Cuộc đời của Bác được biểu trưng bằng một bài ca lao động, một bài ca tranh đấu học tập và tình thương. 21 tuổi, Bác đã rời Tổ quốc ra đi từ bến cảng Nhà Rồng tìm đường cứu nước. Một cuộc đi dài 30 năm trong thế kỷ XX, đi qua gần 40 nước khác nhau trên thế giới làm đủ mọi nghề để sống, để tồn tại, để tranh đấu và có khi còn phải nuôi cả đồng chí mình khi mất liên lạc với tổ chức. Đời Bác vô cùng gian lao sóng gió, người ta gọi Bác là người chiến sĩ vô sản hóa đầu tiên trong lịch sử Đảng ta là như vậy. 21 tuổi Bác có mặt ở khắp các châu lục: Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ. Ngay cả nước Mỹ - nơi có tượng thần Tự Do - cũng có dấu chân của Người. Chỉ bằng con đường tự học, Bác làm cho thế giới kinh ngạc về trí tuệ mẫn tiệp, sự uyên bác về mọi phương diện. Hồ Chí Minh đã tiếp thu văn hóa Đông Tây - 2 nền văn hóa lớn của nhân loại - tinh hoa rực rỡ nhất để làm giầu trí tuệ của mình và làm cho dân tộc Việt Nam thăng hoa. Sau Ăng-ghen - người đứng đầu trong số các lãnh tụ của thế giới - làm chủ 35 thứ tiếng, là Bác Hồ của chúng ta – Người làm chủ 29 ngoại ngữ. Khi Bác mất, các đồng chí dọn giường nằm của Bác, vẫn thấy dưới gối cuốn từ điển Việt Nam - Tây Ban Nha - thứ tiếng mà Bác đã biết, đã học từ hồi còn trẻ ở châu Mỹ; cuốn sổ tay ghi chép những từ mới đã học; mẩu bút chì đánh dấu từng trang sách. Nằm trên giường bệnh, tuổi cao sức yếu mà Bác vẫn học. Chúng ta, nhất là các bạn trẻ phải noi theo tấm gương học tập suốt đời của Bác. Lê-nin nói: “Học, học nữa, học mãi”. Cũng ý ấy nhưng Bác nói truyền cảm lắm: “Đường đời là một chiếc thang không có nấc trót, học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng”. Bác nói như thế nào Bác làm như thế; lời nói việc làm đi đôi với nhau, nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động. Bác biết 29 thứ tiếng là không kể tiếng dân tộc thiểu số. Bác đến Sơn La vào những ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 Bác nói chuyện với đồng bào Sơn La toàn bằng tiếng Thái (Bác học tiếng Thái từ còn ở Thái Lan) bằng ngôn ngữ của chính họ, nên có sức thuyết phục lớn. Trong cuộc đời Bác, Bác dùng rất nhiều bút danh, bí danh, rất nhiều tên khác nhau. Cho đến bây giờ các nhà nghiên cứu, nhất là các đồng chí ở Bảo tàng quốc gia Hồ Chí Minh mới chỉ thống kê Bác có 117 bút danh và bí danh khác nhau. Riêng sự nghiệp báo chí Bác viết hàng nghìn bài báo cho báo Đảng (chưa kể báo chí trong nước và Quốc tế), Bác đã dùng 88 bút danh khác nhau như là Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử rất quen thuộc, ngoài ra Bác còn dùng là C.B (tức của Bác), Trần Lực, X.Y.Z, Du kích, Chiến thắng... Bác còn là một nhà thơ, một nghệ sĩ, có tâm hồn lộng gió bốn phương của thời đại, có trái tim rất đa cảm cho nên Bác dùng rất nhiều tên của con gái (mà tên rất đẹp) làm bí danh cho mình: Thu Hương, Phong Lan, Thu Lan, Diệu Hương... Các nhà nghiên cứu bây giờ mới thấy là Bác Hồ có cả một cuộc sống gần như huyền thoại. Một lãnh tụ trở thành huyền thoại từ khi còn sống - đây là hiện tượng rất hiếm hoi của lịch sử. Khi Bác mất rồi, năm 1970 có 2 tác phẩm lớn rất được chú ý về mặt lý luận đó là tác phẩm của đồng chí Lê Duẩn xuất bản nhân dịp 40 năm thành lập Đảng: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, nước ta tiến lên giành những thắng lợi mới, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thành tài liệu học tập cho toàn Đảng. 43 năm trước đây với một tác phẩm lý luận của Đảng mà người Tổng Bí thư phát ngôn để thể hiện rõ Đảng quyết tâm đi theo sự nghiệp của Bác, con đường lý tưởng của Bác dù Người đã đi xa. Đấy là một thông điệp với trong nước và với thế giới. Còn về mặt văn chương, ta nhớ lại lúc bấy giờ có một nhà thơ nổi tiếng cùng thời với Tố Hữu - nhà thơ Chế Lan Viên - có viết một bài bút ký nổi tiếng là “Sen của loài người”. Sen tức là làng Sen quê Bác, mà sen cũng là bông hoa sen tượng trưng cho tâm hồn thanh cao của Việt Nam, là quốc hoa của Việt Nam. Tác giả viết: “Người ra đi từ con sông Lam của quê hương, con sông Hồng của Tổ quốc. Trải qua bốn bể năm châu ôm trùm vào mình tất cả các tri thức đông, tây, kim, cổ để rồi trở lại, nhìn lại con sông Lam của quê hương, con sông Hồng của Tổ quốc với một tầm mắt đại dương, tức là nhìn xa trông rộng”. Một học trò kiệt xuất của Bác, ở với Bác rất lâu năm, lại được Bác rất thương mến vì mang được nhiều hình ảnh của Bác và có một đời tư rất vất vả - đó là Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, cao lớn về tư tưởng về tầm vóc mà không xa cách với một ai cả. Mới mà không lạ, to lớn mà không làm cho vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp. Mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu”. Đấy chính là nhân cách Hồ Chí Minh được vẽ bằng ngôn ngữ, chân dung nhân cách Hồ Chí Minh được khắc hoạ bằng ngôn ngữ qua lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng có một người thư ký rất tài hoa - đó là nhà thơ, cũng là nhà lý luận nổi tiếng: Việt Phương. Lúc làm thư ký cho Thủ tướng, Việt Phương còn rất trẻ, một thời là thần tượng thanh niên của chúng ta và bây giờ đã là lão đồng chí 84 tuổi. Việt Phương là người viết bài thơ “Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương” khóc Bác rất cảm động. Đọc đoạn thơ Việt Phương ta biết được rất nhiều về đời sống hàng ngày của Bác giản dị và vĩ đại: Bác thường để lại đĩa thịt gà mà ăn trọn mấy quả cà Xứ Nghệ/ Tránh nói chữ to mà đi nhẹ cả trong vườn/ Tim đau hết nỗi đau của người ở chân trời góc bể/ Đến bên Người ta thở dễ dàng hơn”. Ngoài 75 Bác vẫn thường ném bóng, Bác phải tập để tay đỡ run. Bản Di chúc Bác bắt đầu viết lúc 75 tuổi. Các đồng chí đọc Di chúc có thể quan sát cả những nét run trên từng dòng chữ. Cái đĩa gạt tàn thuốc lá trên bàn đã từ lâu không nóng nữa. Theo lời khuyên của thầy thuốc và của Trung ương, Bác bỏ thuốc lá có điều kiện. Đọc kỹ những bài thơ của Bác sẽ thấy Người đưa cả thuốc lá, cả rượu vào trong thơ, trong giấc ngủ. Đặc biệt, khi ấy có cả một nghị quyết riêng của Trung ương về vấn đề thuốc lá của Bác, không thành văn mà chỉ nói ngắn gọn với một lời quy ước với nhau thôi, nhưng thực hiện rất khó. Để cho Bác bỏ thuốc càng nhanh càng tốt, Trung ương ra một chỉ thị cấm tuyệt đối từ Tổng Bí thư đến người nhân viên thấp nhất, không ai được hút thuốc lá trước mặt Bác, để Bác bỏ cho dễ, bởi Bác có phải là thần thánh đâu Bác cũng là một con người như chúng ta vậy. Nghị quyết này là một bí mật, không để Bác biết, Bác sẽ buồn, vậy mà Bác vẫn biết hết. Bác biết do Bác quan sát. Bác mời đồng chí Vũ Kỳ đến (đây cũng là một phong cách dân chủ của Bác), Bác bảo: “Chú Kỳ ạ, Bác có một việc riêng chẳng hay chú có giúp được không”. Đồng chí Vũ Kỳ hứa ngay: “Thưa Bác, Bác cứ nói ạ”. Bác bảo: “Bác muốn xin chú một bao thuốc”. Đồng chí Vũ Kỳ sợ quá, Trung ương đã chỉ thị là cấm không được đưa thuốc cho Bác hút, bây giờ nghĩ là Bác thèm thuốc xin cả một bao, không đưa cho Bác thì thương Bác, đưa cho Bác hút mà Bác ho thì có lỗi với Trung ương! Không biết làm thế nào, đồng chí Vũ Kỳ cứ đánh trống lảng để vòng vo cho Bác quên đi, nhưng Bác vẫn nhắc lại là: “Bác muốn xin chú một bao thuốc, chú nghe có rõ không” và Bác giải thích: “Bác không hút đâu, Bác đã hứa với chú với Trung ương là Bác đã kiên quyết bỏ, nhưng Bác có việc, có giúp Bác được không? Thế là đồng chí Vũ Kỳ yên tâm đi lấy ngay cho Bác một bao thuốc. Hôm sau họp Trung ương, họp Bộ Chính trị do Bác chủ trì. Bác đến sớm, bóc sẵn bao thuốc lá, Bác mời từng người một. Bác bảo là Bác biết rõ cái nghị quyết của các chú rồi, bây giờ Bác mời các chú hút thuốc, Bác mong các chú cứ tự nhiên thoải mái như trước đừng vì Bác mà sống khổ, sống sở thế, Bác thương lắm”. Nghe Bác nói vậy, ai cũng xúc động, cầm điếu thuốc Bác đưa mà chỉ khóc, không ai thèm thuốc nữa. Một vị lãnh tụ được ví như thánh, như phật, nhưng thật ra là một con người bằng xương bằng thịt và từ những ứng xử văn hóa, từ tấm lòng của mình, toát lên Bác là một con người rất nhân bản và nhân văn. Ta học Bác điều cao quý đó. Ai đó cứ nghĩ Bác là thần thánh là không đúng đâu, nghĩ như vậy một là Bác buồn, hai là làm khổ Bác. Chúng ta cứ coi Bác là thánh, là phật cho nên Bác không có một cuộc sống tự nhiên. 55 tuổi Người đọc Tuyên ngôn độc lập, báo chí đã đưa một cái tít thật đậm: Hồ Chủ tịch - vị cha già dân tộc”. Bác rất là hóm hỉnh, Bác bảo: “Các chú làm khổ Bác rồi”. Câu này rất là con người Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh là như vậy. Bác viết cho báo Đảng của chúng ta hàng nghìn bài mà ta lại vô ý tới mức chẳng bao giờ trả tiền nhuận bút cho Bác. Dù không là bao nhiêu nhưng cũng là tiền nhuận bút theo quy định. Ngoài ra cũng không có báo biếu. Bác là tác giả. Bác chờ mãi tiền chẳng có, báo thì không, Bác gọi thẳng sang báo Nhân Dân đòi tiền. Nội chuyện này, Bác cũng dạy chúng ta một bài ứng xử văn hóa sâu sắc lắm. Bác nói thẳng với Tổng biên tập Báo Nhân Dân: Thế chú quên Bác rồi à? Bác viết cho chú nhiều thế mà chẳng trả cho Bác xu nào là thế nào? Tổng biên tập vội vàng xin lỗi Bác: “Chúng cháu thật là có lỗi”, rồi thanh minh rất thật thà: “Xin Bác hiểu cho lòng anh em chúng cháu, ngày nào chúng cháu cũng bảo nhau Bác Hồ của chúng mình vĩ đại lắm, Bác không biết tiêu tiền là thế nào đâu”. Bác cười: “Nào Bác có vĩ đại gì như chú tưởng đâu, Bác bình thường như tất cả mọi người, như chú vậy thôi. Thôi trả tiền cho Bác đi!”. Bác đòi tiền, đấy là một bài tập văn hóa, một ứng xử văn hóa - nghĩa là sống cho tự nhiên, sống cho chân thật không giả dối. Văn hóa này là cao sâu lắm, không phải ai cũng có được. Chúng ta học Bác chỗ đó. Nhưng câu sau của Bác mới thực sự là vấn đề - Bác bảo: “Thôi thế chú đã có lời xin lỗi Bác thì Bác cho qua, nhưng Bác dặn chú một câu: Với dân các chú không được thế. Bác mà còn thế này thì với dân các chú đối xử như thế nào”! Đấy mới là câu chuyện - Tức là Bác dạy chúng ta suốt đời phải tôn trọng luật lệ quy tắc, đã có luật pháp rồi thì phải thực hiện, nhất là phải trọng dân. Đây là một nét rất đẹp ở Hồ Chí Minh. Đến giờ ta vẫn chưa biết ai là tác giả của sáng kiến này: Tự nhiên anh em bảo nhau khiêng vào nhà Bác (tức là nhà sàn) một cái két sắt. Ta nghĩ rất chân thành với động cơ trong sáng Bác có nhiều tài liệu cơ mật lắm phải bảo vệ cho Bác, giữ cho Bác. Vào đến nơi, Bác cười bảo: “Bác cám ơn. Có lòng với Bác, Bác cám ơn. Bây giờ hãy nhìn ra ngoài cổng đã có các chú bộ đội gác cho Bác rồi; còn trong này, các chú làm việc với Bác cả ngày đến tận tối, riêng chú Kỳ về muộn nhất mười một, mười hai giờ còn nấn ná mãi mới về nhà với vợ, với con. Bây giờ Bác nhận cái két sắt của các chú cho thì chẳng hóa ra Bác không tin các chú, Bác sợ các chú lấy của Bác à?. Nghe vậy mọi người mới ngớ ra, cứ nghĩ một phía như vậy rất là đơn giản, hồn nhiên, còn Bác rất sâu sắc và cân nhắc, Bác bảo: “Thôi bây giờ Bác nhờ các chú khiêng cái két sắt này về cho Bộ Tài chính - Bên đó các chú mới có tiền có vàng, có đá quý chứ Bác thì có gì đâu”. Câu chuyện này do chính đồng chí Vũ Kỳ kể lại, chúng ta hiểu thêm một cách ứng xử Hồ Chí Minh. |
Tác giả bài viết: Anh Tuấn (St)
Nguồn tin: Đoàn Trường THPT Quỳnh Lưu 2
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn