Những ai yêu mến âm nhạc Trịnh Công Sơn chắc vẫn không quên lời nói dối của 13 năm trước. Người nghệ sĩ lang thang từng kể nhiều về những chuyến đi xa: “mẹ bỏ con đi đường xa mịt mùng”, “em phụ tôimột đờibé dại, thơ dại ra đi không nhớ gì tôi”, “anh nằm xuống, như một lần vào viễn du... đất hoang vu khép lại hẹn hò”. Rồi cũng đến lượt ông “bỏ lại dặm trường” mà đi. Tôi không biết cái chết là sự khởi đầu hay kết thúc, chỉ biết rằng đó là một lời nói dối có thật. Tựa vết thương trên da thịt lâu ngày khắc thành vết sẹo từ bi, nhẫn nại cùng tháng năm, sự ra đi của một người đôi khi là lời nhắc nhớ bền bỉ về quê hương, tình yêu và thân phận. 1/4 - ngày giỗ Trịnh Công Sơn, những bản tình ca và ca khúc da vàng được hát lại da diết, vang vọng trên quê hương, như chưa từng có một cuộc tiễn đưa, như chẳng ai tin vào cái chết.
Tháng Tư đến vội vã như một lời nói đùa quá trớn tặng cô gái sắp lỡ thì “này cô, xuân qua rồi!”. Thời gian trôi nhanh quá, ngày xuân tàn, rồi hạ, rồi thu, đông sẽ lần lượt ra đi. Đời người liệu đi được mấy vòng tuần hoàn như thế?
Tháng Tư, học trò cuối cấp lòng nôn nao khó tả. Mùa thi đã đến gần, phượng hồng đã chúm chím, một quãng đời thơ ngây sắp khép lại. Có ai đi qua tháng Tư mà lòng không hồi hộp, vương vấn.
Đất trời giao mùa. Hồn ta chia hai nửa, nửa mong ngóng nắng hè rực rỡ, nửa nhung nhớ rét nàng Bân. Rét vừa qua nhưng nóng nực chưa tới, trời thênh thang, trong vắt. Ta vừa đi qua những đêm mưa phùn gió bấc, không tin nổi tiết trời ấm áp, dịu dàng đến thế. Nắng mỏng như tơ, mây rong ruổi tìm một chân trời vô định, dòng người ngược xuôi tìm kiếm một điều gì phù phiếm trong đời. Dường như những thứ đó đều không có thật. Thứ gần gũi, chân thành nhất là bó hoa loa kèn ngậm sương đêm thơm ngát, là tiếng reo cười con nhỏ đợi bố mẹ tan ca đến đón. Ta dang tay ôm trọn tháng Tư đang cựa quậy thay mùa, thấy yêu thêm những khoảnh khắc có thực giữa đời sống hư hao.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn