Theo đó, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có một số điểm mới cơ bản sau đây:
1. Về nguyên tắc khen thưởng
So với Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003, tại khoản 2 Điều 5 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã bổ sung 02 nguyên tắc khen thưởng đó là: “Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó” và “Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.
2. Bỏ hình thức khen thưởng “Huy hiệu”
Theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003, “Huy hiệu” là hình thức khen thưởng để tặng cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, Điều 9 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 không còn quy định về hình thức khen thưởng “Huy hiệu”.
3. Về nguyên tắc xét thi đua, khen thưởng
Theo quy định tại Điều 7 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua bao gồm: “1. Phong trào thi đua; 2. Thành tích thi đua; 3. Tiêu chuẩn danh hiệu thi đua”. Như vậy, so với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã bỏ căn cứ “Đăng ký tham gia thi đua”.
Tại Điều 10 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 về căn cứ xét khen thưởng đã sử dụng từ “Thành tích đạt được” thay “phạm vi, mức độ ảnh hưởng của thành tích”; sử dụng từ “Điều kiện và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích” thay “trách nhiệm và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích”.
4. Thay đổi đối tượng được tặng Huân chương Lao động
Theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003, đối tượng được tặng Huân chương Lao động ở các hạng bao gồm cá nhân và tập thể, tuy nhiên, theo quy định tại Luật thi đua, khen thưởng năm 2022, đối tượng được tặng Huân chương lao động các hạng bao gồm: Cá nhân; Công nhân, nông dân; Doanh nhân, trí thức, nhà khoa học; Tập thể; Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác; Cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài.
5. Bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”
Tại Điều 66 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 quy định danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” để tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm: Diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, phát thanh viên; Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật không thuộc đối tượng trên do Chính phủ quy định.
Như vậy, so với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 đã bổ sung đối tượng là người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật khác do Chính phủ quy định.
6. Bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” (quy định tại Điều 96). Cụ thể như sau: Thực hiện tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng, có thời gian tại ngũ từ 02 năm trở lên; Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đã được công nhận liệt sĩ thì được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.
7. Về đối tượng, tiêu chuẩn được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã bổ sung nhiều quy định về đối tượng, các trường hợp được tặng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ; tiêu chuẩn được tặng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ trong từng trường hợp cụ thể để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân dễ nghiên cứu, thực hiện, như:
Sửa tiêu chuẩn tặng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ theo Luật sửa đổi năm 2013: “Đã được tặng Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương và 5 năm tiếp theo liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” này được sửa thành “Đã được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh và có liên tục từ 05 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có 03 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” mà danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” theo quy định tại Điều 23 “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận”.
Bổ sung, chỉ rõ đối tượng được tặng. Cụ thể: “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng hoặc truy tặng cho công nhân, nông dân, người lao động chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng hoặc truy tặng cho doanh nhân, trí thức, nhà khoa học chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 73, có thành tích đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước được Bộ, ban, ngành, tỉnh công nhận; “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng cho doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn quy định tại khoản 4 Điều 73 hoặc có thành tích đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được Bộ, ban, ngành, tỉnh công nhận; “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng cho hộ gia đình gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có đóng góp lớn về công sức, đất đai và tài sản cho địa phương, xã hội; “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng cho cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp và phong tục, tập quán tốt đẹp của Việt Nam và có thành tích đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam được Bộ, ban, ngành, tỉnh công nhận.
Ảnh-Nguồn internet.
8. Về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”
Theo quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003, cá nhân được xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” phải có sáng kiến được cơ sở công nhận. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 23 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 thì sáng kiến cấp cơ sở không còn là tiêu chuẩn bắt buộc, theo đó, ngoài đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến” thì cá nhân được xét tặng “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận”.
9. Bổ sung nhiều hình thức khen thưởng cho người nước ngoài
Theo quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003, người nước ngoài chỉ được xét tặng “Huân chương Hữu nghị”, “Huy chương hữu nghị”, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”. Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã bổ sung nhiều hình thức khen thưởng cho người nước ngoài, cụ thể: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Hữu nghị; Huy chương Hữu nghị; Giải thưởng Hồ Chí Minh; Giải thưởng Nhà nước; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
10. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng
- Giảm số lượng hồ sơ đề nghị khen thưởng Nhà nước (khoản 4 Điều 84);
- Bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục khen thưởng theo thủ tục đơn giản (khoản 1 Điều 85);
- Bổ sung quy định “ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng và trong hệ thống thi đua, khen thưởng” là một nội dung quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng (điểm e khoản 2 Điều 89).
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024./.
Tác giả bài viết: Đào Xuân Đức (tổng hợp)
Nguồn tin: Trường THPT Quỳnh Lưu 2
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn