TUYÊN TRUYỀN PHÒNG TRÁNH TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC
Thứ bảy - 27/04/2024 04:47
HOẠT ĐỘNG NGOÀI GIỜ LÊN LỚP
CHỦ ĐỀ: TUYÊN TRUYỀN PHÒNG TRÁNH TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC
Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều vụ đuối nước rất thương tâm ( trong đó bao gồm cả trẻ em và người lớn). Đuối nước không chỉ xảy ra ở sông, suối, ao hồ,... mà còn có thể xảy ra ở ngay tại nhà, nơi làm việc, nhà trường, nhà trẻ ..vv. Vì thế, mọi người cần có hiểu biết về cách phòng và kĩ năng xử trí tai nạn đuối nước là rất cần thiết. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề, Ban ngoài giờ lên lớp trường THPT Quỳnh Lưu 2 trong buổi chào cờ đầu tuần 33 đã tổ chức hoạt động NGLL với chủ đề tuyên truyền phòng tránh tai nạn đuối nước cho hơn 1.800 em học sinh.
Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Người ta thống kê thấy khoảng 4/5 trường hợp chết đuối mà trong phổi có nước và 1/5 còn lại chết đuối nhưng phổi không có nước.
Sở dĩ có tình trạng chết đuối mà trong phổi không có nước là do người không biết bơi bất ngờ bị chìm trong nước, nạn nhân hoảng sợ khiến các phản xạ bị rối loạn làm cơ thể bị chìm, phản xạ co cơ nắp thanh quản và đóng khí quản lại làm nạn nhân không thở được dẫn đến thiếu oxy não và bất tỉnh. Từ chỗ nắp thanh quản bị đóng nên nước cũng không vào phổi được. Đó cũng được gọi là chết đuối khô. Vì vậy khi gặp trường hợp đuối nước cần xử trí khẩn trương, kiên trì, ngay tại chỗ để giải phóng đường hô hấp.
Trong buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp, thầy giáo Thái Hữu Thắng - Chủ tịch công đoàn trường và thầy Lê Tiến Tráng - giáo viên giảng dạy môn GDTC đã giúp các em học sinh hiểu được những biểu hiện, nguyên nhân, các loại đuối nước, cách phòng tránh và xử lý cấp cứu khi gặp đuối nước.
Hỏi - đáp về tai nạn đuối nước
Các em học sinh thực sự đã thực sự nhận thức được vấn đề để phòng, chống đuối nước cho mình, và có thể tuyên truyền cho mọi người. Các vấn đề cụ thể về đuối nước được các thầy nêu rõ.
1. Nguyên nhân và triệu chứng của chết đuối.
- Người bị nạn không biết bơi khi bị ngã xuống nước, tắm hay chơi đùa dưới nước và không được người khác cứu kịp thời dẫn đến chết đuối.
- Người bị nạn bị chuột rút khi hoạt động dưới nước và không được người khác cứu kịp thời.
- Tai nạn đường thủy dẫn đến người bị rơi xuống nước và không có khả năng bơi vào bờ.
- Một số tai nạn khác như: Sập cầu, cống, mưa lũ…
2. Các dạng đuối nước – nguyên nhân và cách phòng tránh
2.1. Đuối nước do lũ lụt: Khi nước lụt dâng lên, những vùng đất thấp sẽ cực kì nguy hiểm, nếu không đề phòng sẽ làm cho người ta dễ dàng bị chết đuối.
+ Cách phòng tránh: Luôn tích trữ những vật có thể nỗi được trên mặt nước trong nhà như: Các bình nhựa, can nhựa, bình nước khoáng sau khi đã dùng hết. Lúc cần thiết sẽ trở thành phao cứu hộ rất hiệu quả.
2.2. Đuối nước khi tắm biển: Dưới lòng biển có những loại hố lớn nhỏ khác nhau,, đó là nguyên nhân của những cái chết không được báo trước nếu vô tình lọt vào vùng sau hoặc vùng xoáy.
+ Cách phòng tránh: Khi thấy cờ hiệu cảnh báo khu vực nước sâu và vùng xoáy thì tránh xa. Tắm ở khu vực nước không ngập quá cổ. Tuyệt đối không tắm biển một mình nếu bạn không biết bơi hoặc chỉ tắm ở khu vực gần bờ.
* Lưu ý: Các hố sâu thường có hình tròn và nước biển tại hố sâu tường di chuyển theo nguyên tắc: Bên trên thì tràn vào bờ nhưng dưới đáy thì hút trở ra. Do đó nếu bạn bị sụp xuống hố sâu ở biển thì đừng cố gắng bơi ngược trở vào mà phải bơi theo chiều xoáy để thoát ra ngoài.
2.3. Đuối nước do chuột rút: Các bộ phận đùi, cẳng chân, ngón chân, ngón tay, phần bụng
+ Nguyên nhân: Có nhiều nguyên nhân; Không khởi động kỹ, nước quá lạnh, động tác căng thẳng, không nhịp nhàng...
+ Cách phòng tránh: Đối với người biết bơi nên sử dụng động tác bơi ngữa ( chỉ dùng tay hoặc dùng chân) để cố gắng bơi vào bờ, sau khi khắc phục thì không nên tiếp tục xuống bơi.
+ Phương pháp tự cứu khi bị chuột rút: Ngón tay bị chuột rút thì nắm chặt bàn tay sau đó dùng sức xòe ra, làm lặp lại vài lần là khỏi. Chuột rút cẳng chân hoặc ngón chân: Trước hết hít một hơi dài để nổi lên mặt nước. Dùng tay đối diện với chân bị chuột rút nắm lấy ngón chân bị chuột rút, làm cho chân bị chuột rút thẳng ra. Khi bị chuột rút ở đùi cũng áp dụng phương pháp nhơ trên.
2.4. Đuối nước khi gặp xoáy nước ở sông:
+ Nguyên nhân: Có 2 guyên nhân tạo ra xoáy nước: Nguyên nhân 1: Do nước chảy thành 2 dòng ngược chiều nhau và chỗ giao nhau của 2 dòng chảy sẽ tạo ra xoáy nước.
+ Cách phòng tránh: Cố gắng bơi theo vòng xoáy và có chiều hướng xa dần tâm xoáy.
Nguyên nhân 2: Do có thể dưới đay sông có một cái lỗ thông qua một dòng cháy khác. Khu vực này sẽ tạo thành một vùng xoáy có lực hút rất mạnh các các vật trên mặt nước xuống tận đáy sông. Đây là loại xoáy cực kỳ nguy hiểm.
+ Cách phòng tránh: Phải thật bình tĩnh hít một hơi thật dài và lặn hẳn xuống cho chìm và tìm cách bơi ra khỏi dòng xoáy bằng hết sức lực có được của mình. Xoáy hút tuy nguy hiểm nhưng cũng có nguyên tắc là càng xuống sâu tâm xoáy càng nhỏ lại và vùng nguy hiểm sẽ càng hẹp dần sẽ giúp ta thoát ra ngoài dễ dàng hơn là ở trên mặt nước ( là nơi có tâm xoáy lớn hơn).
2.4. Đuối nước khi bị lũ cuốn: Phải thật nhanh nhạy bám vào bất kỳ vật gì có thể bám được hoặc tìm cách bơi lại gần bất cứ vật gì nỗi trên mặt nước để chụp lấy. Đừng cố gắng bơi ngược dòng nước, nước lũ khi gặp chỗ hẹp thì chảy xiết nhưng ra chỗ rộng thì chảy êm, đến chỗ chảy êm hoặc khúc quanh ta hãy tìm cách vào bờ.
- Đuối nước do bị đắm tàu, đò: Khi bị đắm tàu, đò.. nhiều trường hợp kể cả người biết bơi tốt vẫn bị chết đuối.
+ Nguyên nhân: Do đắm ở nơi nước chảy xiết, sóng to, bị ôm túm...
+ Cách phòng tránh: ( làm theo thứ tự) Bình tĩnh, nhanh chóng cởi bỏ quần áo, vật dụng không cần thiết đồng thời quan sát tìm kiếm các vật nổi có thể tận dụng. Nhanh chóng giải thoát nếu bị người khác đeo bám ( trừ trẻ em) rời khu vực nguy hiểm và bơi xa đến khoảng cách an toàn tránh bị cuốn vào xoáy khi tàu chìm. Nên bơi xuôi dòng và về phía gần bờ nhất. Dừng lại quan sát tìm kiếm các vật nổi có thể bán tạm thời để chờ trợ giúp. Tìm kiếm người bị nạn để cứu từng người một, ưu tiên cứu những trẻ em, phụ nữ, người già, người không biết bơi. Nên kêu gọi to để những người khác biết và trợ giúp.
Ngoài những kiến thức trên, trong buổi tìm hiểu về đuối nước các em học sinh được trao đổi với các thầy giáo về nguyên tắc cấp cứu và các lưu ý khi cấp cứu cho người đuối nước.
Học sinh trao đổi những băn khoăn về cách cấp cứu đuối nước
3. Nguyên tắc cấp cứu tại chỗ
Nguyên tắc này cần khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho nạn nhân. Do vậy việc làm đầu tiên cần đưa nạn nhân ra khỏi nước:
Nếu nạn nhân còn tỉnh giãy giụa dưới nước ta cần khẩn trương tìm cách đưa họ nên bờ. Nếu không biết bơi ta phải tìm khúc gỗ, phao… lém xuống cho họ bám vào để lên bờ hoặc chạy ngay đi tìm người lớn đến cứu.
- Tuyệt đối Không nhảy xuống nước nếu không biết bơi. Vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước (chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi). Nếu không thì gọi người hỗ trợ hoặc dùng thuyền nếu có để ra cứu.
- Sau khi đưa người bị đuối nước vào bờ: Đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Lập tức kiểm tra đường thở, nếu trong miệng, mũi, có dị vật cần móc ra ngay, rồi nghiêng người nạn nhân để cho lưu dịch thoát khỏi đường thở. Nếu bệnh nhân tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ấn tim ngoài lồng ngực: Dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.
- Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 - 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt.
- Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi có nhân viên y tế hoặc nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Với trẻ nhỏ:
- Đặt trẻ nằm ở chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem có còn thở không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động tức là trẻ đã ngưng thở; thổi ngạt miệng qua miệng 2 cái chậm. Nếu sau đó trẻ vẫn chưa thở lại được hoặc còn tím tái và hôn mê thì xem như tim đã ngưng đập, cần ấn tim ngoài lồng ngực ngay. Ấn vào vùng nửa dưới xương ức theo cách như sau:
+ Dùng 2 ngón tay cái (đối với trẻ dưới 1 tuổi) ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú 1 đốt ngón tay (tức khoảng bằng bề ngang một ngón tay).
+ Dùng 1 bàn tay (đối với trẻ từ 1-8 tuổi) hoặc 2 bàn tay đặt chồng lên nhau (đối với trẻ hơn 8 tuổi và người lớn) ấn vào phía trên mỏm ức 2 đốt ngón tay. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 (đối với trẻ dưới 8 tuổi) hoặc 15/2 (đối với trẻ trên 8 tuổi).
- Vẫn phải tiếp tục thực hiện các động tác cấp cứu này cho đến khi nạn nhân tự thở lại được hoặc có sự giúp đỡ của nhân viên y tế. Việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn.
- Nếu sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa, hay nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu. Quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và đắp giữ ấm cho nạn nhân.
- Khi tỉnh lại, nạn nhân sẽ nôn ra nước, nên phải để nạn nhân ở tư thế an toàn, đầu nằm nghiêng, kê gối dưới hai vai, nới rộng quần áo, phòng cho nạn nhân không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn. Chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo và ép tim được 2 tiếng mà không thấy nạn nhân phục hồi.
4. Những việc cần chú ý trong quá trình cấp cứu đuối nước:
- Không được chậm trễ trong cấp cứu người bị đuối nước, thay vì tìm cách gọi xe cấp cứu, tìm cho được và đầy đủ các phương tiện cấp cứu . v.v... thì phải bằng mọi cách và khả năng hiểu biết cấp cứu nạn nhân ngay.
- Không nên cố tìm cách cho nước trong phổi nạn nhân chảy hết ra ngoài bằng cách xốc nước (vác nạn nhân chạy vòng vòng cho nước chảy ra) vì như thế sẽ bỏ lỡ thời gian vàng cho việc làm hồi sức cấp cứu tim phổi mà chỉ cần chậm trễ 4 phút thôi là não có nguy cơ bị chết! Trong quá trình hồi sức cấp cứu tim phổi, nước trong phổi sẽ tự động thoát ra ngoài. Nếu là nước sông, hồ thì nước sẽ thấm vào hệ tuần hoàn rất nhanh do hiện tượng thẩm thấu (nước sông có nồng độ loãng hơn máu).
- Thời gian đối với người chết đuối phải được tính từng phút ( kể từ khi nạn nhân ngừng thở)
+ Phút thứ nhất: Nạn nhân mất thở, tỷ lệ cứu sống là 95%.
+ Phút thứ 2 – 3: Nạn nhân mất thở, tỷ lệ cứu sống 75%.
+ Phút thứ 4: Nạn nhân mất cảm giác và tim ngừng đập.
+ Phút thứ 5 - 7: Nạn nhân mất thở nhưng vẫn có hy vọng cứu sống được 25%.
+ Phút thứ 8 – 15: Nạn nhân chết hắn, hy vọng cứu sống là 3%.
Cho nên người cứu hộ phải hết sức khẩn trương cấp cứu và hồi phục nạn nhân băng các phương pháp hô hấp nhân tạo phù hợp, để ứng phó kịp thời.
- Khi làm xoa bóp tim ngoài lồng ngực, cần chú ý không quá mạnh vì có thể làm gãy xương sườn nạn nhân, nhất là trẻ nhỏ.
Với ngạt nước, sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là những yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến sự sống còn và khả năng bị di chứng não của người bị nạn.
6. Để phòng tai nạn đuối nước mọi người cần lưu ý đến những việc sau đây:
Đối với trẻ lớn và người lớn:
- Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không.
- Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền.
- Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.
- Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.
Đối với trẻ nhỏ:
- Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, tán chuyện gẫu, chơi bài…
- Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
- Nhà khá giả có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào.
Hi vọng rằng sau buổi tìm hiểu về tai nạn đuối nước các em học sinh sẽ có nhiều kiến thức, kinh nghiệm để phòng, chống cho mình và tuyên truyền mọi người trong xã hội để góp phần cho cuộc sống an toàn, hạnh phúc cho nhân loại.
Tác giả bài viết: Hồ Hữu Thắng
Nguồn tin: Trường THPT Quỳnh Lưu 2