Gặp Thầy trên... 'phây
Thứ bảy - 16/11/2013 19:39
' Mới thấy, thời gian dù lấy đi của con người rất nhiều, nhưng lại là một "thước đo" công bằng, khách quan. Nhìn vào tình cảm, sự yêu kính mà các thế hệ học trò dành cho thầy cô mình sau bao năm ra trường, sẽ hiểu thầy cô đã sống thế nào.
Bẵng đi mấy năm, trò gặp lại Thầy. Cuộc hội ngộ bất ngờ khơi dậy nơi trò cảm xúc mừng tủi, ngạc nhiên, thích thú diễn ra trên... "phây". Hóa ra Thầy đã gia nhập "quốc gia" đông đúc hơn một tỷ dân này.
Qua "phây", trò biết Thầy vẫn giữ thói quen chụp ảnh những khoảnh khắc đáng nhớ. Một sở thích (may sao) không khiến Thầy trở thành nhiếp ảnh gia, nhưng lại giúp Thầy gây dựng cả một cuốn "hồi ký" sống động, ăm ắp hình ảnh, chan chứa buồn vui.
Qua "phây", trò biết Thầy vẫn đang "lăn" vào cuộc đời trong bao cung bậc sống động. Thầy đi cổ vũ bóng đá trên sân vận động, mặc áo phông xích-lô Hà Nội, tạo dáng chụp ảnh trên khán đài.
Thầy kiên trì tiếp cận công nghệ thông tin, vốn là thách thức không hề nhỏ với bất cứ ai đã ở tuổi thất thập - và kể lại, vẫn theo cách hài hước thân thuộc:
" ...trái tim anh đó
Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng "Ai - pát" thật nhiều
Phần cho "Phây" và phần để cho "mêu"
Em cáu bẳn: tôi được gì, anh hả?...
(xin nhà thơ TH tha lỗi)
Qua "phây", lòng đằm lại, hạnh phúc khi thấy Thầy Cô thêm bền chặt, gắn bó trọn vẹn sau gần 50 năm chia ngọt sẻ bùi. Trong gần nửa thế kỷ ấy, đã có những giờ phút Thầy đứng giữa ranh giới sinh tử mong manh.
Qua "phây", biết Thầy đi xem kịch Lưu Quang Vũ rồi về ngẫm ngợi: "Ở xã hội ta bây giờ, NGƯỜI LỚN xấu đi nhiều quá". Chợt nhớ, hình như trong suốt những năm được biết Thầy, chưa bao giờ thấy Thầy buông lời than: "Bọn trẻ bây giờ..."
Qua "phây", biết khi Đại tướng mất, Thầy Cô hòa cùng dòng người dân nước Việt thương tiếc viếng Đại tướng trên đường Hoàng Diệu. Và Thầy không khỏi trăn trở: "Sự ra đi của Võ Đại tướng cho thấy sức mạnh của dân tộc này vẫn còn nguyên vẹn và không thế lực nào có thể làm hoen ố được hình ảnh Cụ. Đất nước này mãi mãi trường tồn. Bao giờ cũng vậy, đám tang là thước đo lòng người chính xác nhất."
Và ngập tràn hơn cả, trên "ngôi nhà phây" của Thầy là hình ảnh nhiều thế hệ học trò đã ra trường, lại về hội tụ trong vòng tay Thầy Cô, nhỏ bé như thuở nào. Rồi vô vàn những câu chuyện ríu rít, những kỷ niệm trong veo, ấm áp.
Lớp chúng tôi, cái lớp 50% gái và 50%... nữ hồi ấy là lứa cuối cùng Thầy chủ nhiệm. Thế mà cũng đã hơn chục năm.
Qua bấy lâu, thật hối lỗi là chữ Thầy cũng đã "trả" Thầy không ít. Có những điều các trò vẫn nhớ, và cũng nhiều điều có lẽ đã dần nhạt nhòa.
Song một điều chắc chắn, trong trí nhớ của lớp chúng tôi và tất cả các anh chị đi trước hẳn sẽ không bao giờ mảy may gợn lên rằng: hồi đó, dịp 20/11 phải lo lắng đôn đáo tìm mua quà cho các Thầy, các Cô để được ưu ái, được "để ý" hơn. Đó là chuyện chưa từng xảy ra, nên sẽ chẳng thể quay về trong ký ức.
Mới thấy, thời gian dù lấy đi của con người rất nhiều, nhưng lại là một "thước đo" công bằng, khách quan. Nhìn vào tình cảm, sự yêu kính mà các thế hệ học trò dành cho thầy cô mình sau bao năm ra trường, sẽ hiểu thầy cô đã sống thế nào.
Chợt thương cho nhiều học trò thời nay.
Mười, hai mươi năm sau, các em sẽ nhớ về thầy cô mình với ký ức gì? Khi mà giờ đây, đều đặn mỗi dịp lễ tết, người ta lại nghe bài ca than thở của phụ huynh về nỗi lo "lùng" quà cáp độc đáo, đắt tiền cho thầy cô, để con không bị "thiệt thòi" với các bạn. Rồi chuyện, ai đó nếu lỡ "ngó lơ" các thầy, thì con cái sẽ được "nhắc khéo".
***
Từ khi "phây" trở thành một "thế lực" làm mưa làm gió, đã không ít lời cảnh báo, than phiền về những ồn ào trên cái "vùng đất" mà nói một cách bông đùa là... ít người nhiều ma này.
Ở đó, ngày càng thường xuyên, chúng ta "quăng" lên những lời bình phẩm, than vãn, chỉ trích, mỉa mai, sâu cay... Và người đọc cũng đua nhau đáp lại bằng những lời lẽ tương tự.
Nhưng bước vào "ngôi nhà" ảo của Thầy, lại là cảm giác trong lành như khi ngồi dưới tán cây xanh trong một góc nhỏ yên tĩnh hiếm hoi nào đó còn sót lại của Hà Nội. Ở đó, đầy ắp kỷ niệm, yêu thương, nỗi nhớ nhung. Ở đó, mỗi người thấy lòng mình lắng lại, muốn sống an nhiên, lành thiện hơn...
Dịp 20/11 đến gần, trò những muốn nhờ Thầy (qua "phây") viết điều gì đó về giáo dục, về nghiệp trồng người, như một lời nhắn nhủ, chia sẻ của một người đã gắn cuộc đời với nghề "chở đò".
Thầy "phê" lại cho trò (cũng qua "phây"), rằng sẽ viết gì đây, khi ngợi ca thì dễ dãi, phê phán như tâm lý bức xúc của xã hội thì đã thành nhàm chán, thiếu tính xây dựng. Còn muốn nói truy tận gốc rễ những vấn đề giáo dục hiện nay, lại không thể...
Trò không dám nằn nì thêm. Vì dẫu sao, cũng đã phần nào đủ lớn, để hiểu lý lẽ của sự im lặng mà thầy chọn lựa...
Hải Tâm