KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH NHẬT BÁC – VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG CỦA NGƯỜI VÀO VIỆC GIÁO DỤC THANH NIÊN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Chủ nhật - 17/05/2020 04:53
Chúng ta đang sống trong những ngày tháng năm lịch sử, quân và dân cả nước đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, vị lãnh tụ tài ba của dân tộc Việt Nam. Dù Bác đã đi xa chúng ta 51 năm, nhưng hình ảnh của người luôn còn mãi trong mỗi chúng ta, những người con đất Việt. Những tư tưởng mà người để lại luôn là tài sản vô cùng quý giá cho chúng ta hôm nay và cả các thế hệ con cháu mai sau. Trong hệ thống tư tưởng ấy, công tác thanh niên và việc giáo dục thanh niên là một trong những nội dung được người đặc biệt quan tâm.
Xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dành cho thế hệ trẻ những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc. Học giả người Ấn Độ Mô-ham-mat I-xman Mat-Sua đã từng nói: “Chủ Tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ duy nhất luôn quan tâm đến thế hệ trẻ và đánh giá cao vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”
Nữ anh hùng TNXP Nguyễn Thị Kim Huế (Quảng Bình) thay mặt hơn 300 đại biểu tặng hoa Bác Hồ tại Đại hội Đại biểu TNXP thi đua chống Mỹ cứu nước (năm 1967).
Với quan điểm và nhận thức thanh niên là lực lượng có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự phát triển hiện tại và tương lai của đất nước. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, người đã luôn coi trọng và hết sức quan tâm đến vấn đề thanh niên. Năm 1925 trong bài “Gửi thanh niên An Nam, Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại, người sẽ chết nếu đám thanh niên niên của người già cỗi và không sớm hồi sinh”. Người cũng khẳng định rằng “nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên”.
Người cho rằng, để hoàn thành sứ mệnh: “người chủ tương lai của nước nhà” thanh niên cần phải là đầu tàu, xung phong gương mẫu”, “phải tiên phong” đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, thanh niên phải tự thân vân động, phải “biết lo toan, gánh vác, không ỷ lại” thường xuyên sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh và cống hiến vì mục tiêu chung của đất nước
Vận dụng tư tưởng của Bác về vai trò của thanh niên cũng như chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là nhiệm vụ quan trọng. Đảng ta đã đưa ra nhiều chính sách nhằm phát huy cao độ vai trò của thế hệ trẻ đối vớ sự nghiệp xây dựng đất nước. Đặc biệt trước yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa sự lãng đạo của Đảng đối với công tác thanh niên nhằm bồi dưỡng và phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong tình hình mới.
Để chính sách của Đảng và nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, giáo dục thế hệ trẻ trở thành thế hệ vừa “Hồng”, vừa “Chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tập trung vào giải quyết một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, không ngừng đổi mới công tác giáo dục lý tưởng cho thanh niên, trong đó chú trọng đến việc đổi mới nội dung, hình thức, giải pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng thanh niên. Các hình thức giáo dục cần phải sinh động, gần gũi với thanh niên, trong đó cần quan tâm nhiều hơn đến đối tượng thanh niên tự do, thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thanh niên chậm tiến, thanh niên vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Các hoạt động giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức công dân cho thanh niên phải gắn liền với việc tổ chức các phong trào hành động cách mạng, phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng nhằm phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, ý thức trách nhiệm, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Hai là, việc chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ phải được thực hiện thường xuyên thông qua tổ chức học tập chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt nam học tập và làm theo lời Bác”, qua đó nâng cao nhận thức và hành động của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đát nước.
Ba là, việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục lý tưởng phải trên cơ sở đảm bảo đồng bộ và thống nhất giữa các hoạt động giáo dục của các chủ thể, các lực lượng giáo dục, trong đó hoạt động giáo dục trong nhà trường, của Đoàn thanh niên phải phù hợp với tâm lý, đời sống của giới trẻ, phải coi trọng phát huy dân chủ, phát huy năng lực, trí tuệ, tính sáng tạo của thanh niên.
Bốn là, đẩy mạnh phong trào thi đua học tập trong đoàn viên thanh niên, xây dựng xã hội học tập với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học; triển khai có hiệu quả phong trào sáng tạo trẻ trong các đối tượng thanh niên nhằm phát huy trí tuệ, lòng say mê và khả năng sáng tạo của tuổi trẻ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào phục vụ sản xuất và đời sống.
Năm là, tăng cường giáo dục kỹ năng sống để trang bị cho thanh niên những kỹ năng cần thiết, cơ bản như kỹ năng giao tiếp và ứng xử, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng thiết lập mục tiêu nhằm nhằm giúp cho thanh niên có khả năng thích ứng tốt hơn trong môi trường làm việc và sinh hoạt của xã hội hiện đại.
Tác giả bài viết: Đào Xuân Đức
Nguồn tin: Trường THPT Quỳnh Lưu 2