Tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh

Thứ năm - 28/03/2013 17:11
1. Tại Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, ngành học nào trong khối A có cơ hội phát triển nhất trong tương lai?
Hiện nay, nước ta có hai Trường ĐH Giao thông Vận tải, một trường ở Hà Nội có cơ sở hai ở TPHCM và một trường phát triển từ Phân viện Hàng hải đóng tại TPHCM. Năm nay, trường bắt đầu tuyển sinh thêm khối ngành A1. Hiện ngành kinh tế biển là một trong những ngành có cơ hội phát triển trong tương lai.
2. Năm nay em dự định thi ngành luật kinh tế của Đại học Luật Hà Nội.Cho em hỏi cơ hội việc làm sau khi ra trường của Ngành này có triển vọng tốt không? Và có thể làm ở những cơ quan, tổ chức nào?
Cơ hội việc làm của ngành Luật trong tương lai rất cao. Tốt nghiệp ngành Luật kinh tế, ngoài việc trở thành luật sư (kinh tế, dân sự, tranh tụng trách nhiệm đối với sản phẩm…), những công việc tương đồng cũng có thể thích hợp với bạn như: Làm chủ doanh nghiệp; kinh doanh chứng khoán; cố vấn tài chính; thẩm định giá; giám đốc quản trị rủi ro; bảo hiểm; ngân hàng…
Theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một trong những nội dung trọng yếu của Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020. Chiến lược đề ra mục tiêu là đến năm 2020, phát triển số lượng khoảng từ 18.000 - 20.000 luật sư, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về dịch vụ pháp lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Tại mỗi địa phương có khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội có từ 30-50 luật sư, bảo đảm tham gia 100% số lượng các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng; số luật sư có khả năng tham gia tư vấn, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế là khoảng 150 người.
3. Em đang dự định thi vào trường ĐH Ngoại thương năm nay. Nhưng em được biết là ngành kinh tế đang dư nhân lực rất nhiều và là một trong những ngành khó tìm việc hiện nay. Ngoại thương cũng thuộc khối ngành kinh tế, vậy nếu học ngoại thương thì có khó tìm việc làm không? em có nên chuyển hướng thi một ngành khác không? (q.u.y.n.h.hola2306@gmail.com)
ĐH Ngoại thương đã trở thành một thương hiệu mạnh trên thị trường về uy tín đào tạo nên cơ hội việc làm của sinh viên Ngoại thương ra trường rất được ưa chuộng. Em nên chọn ngành học nào mà mình yêu thích, đam mê và phù hợp với năng lực bản thân thì mới thành công được.
Thực sự nguồn nhân lực ngành kinh tế đang dư thừa ở xã hội, Bộ GD-ĐT đã cắt giảm chỉ tiêu và hạn chế mở ngành mới lĩnh vực kinh tế là những trường thực sự không chuyên về kinh tế. Riêng các trường có truyền thống đào tạo nhóm ngành này lâu năm bộ sẽ không can thiệp vào chỉ tiêu, các trường vẫn xây dựng chỉ tiêu dựa trên năng lực thực tế của các trường.
4. Hiện nay em trai tôi đang học lớp 12 chuẩn bị thi ĐH. Tôi rất muốn tư vấn cho em mình nghề phù hợp. Tuy nhiên hiện nay tôi không rõ xu hướng nghề nghệp trong tương lai, đặc biệt là nhu cầu xã hội trong tương lai như thế nào. Tôi rất mong anh chị cho tôi biết nhu cầu xã hội trong thời gian khoảng 5 năm tới, ngành nghề nào sẽ cần nhiều nhân lực? (nguyendat471@gmail.com)
Chọn đúng nghề theo đúng sở trường yêu thích đó là một thành công bước đầu. Ban tư vấn cũng không rõ em bạn thi khối nào? Những ngành học mà xã hội đang cần trong tương lai đó ngành đào tạo khoa học cơ bản và nông lâm nghiệp.
Ngành khoa học cơ bản, đang được hỗ trợ đặc biệt trong đào tạo, nhằm thu hút nhiều SV chất lượng theo học khi nhu cầu nhân lực rất cao và năm tới có nhiều ưu tiên về học bổng, điều kiện học tập của các trường cho những ngành mà Nhà nước đang cần nhân lực.
Những ngành nông, lâm nghiệp rất nhiều cơ hội việc làm, học sinh lại không quan tâm. Trong khi nhu cầu nhân lực ở VN của những ngành này đang rất cần. Bộ GD-ĐT có chủ trương hạ thấp 1 điểm tuyển vào các trường khối nông, lâm, ngư ở khối "3 Tây" (Tây nguyên, Tây Bắc, Tây Nam bộ). Đây là chính sách để thu hút người học vào các ngành này để đáp ứng nhu cầu nhân lực.
5. Nếu thi đỗ NV1 thì có nhận được giấy chứng nhận kết quả thi đại học không? (nguyenvanthinh1994@gmail.com)
Em không nhận được giấy chứng nhận kết quả thi đại học vì giấy chứng nhận kết quả thi chỉ dành cho thí sinh không trúng tuyển vào trường dự thi, nhưng có kết quả thi từ điểm sàn cao đẳng trở lên (không có môn nào bị điểm 0) sẽ được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi có dấu đỏ. Thí sinh có kết quả thi dưới điểm sàn được cấp phiếu báo điểm.
6."Em tính thi khối C ngành hướng dẫn du lịch, em có khiếu ăn nói trước đám đông nhưng khả năng tiếng Anh hơi yếu. Vậy em có thể theo học và làm tốt ngành này được không?"
TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng Ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM, tư vấn: "Ngành hướng dẫn du lịch đang được đào tạo ở nhiều bậc học khác nhau. Khi trúng tuyển trường sẽ có các chương trình đào tạo bồi dưỡng tiếng Anh cho sinh viên.
Trong một tour nội địa có thể có khách nước ngoài nên nếu có trình độ tiếng Anh, cơ hội việc làm sẽ tốt hơn và mức lương sẽ cao hơn. Trước mắt em hãy cố gắng học để đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh sắp tới, sau đó tiếp tục cố gắng học và bổ sung ngoại ngữ để có thể làm tốt công việc của một hướng dẫn viên du lịch. Em đã xác định ngành nghề rất rõ ràng, như vậy là rất tốt để có hướng phấn đấu phù hợp".
7. "Em muốn thi ngành quản trị kinh doanh nhưng nghe nói học ngành này ra khó tìm việc làm. Vậy em nên chọn ngành khác hay vẫn tiếp tục dự thi ngành này?"
Cô Mai chia sẻ: Nhu cầu nguồn nhân lực là một trong những tham số để chúng ta tham khảo. Ngành nghề nào cũng có thể tìm được việc làm, vấn đề là năng lực và kỹ năng của người tìm việc thế nào. Trước mắt là học sinh, chúng ta nên học cho tốt và chọn ngành theo sở thích và năng lực của mình. Trong vài năm tới, nhu cầu nguồn nhân lực có thể thay đổi tùy theo từng thời điểm.
8. "Em có năng khiếu về khối C nhưng đang phân vân giữa sư phạm văn và ngành ngữ văn. Vậy em nên chọn ngành nào cho phù hợp? Em nghe nói ngành sư phạm đang thừa giáo viên, liệu em học sư phạm ra có thể tìm được việc hay không?"
TS Nguyễn Thị Bích Hồng, trưởng bộ môn tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chân tình chia sẻ: Trước hết, em nên cân nhắc ở các trường sư phạm với các ngành sư phạm văn và ngành ngữ văn ngoài sư phạm. Điểm tuyển ngành sư phạm ngữ văn sẽ cao hơn ngành ngữ văn nên em có thể cân nhắc để chọn trường phù hợp. Trong ngành giáo dục có chỗ thừa, chỗ thiếu giáo viên chứ không phải tất cả đều thừa giáo viên. Nếu em thích thành cô giáo dạy văn, hãy cố gắng học tốt. Nếu thấy năng lực mình tốt thì thi sư phạm văn, nếu thấy năng lực chưa đủ vào sư phạm văn thì có thể học ngành ngữ văn, sau đó học thêm chứng chỉ sư phạm để đi dạy.
9. "Em có dự định thi vào ngành xây dựng, ban đầu em muốn thi vào Đại học Cần Thơ nhưng nhiều bạn lại thi ở TP.HCM. Cho em hỏi có sự chênh lệch lớn nào về chi phí học tập, chi phí cuộc sống, cơ hội việc làm, và làm sao khắc phục... nhớ nhà?".
TS Lê Thị Thanh Mai giải đáp bằng câu chuyện của chính mình: Hồi xưa cô ở khu vực trung tâm TP.HCM nhưng khi trúng tuyển đại học, tất cả phải lên quận Thủ Đức cách đó vài chục cây số để ở và học tập, mà lúc đó chỉ có xe đạp. Trong phòng lúc đó có tám người ở chung nhưng hoàn toàn xa lạ, chẳng ai quen ai, tới chiều thì cô tự đạp xe về nhà. Về tới nhà thì tối đó cô khóc với mẹ và nói là không lên đó học nữa đâu. Sau đó được gia đình động viên đi học, lúc đầu mỗi ngày tan học đều đạp xe về nhà, dần dần một tuần rồi cả tháng mới về một lần.
Tâm lý đó ai cũng sẽ gặp, các em nghĩ học bây giờ để sau này thành tài thì từ từ sẽ vượt qua. Em nên tham gia sinh hoạt đội nhóm sẽ có bạn bè, môi trường đại học không nên sống khép kín rồi cũng sẽ quen thôi.
Riêng về ngành xây dựng, theo cô Thanh Mai, học ở bất kỳ trường nào cơ hội việc làm cũng rất lớn. Tuy nhiên ở TP.HCM có thuận lợi là đội ngũ thầy cô có kinh nghiệm lâu đời. Đó là thuận lợi ban đầu chứ không phải là thuận lợi cho tìm kiếm việc làm sau này. Về chi phí, nếu học ở TP.HCM thì chi phí tốn kém nhiều hơn.
Cô cũng lưu ý: Kiến thức là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Cần là để mình đủ điều kiện tốt nghiệp, nhưng chưa đủ vì đơn vị tuyển dụng không chỉ nhìn vào bằng tốt nghiệp mà còn đòi hỏi các kỹ năng khác mà chúng ta có được trong 4 - 4,5 năm học đại học. Nếu em học ngoài công lập mà trả lời trôi chảy câu hỏi nhà tuyển dụng thì vẫn được tuyển. Khi được phỏng vấn, dù em có học lực thấp hơn một chút nhưng kỹ năng sống, kỹ năng mềm tốt hơn thì cơ hội tuyển dụng vẫn cao hơn.
10."Em muốn thi khối D nhưng gia đình muốn theo ngành y học cổ truyền. Em phải làm thế nào để thuyết phục cha mẹ vì gia đình có truyền thống nghề y học cổ truyền từ nhiều năm rồi. Em không giỏi môn sinh và môn hóa".
Câu hỏi này được TS Nguyễn Thị Bích Hồng giải đáp: Em đã nhận biết thi vào ngành y là quá sức đối với em, đó là điều rất tốt. Em nên nói cho cha mẹ biết thế mạnh và hạn chế của mình. Thứ nhì, em tìm hiểu kỹ và giải thích với ba mẹ ngành mà mình dự tính thi khối A1 và D1 và khả năng mình thành công với ngành mà mình đã chọn. Thuyết phục cha mẹ bằng cách nêu những thế mạnh của mình phù hợp với ngành nghề đó như thế nào, khả năng thích ứng công việc ra sao. Đừng quyết định chọn ngành chỉ vì tự ái với cha mẹ.
11."Em muốn thi vào chuyên ngành tiếng Anh phiên dịch nhưng hiện tại học ở tỉnh nhỏ, nghèo, tiếng Anh… hơi tệ. Khi thi đại học, so với HS các trường ở lớn thì thế nào? Em có nên thi ngành đó?".
TS Lê Thị Thanh Mai khuyên: Em thử làm trắc nghiệm, thử làm đề thi tuyển sinh các năm trước xem sức học của mình tới đâu. Nếu trắc nghiệm em đạt điểm cao thì không lo học sinh ở trường lớn. Thực tế cho thấy những năm qua các kỳ thi tuyển sinh đại học, những em đạt điểm cao hầu hết là ở các tỉnh lẻ. Nếu em lo lắng hiện tại kỹ năng giao tiếp ít thì trong môi trường đại học em sẽ được rèn luyện. Cái lo lớn nhất hiện nay là làm sao vượt qua kỳ thi tuyển sinh sắp tới.
12. "Em muốn học bác sĩ nhưng nghe nói thời gian học dài, chi phí ăn ở cao, khi học em có thể làm thêm không?".
TS.BS Trần Thị Minh Hạnh trả lời: Em nên xem lại sức học của mình, khả năng kinh tế của gia đình và sức khỏe. Các ngành khác thường học khoảng 4 năm nhưng ngành y phải học 6 năm, ra trường rồi còn học thêm 1 - 2 năm chuyên khoa nữa. Để có thể đi làm kiếm nguồn kinh tế phụ cho gia đình, em phải xác định lại vì vừa học đi làm rất căng thẳng và ảnh hưởng sức khỏe.
Em phải học cả ngày, sáng đi bệnh viện, chiều học lý thuyết, nếu có đi làm thêm thì chỉ có thể dạy kèm hoặc làm gì đó vào buổi tối, vì vậy thời gian còn lại rất hạn hẹp nên thời gian nghỉ ngơi, ăn uống, giải trí còn ít, em nên cân nhắc.
13."Em học giỏi toán, lý nhưng không biết chọn ngành nào phù hợp vì em thích cả tâm lý và kinh tế. Học chuyên về tâm lý thì ít việc làm, ít ngành để có thể chọn lựa. Cô có thể giới thiệu không?". 
Câu hỏi được TS Nguyễn Thị Bích Hồng tư vấn: cô nghĩ lĩnh vực nào cũng cần hiểu về tâm lý. Bán hàng thì phải hiểu tâm lý khách hàng, nếu làm lãnh đạo thì cũng phải hiểu tâm lý con người. Ngành báo chí, sư phạm, y tế… cũng cần hiểu tâm lý con  người, nói chung là là ngành nào cũng cần hiểu về tâm lý, ngành nào liên quan tới con người là cần hiểu về tâm lý. Nếu thấy học kinh tế em nổi trội hơn thì đi vào ngành đó.
14. Chương trình học ĐH khác phổ thông thế nào?
Một câu hỏi được ban tư vấn đánh giá “khá thú vị” của một thí sinh về sự khác biệt giữa chương trình học phổ thông và ĐH được TS Phạm Tấn Hạ tư vấn: “Kiến thức phổ thông là kiểm tra để bạn có đủ kiến thức để theo các chương trình ở ĐH hay không. Kiến thức phổ thông sẽ được tiếp nối trong chương trình ĐH. Học ở ĐH, thầy cô không kiểm soát các bạn như ở phổ thông nên các bạn có quyền cho mình đi học hay không đi học, không ai kiểm tra các bạn hết. Thầy cô ở ĐH trao cho các bạn quyền tự học rất lớn. Tuy nhiên, bạn cần xác định là đi học để làm việc nên bạn cần học hành chăm chỉ, tích lũy những kỹ năng ngoài bài giảng. Nếu các bạn cứ học lơ tơ mơ thì sau này sẽ không làm được gì hết. Học hay không là quyền ở các bạn…".
15. "Cho em hỏi triển vọng của ngành toán ứng dụng sau này ra sao?" - Thắc mắc này đã được PGS.TS Hồ Thanh Phong - hiệu trưởng Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) - giải đáp: Bản thân câu hỏi này rất rộng, toán ứng dụng lĩnh vực nào? Có hình dung các lĩnh vực như toán học ứng dụng trong sản xuất, quản lý, điều khiển… sẽ biết được góc độ khả năng việc làm khá rộng. Năm nay Trường ĐH Quốc tế có mở ngành toán ứng dụng về kỹ thuật tài chính và quản lý rủi ro. Tốt nghiệp ngành này có thể làm ở các tổ chức hoặc định chế tài chính. Ngoài ra trường có ngành toán ứng dụng nữa nhưng ứng dụng vào trong quản lý sản xuất có tên gọi là kỹ thuật hệ thống công nghiệp. Làm sao sản xuất sản phẩm chi phí thấp nhất, chất lượng tốt nhất, bán nhiều nhất, mẫu mã tốt nhất trên thị trường… đều có ứng dụng toán học.
16. "Ngành kỹ thuật điều khiển tự động hóa làm những gì? Tại sao có thực trạng ở nhiều ngành đang cần nguồn nhân lực nhưng nhiều sinh viên ra trường không có việc làm?"
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - giải đáp: Nhóm ngành kỹ thuật điều khiển tự động hóa có ba chuyên ngành gồm: điện công nghiệp, kỹ thuật điều khiển tự và kỹ thuật điện tử truyền thông.
Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa sẽ học về các thiết bị điều khiển tự động như dây chuyền, rôbốt hay các khâu đóng gói từ dược phẩm đến khâu đóng gói thuốc, thực phẩm, đóng hộp chai nước, chai bia đều được điều khiển bằng tự động.
PGS.TS Hồ Thanh Phong tiếp lời: Cơ hội việc làm không thiếu đâu. Chỉ có tự động hóa mới chiến thắng được trên thương trường vì chi phí giá thành của một sản phẩm sẽ giảm để bán được nhiều. Ở các trường đại học, chúng tôi quan tâm là sau khi ra trường có việc làm đúng ngành nghề, đúng sở thích nhưng cũng trang bị đủ rộng kiến thức để khi thay đổi môi trường thì các em có thể đổi việc làm. Đừng nghĩ là nếu chúng ta không làm đúng chuyên ngành là thất bại, cái này chưa chắc. Có khi đó là sự khởi đầu cho thành công mới.
17."Em dự định thi vào ngành công nghệ kỹ thuật hóa nhưng không biết học những gì, ra trường cơ hội việc làm cao không?".
Thầy Nguyễn Kim Quang chia sẻ: Những chương trình, ngành có liên quan đến công nghệ đương nhiên trang bị cho bạn kiến thức công nghệ hoặc kiến thức để thực hiện mục tiêu, sản xuất. Những ngành mang tên kỹ thuật thường liên quan tới máy móc. Các bạn quan tâm ngành công nghệ kỹ thuật hóa, hiện nay nhu cầu các thiết bị liên quan hóa học rất phổ biến trong công nghiệp sản xuất (thiết bị thực phẩm, dầu khí, y khoa). Để làm được trong lĩnh vực đó các bạn phải được trang bị kiến thức hóa học để từ đó các bạn mới ứng dụng vào các chuyên ngành liên quan tới hóa học, chọn chuyên ngành phù hợp sở trường, sở thích của mình vì hóa học rất rộng.
18. "Em năm nay đăng ký dự thi ngành cơ điện tử của ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm là bao nhiêu, triển vọng ngành này thế nào?".
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cung cấp một thông tin phấn khởi: Ngành cơ điện tử là sự giao thoa của ba ngành: cơ khí, điện tử và công nghệ thông tin. Ngành cơ điện tử hiện nay chia thành nhiều hướng gồm về các thiết bị y học như máy CT, siêu âm (thuộc cơ điện tử sinh học).
Một trong những ngành nữa là như máy ảnh kỹ thuật số (cơ khí quang học), hay cơ điện tử ôtô hoặc các robot hay một hướng nữa là các thiết bị tự động trong các dây chuyền sản xuất các công ty. Hiện ngành này tỉ lệ việc làm rất cao, chỉ xếp sau ngành công nghệ chế tạo máy mà thôi. Hiện không chỉ các khu công nghiệp ở VN tuyển dụng mà còn có cơ hội ra nước ngoài làm việc. Vừa rồi có 18 sinh viên sang Tokyo và 4 SV sang Đức làm việc.
19."Em muốn hỏi ngành vận tải biển và kinh tế biển? Cơ hội tìm kiếm việc làm của ngành này thế nào?".
PGS.TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết: Vận tải biển có thể chia thành nhóm khai thác vận tải biển (quản lý hoạt động tàu, công ty xuất nhập khẩu hàng hóa…) và vận hành các thiết bị vận tải biển (khai thác tàu thủy).
Thời gian gần đây ngành này đang bị suy thoái do tác động kinh tế, hàng hóa ít đi, giao thương ít đi nên cũng có suy giảm về mặt nhân lực. Theo thống kê, hiện đội ngũ vận tải biển của VN mới đảm nhận 17% nhu cầu vận tải biển hàng hóa của cả nước. Làm sao có thể đảm đương 30% lượng hàng vận tải biển ở VN trong thời gian tới, chắc chắn ngành này sẽ phát triển.
20. "Cơ hội việc làm ngành báo chí hiện nay như thế nào? Học ngành báo chí ra trường thu nhập cao không?". TS Phạm Tấn Hạ chia sẻ, hiện nay Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) đang đào tạo ngành báo chí truyền thông. Ngành này đào tạo lĩnh vực báo chí, xuất bản và truyền thông. Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành này rất rộng. Các bạn có thể làm việc ở các cơ quan báo chí và cũng có thể làm việc rất nhiều cơ quan, công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông…
Về thu nhập của những người làm trong lĩnh vực báo chí, truyền thông theo tôi được biết là tùy vào năng lực từng người. Nhưng phần lớn những người làm giỏi nghề có thu nhập khá cao. Nhiều sinh viên báo chí sau 10 năm làm nghề không còn quá lo lắng đến chuyện tiền bạc, thu nhập của họ thuộc loại cao so với các ngành nghề khác.
21. “Bản thân em tự nhận thấy mình không đủ năng lực để dự thi vào các trường công an, nhưng em rất yêu thích ngành này. Em có thể học ngành nào khác để sau này được tuyển dụng vào làm việc trong ngành công an?”.
TS Phạm Tấn Hạ cho biết: Hiện nay, nhu cầu nữ trong ngành công an ít hơn. Đây là thiệt thòi cho các bạn nữ. Tuy nhiên, theo tôi biết, một số ngành học thường được ngành công an có nhu cầu tuyển dụng là các ngành thuộc nhóm ngôn ngữ như Nhật Bản học, Hàn Quốc học. Bạn có thể chọn những ngành này để học và sau này nếu cơ quan công an địa phương có nhu cầu tuyển dụng thì bạn dự tuyển vào. Nhưng bạn cần lưu ý vấn đề lý lịch và một số yêu cầu về sức khỏe của ngành công an. Bạn có thể liên hệ với cơ quan công an địa phương để biết được những điều kiện sơ tuyển của ngành xem mình có đáp ứng được hay không.
22. "Em định thi vào khoa tâm lý học, ngành này dạy những gì?".
TS Phạm Tấn Hạ: Ngành tâm lý rất rộng. Các bạn được trang bị những kiến thức để tiếp cận thân chủ của mình. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, các kỹ năng mềm hết sức quan trọng. Sinh viên nào ra trường có kỹ năng mềm sẽ có rất nhiều lợi thế. Đặc biệt, ngành tâm lý cần rất nhiều kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, học ngành này đòi hỏi sinh viên phải có tính kiên nhẫn, biết chia sẻ… để làm tốt công việc. Đây là ngành điểm chuẩn tương đối cao. Nếu em thật sự thích thì cứ mạnh dạn đăng ký dự thi. Ra trường, có thể làm việc tại các công ty kinh doanh, nhân viên tư vấn, làm việc tại các bệnh viện…
23. "Ban đêm em rất khó ngủ nhưng ban ngày lại rất buồn ngủ. Làm thế nào để em có thể khắc phục việc này?"
TS.BS Trần Thị Minh Hạnh tư vấn: Có nhiều lý do dẫn đến việc khó ngủ ban đêm: dùng các thức uống có chất kích thích như trà, cà phê hoặc các em đang lo lắng - có thể lo lắng chuyện học bài chưa xong hay chuyện gì đó. Dù gì thì mất ngủ khiến cho cơ thể rất mệt mỏi và hậu quả là sáng hôm sau lại buồn ngủ. Do đó cần sắp xếp thời gian học bài hợp lý, không để bài học dồn lại quá nhiều khiến cho mình lo lắng. Trong ngày em nên có những lúc chợp mắt khoảng 15 phút, sau đó vận động để cơ thể tỉnh táo hơn. Cố gắng thực hiện đều đặn thì cơ thể sẽ trở lại nhịp sinh học bình thường. Chế độ ăn uống cũng phải đầy đủ.
24. "Em bị loét dạ dày, thức khuya là đau, ảnh hưởng việc học nhiều nhưng không biết cách nào khắc phục?".
TS.BS Trần Thị Minh Hạnh giải đáp: Khi loét dạ dày sẽ gây đau và càng đau càng loét nhiều hơn. Vì vậy, em không được ăn quá no, khi ăn phải nhai kỹ và cũng không để quá đói. Nên ăn thức ăn dễ tiêu, không nhiều chất xơ và chất béo và cũng không vừa ăn vừa đọc sách hoặc học bài vì như vậy sẽ không tiết dịch vị để tiêu hóa. Em cũng không ăn đồ chua, cay, không nên lạm dụng cà phê, trà và thức khuya. Em nên giữ cho tinh thần thoải mái, tránh ảnh hưởng thần kinh vì càng căng thẳng càng đau, càng đau thì càng căng thẳng.

Tác giả bài viết: Anh Tuấn (tổng hợp)

Nguồn tin: Đoàn TN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hai bên
Hai bên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây