốn biệt tăm, hoặc dùng nhọ nồi trát đầy lên mặt. Cuộc sống đói khổ cùng quẫn khi những người đàn ông một lòng phục vụ cách mạng. Phụ nữ ở nhà lén lút tham gia du kích dân quân tự vệ, giữ vững sản xuất chuẩn bị cung ứng mấy chiến dịch lớn.
Độ ấy, bà điểm trang kỹ lưỡng, đen đúa toàn thân vết cát bẩn, bốc mùi tanh tưởi. Gánh gạo lên rừng chỗ bộ đội đóng quân. Nửa đường gặp hai thằng lính pháp và việt gian đi tuần. Chúng lùng sục quang gánh, hách dịch bằng cái giọng lơ lớ men rượu.
- Mày đi đâu?
- Bẩm hai ông, nhà con mới xong mùa, dư ít gạo gánh đổi thêm chút hàng ạ.
- Đổi hàng à? – tên việt gian lắc láo đảo mắt đánh giá, bàn tính với gã lính pháp bên cạnh – mày đem nuôi bọn việt cộng đúng không, khai mau.
- Lạy ông, con nào gan vậy. – bà giật mình quỳ sụp xuống.
- Cãi này, thích già mồm…
Gã lính hất tung gánh gạo, túm tay bà lôi xềnh xệch vào thềm cỏ ven đường. Xoèn xoẹt, những tiếng vải rách vang vọng bên tai. Bà vùng vẫy, cố đẩy nó ra, lồm cồm bò dậy và hốt hoảng cầu xin.
- Con cắn rơm, cắn cỏ van ông tha tội.
- Tha?
Thằng việt gian cười diễu cợt, ập xuống bà như con thú vồ mồi, vùi mặt trên bầu ngực căng tràn trắng bóc. Bà liều mình cắn mạnh tai nó, mùi máu tanh xộc vào khó ngửi. Hắn đau đớn, giận dữ vung tay.
- Con chó chết, mày dám cắn tao…
Những cái tát bỏng rát làm đầu bà choáng váng, khoảng không xa xa vọng về tiếng kêu cứu í ới. Chắc ai đó cũng đang bị dày xéo. Quen hết rồi. Chịu đựng chút là qua. Bà dỗ lòng tự nhủ, mê man và ngất lịm. Khi tỉnh dậy, một mình nằm trơ trọi, khắp thân thể xanh tím lan tràn. Nén đau đớn, bà lấy cái áo nâu giấu trong quang gánh, bòn nhặt nốt vốc hạt gạo vương vãi để tiếp tục băng rừng nuôi quân.
Bác Cả đến với bà đầy đắng cay, tủi hổ. May thay chiến tranh, người ta dần quên những nếp xưa lệ làng. Nếu vào trăm năm trước ắt hẳn đã cạo đầu bôi vôi, dìm lồng heo trôi sông. Thật ra, mấy bận bà cố nhảy mạnh mong sảy thai mà bác vẫn ngoan cường bám trụ. Thậm chí, cái dạo sinh bác bà đang mải miết xuyên rừng chạy giặc. Đám địch trở nên điên cuồng khi nhận tin báo thua trận sau chiến dịch Thu Đông, chúng vơ vét và tháo chạy.
Bụng vượt mặt khiến thân bà nặng nề. Đường đồi núi gồ ghề, khúc khỉu gọi cơn đau đẻ ghé thăm giữa buổi chiều. Giặc vẫn lùng ráo riết. Hai cô hàng xóm dìu bà chạy sâu vào hẻm núi, đến bờ suối tìm tảng đá lớn bằng phẳng chờ sinh. Miệng bà ngậm cái áo, cắn chặt răng không hé một lời. Cơn đau miên man kéo dài không dứt. Lấy hết sức mình, bà rặn những hơi sâu, một lần, hai lần… thế là, bác chào đời cỏ cây làm bạn.
Bà tôi bảo bác bướng bỉnh, gan lỳ. Chả thế mà, vứt lay vứt lắt, sống dai hơn đỉa. Ăn uống thiếu thốn, người gầy trơ, da bao bọc xương xẩu. Chỉ hai con mắt xanh lơ luôn lập lòe phát sáng. Đặc trưng giống con lai mang dòng máu bên kia bờ chiến tuyến. Vì lo chồng ghét bỏ bác nên bà tính ở vậy. Mãi sau này gặp ông, phận đời run rủi thông cảm thương nhau mới kết duyên vợ chồng.
Bố cùng chú tôi ra đời, bác bỗng thành chị cả, cái tên Ngần dường như bị lãng quên. Người ta quen gọi “Cả ơi, Cả à”, ngay bà nội đôi lúc còn quên huống chi xóm giềng. Miền Bắc thôi chống Pháp, ông theo sư đoàn giải phóng miền Nam rồi yên giấc nghĩa trang Trường Sơn. Bà cần cù tham gia hội phụ nữ xã, sản xuất hợp tác đánh kẻng điểm danh. Bác tôi còn nhỏ, ban ngày cuốc bộ dẫn các em ra trường làng học tập, tối về nhà phụ bà bếp núc thổi cơm.
Mấy năm Giặc Mỹ ném bom chống phá miền Bắc. Làng hoang tàn xơ xác. Ruộng đồng lỗ chỗ hố bom to bự chảng, hễ trời mưa nước loang loáng dâng tràn. Bà dắt các con đào hầm trú ẩn. Cứ nghe tiếng ầm ù vần vũ trên bầu trời thì vội vàng dắt nhau xuống nấp, đóng chặt cửa niệm kinh cầu nguyện. Tiếc rằng, nhiều khi bom nổ sập hầm sẽ chôn vùi hết, chẳng sót ai, an táng cả nhà…
***
Bố tôi kể bác lên học trường tỉnh, lâu lâu nghỉ về thăm thấy vẹn nguyên lành lặn, bà đều mừng phát khóc. Suốt thiếu thời, bác Cả luôn hiện ra với đôi mắt xanh lam, sóng mũi thẳng và mái tóc đen quăn. Vẻ đẹp lai Tây hoang dã, tính cách gan dạ, can trường dự báo cuộc đời giông tố bấp bênh.
Cuối mùa đông năm 1969, bác vừa tròn mười tám thuộc nhóm tân sinh của một trường đại học ngoài Hà Nội. Bố tôi lên mười gánh thay phần việc bác. Ông còn đang tẩn mẩn ngồi tuốt rơm, thì thấy bác xuất hiện đột ngột nên gặng hỏi:
- Ơ sao chị về giờ này?
- Chị có chuyện cần bàn – bác cười đáp, dấm dúi vào tay bố một viên đường, nhìn ráo rác - mẹ đâu Hai?
- Mẹ trên hợp tác, để em ra gọi.
Bố tôi phấn khởi ù té chạy. Nghe tin, bà gom góp cái mớ tem phiếu tích cóp đổi cân thịt vai, nấu nồi kho tàu bác thích. Nụ cười đi vắng đã lâu chợt nở bung trên khuôn mặt ngân ngấn chân chim, lác đác đồi mồi.
Bác ở nhà một ngày, sớm mai vội mất bóng. Bà bần thần ngồi tựa cửa, tay buông thõng tờ giấy. Lọt thỏm giữa tiết trời mù sương tháng mười một. Bố tôi lén lút nhìn, chi chít chữ, bà gắt gỏng quát đành quay vào nhà. Đông qua thềm, đón Xuân sang ủ ấm. Những nhành cây gãy mục do bom rơi, đạn lạc đã lún phún đâm chồi nảy lộc. Song, bác vẫn chẳng gửi tin gì.
Người đi chiến trường B thừa chết, thiếu sống. Giặc phản công mỗi năm thêm ác liệt. Thành cổ Quảng Trị, bến sông Thạch Hãn đón bao lứa anh tài ngủ vùi cùng đất mẹ. Hậu phương lớn miền Bắc gồng lưng tiếp tế hàng, vận chuyển xuôi Nam. Bà tận dụng đủ loại quan hệ gửi thư cho bác mới nhận được hồi âm.
Bác xung phong thông đường Hồ Chí Minh, tuyến huyết mạch vắt ngang tỉnh Quảng Bình, viết thư còn trêu đùa dí dỏm “ở đây vui lắm, mẹ ơi!” Bà cười mắng nhỏ “cái con bé này”, xong cất cẩn thận trong hộp sắt. Ngọn gió mơn chớn lùa qua mái tóc muối tiêu hai màu sương khói, cây bưởi sau nhà ngan ngát tỏa hương.
***
Bức thư đầu tiên và cũng là cuối cùng. Chiến tranh dần dà chuyển qua giai đoạn mấu chốt. Những đàn chim sắt B52 lượn lờ trên bầu trời miền Bắc. Thông tin liên lạc chập chờn đứt quãng. Lần nào gửi hàng đi bà cũng dò hỏi mà giao liên lắc đầu liên tục. Người rồng rắn nối nhau xung phong chi viện miền Nam yêu thương. Chỉ dựa vào tấm ảnh đen trắng xỉ màu, tên gọi phổ thông quả thực rất khó.
Hòa bình nối liền hai miền Nam – Bắc. Bà chờ đợi từ lúc cây chưa đơm hoa đến trái chín rụng cành. Bác ở đâu, sao mãi không về? Có người khuyên thôi chị đừng ngóng trông khiến bà nổi khùng cãi cự:
- Chú mặc tôi, phải con chú xem.
Người ta im lặng. Trong thâm tâm kể cả bố và mấy chú cũng không hề tin tưởng, bác còn sống. Một chiều hè nắng nhạt trượt nghiêng mái ngói, có anh bồ đội vẻ mặt phong sương mệt mỏi tìm gặp bố tôi:
- Cậu cho hỏi đây có phải nhà chị Ngần không?
- Vâng, đúng rồi.
- Tôi cùng đơn vị chị nên đến báo tin. – giọng anh nặng nề - Ngần đã hy sinh.
Bố tôi ngẩn người chốc lát. Mắt nhìn chăm chú cái balo trên tay anh lính. Tiếng lạch cạch, gậy rơi lăn lóc. Bà ngã khụy trên bậc cửa, yếu ớt như ai hút cạn sinh lực. Bố dìu bà ngồi tựa thành ghế, anh lính đối điện đặt ba lô lên bàn. Bà lần mở từng ngăn, mấy tấm áo gửi vào hồi trước, một cây ghi ta xước xát, lầm bầm:
- Con bé thích gảy đàn, nhất là tình ca, bài nào cũng thuộc.
- Chị ấy hát hay lắm ạ.
- Nó đi thế nào vậy chú. - bà ngẩng mặt, ướt nhòe hai hàng lệ.
- Dạ, tiểu đội đang lấp hố, phá bom thì bất ngờ phát nổ…
Anh lính nghẹn ứa, nhà trầm buồn tĩnh lặng. Bà ôm chặt manh áo vá tham lam hít hà. Bố tôi mê man, hồn bay đến nơi đường thông, đoàn xe chạy. Cô gái giải lao ôm đàn ca hát. Hôm sau bom rơi, tan nát, phân lìa. Người ta gom di vật bỏ vào trong balo con cóc, mai táng sơ sài cho kịp buổi hành quân.
***
Xã dán thống kê xác nhận liệt sĩ hy sinh ở chiến trường B. Bà hơn sáu mươi xếp hàng dò xem. An, Biên, Cường, Hoa… điểm danh vắng Ngần, mới sốt sắng hỏi chị cán bộ:
- Danh sách thiếu tên Bùi Thị Ngần à cô?
- Đủ hết đó bác, trên chính sách huyện gửi về như thế. Thắc mắc gì bác liên hệ thử xem.
Bố đèo bà lóc cóc đạp xe. Đất nước vừa thống nhất, công cuộc kiến thiết bắt đầu khởi động, đường xá gập gềnh đá sỏi đan xen. Trụ sở phòng chính sách huyện còn khá nghèo nàn lụp xụp. Ông trưởng phòng tiếp hai người bằng bộ bàn ghế tróc sơn, nghe bà trình bày xong thong thả từ chối:
- Trường hợp này không đủ cơ sở công nhận liệt sĩ đâu bác.
- Bằng chứng đây, chú xem giúp tôi. - Bà chỉ chỗ di vật bày la liệt trên bàn mềm mỏng giải thích.
- Thiếu giấy tờ. Ai biết con bác liệt sĩ thực hay giả, thuộc đại đội nào nên không thể xác nhận.
- Nếu gom đủ chứng minh thì sao.
- Chỉ cần đủ, bác cứ đem xuống đối chiếu quy định, chúng tôi sẽ làm.
Những năm tám mươi khủng hoảng thời bao cấp, dân miền xuôi đổ xô lên miền ngược xây dựng vùng kinh tế mới. Công cuộc tìm kiếm vô cùng khó khăn. Bố lần đầu mối liên hệ bạn bè cùng đi chiến trường với bác nhưng chẳng ăn thua. Nhiều tối mệt mỏi, chán nản bèn xin bà:
- Hay thôi U.
- Thôi thì ai nhớ hả mày?
Ừ nhỉ. Gia đình máu mủ ruột già mới bỏ công lặn lội. Nếu không thì họ biết đề chi đây? Ròng rã mười năm, bố bươn chải dãi dầu mưa nắng. Thương chị, thương mẹ, đã bao đêm bà tỉnh cơn mộng mị. Nước mắt chảy dài thầm gọi “con ơi!” hoặc bưng mặt dấm dứt dằn vặt xé lòng “Tao dặn đừng đi, mày còn trốn làm gì? Về với u đi Cả...”
Bố chết điếng gục người sau cánh cửa. Chuyến hành trình căng go, dai dẳng sang mười lăm rốt cục hoàn thành. Ơn giời, ông gặp được thủ trưởng cũ của bác, người ta nhiệt tình giúp đỡ. Tổ Quốc ghi công, bác an giấc yên lành. Bà tôi mỉm cười vui vẻ suốt vài tháng.
***
Dạo gần đây, bà thường nhắc tới bác Cả như một cách ôn lại kỷ niệm. Nhiều hôm thấy đứa em nghịch cát ngoài sân, buột miệng càm ràm:
- Bác Cả chúng mày ngày xưa rất đanh đá, gấu bể.
- Như nào bà? – tụi tôi tò mò.
- Nó dẫn đám nhóc phá làng, phá xóm. Bọn lớn hơn còn sợ, bà quất đòn gãy cả roi tre.
- Mới hơn mười giấu bà ra phố…
Bà luyên thuyên theo thói quen người già, trông tưởng bực bội mà mắt sáng hấp háy. Thỉnh thoảng, tôi vẫn hỏi bà.
- Bà nhớ bác chứ?
- Nhớ.
- Thế sao bà không giữ bác ở nhà?
Mây tím chiều nghiêng phai đáy mắt, bà quyết định bỏ ngỏ câu trả lời. Tôi từng hỏi bố giống hệt, song kết quả na ná như nhau. Thời gian xoay vần, lưng bà còng khọm, ốm đau bệnh tật chất chồng nghẹt thở. Thần trí mơ màng, duy ý niệm thương nhớ bác Cả là chưa bao giờ vơi cạn.
- Hai ơi! Tao muốn thăm cái Cả. – bà mong mỏi nắm chặt tay bố.
- Nhưng…
- Đừng phản đối, tính nó xuề xòa, mẹ phải giúp sửa sang nơi ăn, chốn ngủ cho đàng hàng.
Chuyến xe gồng gánh những trái tim nóng hổi, vượt Trường Sơn đỗ tại cổng nghĩa trang. Bác nằm lọt thỏm dưới hai cành cây xanh, ngang dọc những bia đá vinh danh đồng đội. Bà tỉ mỉ thu dọn xung quanh, quét sạch bụi bặm, ngọn cỏ tranh sắc bén cứa làn da nhăn nheo ứa máu, miệng bà thủ thỉ “Nằm có lạnh không con? Muốn cái gì tối báo u gửi..”
Bố đưa tôi nắm hương trầm khói vương phảng phất, cắm đều đặn hàng ngang, ngõ dọc. Bất chợt, giữa rừng bia tên tuổi, quê quán, tháng năm nhập ngũ bỗng trơ ra những hàng mộ giản đơn “liệt sĩ vô danh”. Gió cuốn bụi làm cay cay khóe mắt, lòng tôi cuộn trào âm hưởng mấy câu thơ:
“Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh Anh tròn ngày, tròn tháng
Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa” (*)
Chiến tranh đã tàn phá những xóm làng, hằn lên mảnh đất này bao nỗi đau thầm lặng. Có người vợ mất chồng, có người mẹ mất con, cặp tình nhân chia ly sau lời hẹn dang dở, những con người nằm xuống, chẳng nhớ mặt, ghi tên…
Hỏi ai còn nhớ? Ví như những đêm trở giời bà nội hay ngồi vuốt ve tấm ảnh cũ, ngày mười lăm sắm sửa đi lễ chùa. Tất cả đều chưa từng bày tỏ, lâu lâu con cháu nhìn thấy bà sóng buồn in đáy mắt thì an ủi vài câu.
Chỉ vài câu thôi, rồi hết…

Theo Group Quán Chiêu Văn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Hai bên
Hai bên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây