Người Việt có vô cảm?

Thứ sáu - 07/12/2012 21:16

(VOV)-Người Việt không hề thiếu cảm xúc. Vấn đề là xu hướng cảm xúc người Việt đang có nhiều bất ổn.

Hãng khảo sát Quốc tế Gallup vừa công bố kết quả khảo sát về chỉ số cảm xúc của người dân ở 150 quốc gia trên thế giới. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 13 trong danh sách những nước mà người dân có ít cảm xúc nhất. Tất nhiên, kết quả này chỉ mang tính tham khảo, song, “người Việt có thực sự vô cảm hay không” là một câu hỏi đáng suy nghĩ.

Nếu căn cứ vào hiện tượng đám trẻ khóc ngất khi được gặp thần tượng sao Hàn thì không thể nói người Việt vô cảm. Nếu căn cứ vào các tờ báo ngập tràn tính từ chỉ trạng thái cảm xúc như “sốc”, “choáng”, “xót xa”, thậm chí là “đắng lòng” trên các tít bài thì không thể nói người Việt vô cảm.

Nhưng nếu căn cứ vào sự bình thản của xã hội trước những con số hàng trăm tỷ, ngàn tỷ bị thất thoát bởi các doanh nghiệp Nhà nước, căn cứ vào hình ảnh một người đàn bà điên hết nằm trên đường cao tốc rồi xuống ngã tư đông đúc nhất Hà Nội thoát y điều khiển giao thông cả tuần lễ mà không được can thiệp đưa vào trại, thì sự vô cảm của người Việt đã chạm đáy.

Từ những chỉ dấu khác nhau kể trên, khó có thể khẳng định người Việt có thực sự vô cảm hay không. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận cảm xúc thuần tuý là những phản ứng của não bộ thì hiện tượng gia tăng những vụ án mạng từ những va chạm nhỏ trong đời sống, một phát ngôn ngớ ngẩn của cô người mẫu nào đó cũng làm dư luận dậy sóng, cho thấy người Việt không hề thiếu cảm xúc. Vấn đề là xu hướng cảm xúc người Việt đang có nhiều bất ổn.

Xu hướng cảm xúc của xã hội thường được dẫn dắt bởi những người có ảnh hưởng với đám đông như các quan chức, các nghệ sĩ, các trí thức.

Các quan chức ở Việt Nam thường chỉ có ảnh hưởng trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của mình, và hình ảnh của họ, những quyết định của họ thường được gắn liền với yếu tố tập thể, nên dấu ấn cá nhân không sâu đậm.

Các nghệ sĩ trẻ có ảnh hưởng với công chúng bằng tài năng không nhiều, và tên tuổi của họ thường chìm khuất dưới những ồn ào của những vụ scandal để tạo sóng.

Các nhà trí thức ở nước ta có số lượng đông đảo nếu xét về bằng cấp, song đã lâu lắm rồi không thấy những công trình khoa học của họ mang đến những tác động khiến xã hội chú ý. Ngô Bảo Châu là một trường hợp hãn hữu gây sốt trong dư luận, song vì bổ đề của ông quá xa lạ với đại chúng nên tấm gương Ngô Bảo Châu lại bị liên tưởng đến hành vi cảm xúc tiêu biểu là hàng ngàn phụ huynh đạp đổ cổng ngôi trường ông đã học.

Xu hướng cảm xúc cá nhân được hình thành từ môi trường giáo dục, thông thường là nhà trường và gia đình.

Ở nhà trường, một thế hệ nguời Việt đồng cảm với câu thơ của cô gái Nguyễn Thuỷ Ly “Những bài học tình người còn đâu trong trường học/ Khi thầy cô nghèo vật chất, đói tinh thần”. Mỹ cảm của học trò được bồi dưỡng bằng hình ảnh thầy cô dạy thêm bị bắt và bị lập biên bản…

Cũng nhà trường, theo một khảo sát của Đại học Sư phạm Hà Nội thì 80% giáo viên tiểu học không còn đọc sách thiếu nhi, 72% giáo viên tiểu học và THCS không bao giờ gợi ý cho học sinh của mình nên đọc sách gì. Bởi thế, 87% học sinh hai cấp này nếu có đọc thì chỉ đọc truyện tranh nước ngoài.

Ở gia đình, 79% phụ huynh không cùng đọc sách với con, 86% phụ huynh không đọc bất cứ cuốn sách văn học thiếu nhi nào từ khi con của họ biết đọc.

Vậy thì mỹ cảm của thế hệ người Việt trẻ hôm nay hình thành từ đâu? Từ truyền thông với đâm, chém, cướp, giết, hiếp, lộ hàng… là thông tin chủ đạo trên báo chí, với K-Pop, với những games show truyền hình ngập tràn quảng cáo với scandal. Vấn đề như vậy thì làm sao? Người ta nói mãi rồi, phê phán mãi rồi, mà phê phán thì rất dễ. Điều khó hơn, và chắc hẳn quan trọng nhiều hơn chỉ có thể là cứu lấy những mỹ cảm của trẻ con. Nhưng ai cứu trẻ con khi mà nhà trường như thế, khi mà hệ thống thần tượng như thế?

Một trong những người quan trọng cứu được và thực sự muốn cứu trẻ con là bố mẹ trẻ con. Khi cha mẹ biết chia sẻ cùng con cái cảm xúc về những cuốn sách hay, những bức tranh đẹp, đó là khi họ đã trao cho con cái mình chiếc chìa khoá để chúng tự mở ra cánh cửa thoát khỏi sự cô đơn trong cảm xúc thế hệ./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Hai bên
Hai bên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây