Kinh tế xã hội Việt Nam quý IV và cả năm 2020

Thứ sáu - 29/01/2021 02:50
BỐI CẢNH KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC
Kinh tế – xã hội năm 2020 của nước ta diễn ra trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) bùng phát mạnh và diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới. Các nền kinh tế lớn đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, khi phần lớn các nền kinh tế tái khởi động sau phong tỏa do dịch Covid-19, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới có những dấu hiệu khả quan hơn[1]. Thương mại toàn cầu, giá cả hàng hóa đang dần được phục hồi, thị trường chứng khoán toàn cầu tăng mạnh trong tháng 11 và tháng 12 nhờ tín hiệu tích cực từ sản xuất và hiệu quả của vắc-xin phòng Covid-19. Những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu tuy vẫn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đã có xu hướng phục hồi trong những tháng cuối năm 2020 và dự báo tăng trưởng khả quan hơn trong năm 2021[2]. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại. Tình hình đứt gãy thương mại quốc tế gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức cao. Bên cạnh đó, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa, lũ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng và đời sống nhân dân.
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp vừa phòng chống dịch, bảo đảm sức khỏe người dân, vừa phòng chống suy giảm kinh tế và giữ vững ổn định xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020. Nhờ đó, tình hình kinh tế – xã hội quý IV và cả năm 2020 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận như sau:
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 ước tính tăng 2,91% so với năm trước, tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020[3] nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới.
GDP quý IV/2020 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý IV các năm trong giai đoạn 2011-2020[4]. Dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 đã tạo động lực cho nền kinh tế nên GDP quý IV/2020 tăng trưởng khởi sắc so với quý III/2020, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,69% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,60%; khu vực dịch vụ tăng 4,29%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,07%. Về sử dụng GDP quý IV/2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 1,48% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 5,29%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,25%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,83%.
GDP năm 2020 tăng 2,91% (Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,69%; quý IV tăng 4,48%) trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội là thành công lớn của Việt Nam. Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, đóng góp 53%; khu vực dịch vụ tăng 2,34%, đóng góp 33,5%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản lượng của một số cây lâu năm, sản phẩm chăn nuôi chủ yếu và sản lượng tôm năm 2020 tăng khá nên tốc độ tăng của khu vực này đạt cao hơn năm 2019. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 2,55%, chỉ thấp hơn mức tăng của các năm 2011, năm 2012 và năm 2018 trong giai đoạn 2011-2020[5], đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 2,82% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,08%, cao hơn mức tăng 2,8% của năm 2015 và năm 2016 trong giai đoạn 2011-2020[6], đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36% so với năm trước[7], đóng góp 1,12 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%[8], đóng góp 1,25 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện tăng 3,92%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,51%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; khai khoáng giảm 5,62% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm 12,6% và khí đốt tự nhiên giảm 11,5%), làm giảm 0,36 điểm phần trăm trong mức tăng chung. Ngành xây dựng tăng 6,76%, cao hơn tốc độ tăng của các năm 2011, năm 2012 và năm 2013 trong giai đoạn 2011-2020[9], đóng góp 0,5 điểm phần trăm.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Khu vực dịch vụ trong năm 2020 đạt mức tăng thấp nhất của các năm 2011-2020[10]. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của năm 2020 như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,53% so với năm trước, đóng góp 0,61 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,87%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi giảm 1,88%, làm giảm 0,06 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 14,68%, làm giảm 0,62 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,72%; khu vực dịch vụ chiếm 41,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,8% (Cơ cấu tương ứng của năm 2019 là: 13,96%; 34,49%; 41,64%; 9,91%).
Về sử dụng GDP năm 2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 1,06% so với năm 2019; tích lũy tài sản tăng 4,12%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,97%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 3,33%.
Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2020 ước tính đạt 117,9 triệu đồng/lao động (tương đương 5.081 USD/lao động, tăng 290 USD so với năm 2019[11]); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,4% do trình độ của người lao động ngày càng được nâng cao. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) giảm từ 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017; 5,98 năm 2018 và 6,08 năm 2019. Bình quân giai đoạn 2016-2019, hệ số ICOR đạt 6,13, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế bị đình trệ, các dự án công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chưa phát huy được năng lực nên ICOR năm 2020 đạt 14,28; bình quân giai đoạn 2016-2020 hệ số ICOR đạt 7,04.
2. Sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản năm 2020 gặp nhiều khó khăn do tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu và tiêu thụ nông sản. Trước những khó khăn đó, ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nên năng suất các loại cây trồng đạt khá, lúa các vụ được mùa, được giá; sản lượng các loại cây lâu năm có mức tăng trưởng khá; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; đàn lợn đang dần khôi phục. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.
a) Nông nghiệp
Diện tích lúa năm 2020 ước tính đạt 7,28 triệu ha, giảm 192 nghìn ha so với năm trước do chuyển đổi cơ cấu sản xuất và mục đích sử dụng đất; năng suất lúa ước tính đạt 58,7 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha, do diện tích gieo trồng giảm nên sản lượng lúa ước tính đạt 42,69 triệu tấn, giảm 806,6 nghìn tấn.
Vụ đông xuân năm nay cả nước gieo cấy được 3.024,1 nghìn ha, giảm 100,3 nghìn ha so với năm 2019; năng suất 65,7 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha; sản lượng đạt 19,9 triệu tấn, giảm 593,5 nghìn tấn.
Diện tích gieo trồng lúa hè thu cả nước năm nay đạt 1.945,1 nghìn ha, giảm 64,5 nghìn ha; năng suất đạt 55,2 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng đạt 10,74 triệu tấn, giảm 205,4 nghìn tấn.
Diện tích gieo trồng lúa thu đông ước tính đạt 724 nghìn ha, giảm 0,2 nghìn ha; năng suất đạt 55,1 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha; sản lượng ước tính đạt 3,99 triệu tấn, tăng 15,1 nghìn tấn.
Diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1.584,6 nghìn ha, giảm 27 nghìn ha; năng suất đạt 51 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng đạt 8,08 triệu tấn, giảm 20,7 nghìn tấn.
Kết quả sản xuất hoa màu và một số cây hằng năm: Sản lượng ngô đạt 4,59 triệu tấn, giảm 140,3 nghìn tấn so với năm 2019 do diện tích gieo trồng giảm 43 nghìn ha; khoai lang đạt 1,37 triệu tấn, giảm 57,5 nghìn tấn (diện tích giảm 7,8 nghìn ha); mía đạt 11,88 triệu tấn, giảm 3,44 triệu tấn (diện tích giảm 45,3 nghìn ha); sắn đạt 10,49 triệu tấn, tăng 313 nghìn tấn (diện tích tăng 4,8 nghìn ha); lạc đạt 425,5 nghìn tấn, giảm 17,1 nghìn tấn (diện tích giảm 7,3 nghìn ha); đậu tương đạt 65,7 nghìn tấn, giảm 11,6 nghìn tấn (diện tích giảm 7,8 nghìn ha); sản lượng rau các loại đạt 18,33 triệu tấn, tăng 339,1 nghìn tấn (diện tích tăng 7,8 nghìn ha).
Diện tích trồng cây công nghiệp đạt 2.179,9 nghìn ha, giảm 0,6% so với năm 2019, trong đó: Cao su diện tích đạt 926 nghìn ha, giảm 1,7%, sản lượng đạt 1.221,6 nghìn tấn, tăng 3,3%; hồ tiêu diện tích đạt 131,8 nghìn ha, giảm 6%, sản lượng đạt 268,5 nghìn tấn, tăng 1,4%; cà phê diện tích đạt 695,5 nghìn ha, tăng 0,8%, sản lượng đạt 1.742,8 nghìn tấn, tăng 3,3%; điều diện tích đạt 302,4 nghìn ha, tăng 1,9%, sản lượng đạt 339,7 nghìn tấn, tăng 18,8%; chè diện tích đạt 124 nghìn ha, tăng 0,6%, sản lượng chè búp đạt 1.043,4 nghìn tấn, tăng 2,5%. Nhóm cây ăn quả đạt sản lượng thu hoạch khá ở hầu hết các loại cây do có thị trường tiêu thụ ổn định. Sản lượng cam đạt 1.070,6 nghìn tấn, tăng 8% so với năm trước; bưởi đạt 903,2 nghìn tấn, tăng 10,2%; xoài đạt 893,2 nghìn tấn, tăng 6,5%; thanh long đạt 1.363,8 nghìn tấn, tăng 9,1%; vải đạt 311,2 nghìn tấn, tăng 15,6%; nhãn đạt 589,2 nghìn tấn, tăng 11,6%; dứa đạt 723,7 nghìn tấn, tăng 2,2%.
Ước tính tháng 12/2020, tổng số trâu cả nước giảm 2,2% so với cùng thời điểm năm trước; tổng số bò tăng 2,5%; tổng số lợn tăng 17%; tổng số gia cầm tăng 6%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 95,8 nghìn tấn, tăng 1,4% so với năm trước; thịt bò hơi xuất chuồng đạt 371,5 nghìn tấn, tăng 4,6%; thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 3.474,9 nghìn tấn, tăng 4,4%; thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 1.453,7 nghìn tấn, tăng 11,6%. Sản lượng trứng gia cầm đạt 14,7 tỷ quả, tăng 10,5%. Sản lượng sữa bò tươi đạt 1.086,3 nghìn tấn, tăng 10,2%.
b) Lâm nghiệp
Năm 2020, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước tính đạt 260,5 nghìn ha, giảm 3,2% so với năm trước (quý IV/2020 đạt 91 nghìn ha, giảm 4,2%); số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 94,6 triệu cây, giảm 1,6% (quý IV đạt 28,1 triệu cây, giảm 2,1%); sản lượng gỗ khai thác đạt 16,9 triệu m3, tăng 3,7% (quý IV đạt 4.800 nghìn m3, tăng 7,3%); sản lượng củi khai thác đạt 18,9 triệu ste, giảm 1% (quý IV đạt 4,5 triệu ste, giảm 4,3%). Diện tích rừng bị thiệt hại là 1.464,3 ha, giảm 45,6% so với năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 645,3 ha, giảm 67,8%; diện tích rừng bị chặt phá là 819 ha, tăng 19,4%.
c) Thủy sản
Tổng sản lượng thủy sản năm 2020 ước tính đạt 8.423,1 nghìn tấn, tăng 1,8% so với năm trước (quý IV/2020 đạt 2.286,6 nghìn tấn, tăng 2,2%), bao gồm: Cá đạt 6.070,7 nghìn tấn, tăng 1,2%; tôm đạt 1.108,8 nghìn tấn, tăng 4,9%; thủy sản khác đạt 1.243,6 nghìn tấn, tăng 2,5%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng năm nay ước tính đạt 4.559,2 nghìn tấn, tăng 1,5% so với năm trước (quý IV đạt 1.343,1 nghìn tấn, tăng 1,8%), bao gồm cá đạt 3.130,8 nghìn tấn, giảm 0,3%; tôm đạt 949,9 nghìn tấn, tăng 5,6%; thủy sản khác đạt 478,5 nghìn tấn, tăng 5,4%.
Sản lượng thủy sản khai thác năm 2020 ước tính đạt 3.863,9 nghìn tấn, tăng 2,3% so với năm trước (quý IV đạt 943,5 nghìn tấn, tăng 2,8%), trong đó sản lượng cá đạt 2.939,9 nghìn tấn, tăng 2,7%; tôm đạt 158,9 nghìn tấn, tăng 0,8%.
3. Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở trong nước, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) được thực thi nên sản xuất công nghiệp trong quý IV/2020 có sự khởi sắc với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 3,36% so với năm 2019, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,82%, giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 ước tính tăng 3,36% so với năm trước (quý I tăng 5,1%; quý II tăng 1,1%; quý III tăng 2,34%; quý IV tăng 4,80%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,82%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,92%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,51%; ngành khai khoáng giảm 5,62% do sản lượng khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2020 tăng 3,3% so với năm trước. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/12/2020 tăng 25,3% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 13,6%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2020 ở mức khá cao với 71,9% (năm 2019 là 68,8%).
4. Với sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2020 có những kết quả đáng ghi nhận. Trong năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2,3% so với năm trước nhưng có số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2021 với 81% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2020.
a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong tháng 12/2020, cả nước có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 356,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 73 nghìn lao động, giảm 18,4% về số doanh nghiệp, tăng 25,3% về vốn đăng ký và giảm 39% về số lao động so với tháng trước[12]. Tính chung năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 2.235,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.043 nghìn lao động, giảm 2,3% về số doanh nghiệp, tăng 29,2% về vốn đăng ký và giảm 16,9% về số lao động so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020 đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3% so với năm trước. Nếu tính cả 3.341,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 39,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm nay là gần 5.577,6 nghìn tỷ đồng, tăng 39,3% so với năm trước. Bên cạnh đó, còn có 44,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2020 lên 179 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,8% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng có 14,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Năm 2020 có 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước, bao gồm: 46,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62,2%; gần 37,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 13,8%; gần 17,5 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,7%. Trung bình mỗi tháng có gần 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2020 cho thấy: Có 40,6% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2020 tốt hơn quý III/2020; 24,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 34,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định[13]. Dự kiến quý I/2021 so với quý IV/2020, có 42,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 38,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
5. Năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng được kiểm soát tốt trong nước nên hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng vẫn đạt mức tăng cao trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, hoạt động vận tải vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vận tải ngoài nước. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm nay chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm trước, trong đó hơn 96% là khách quốc tế đến trong quý I/2020.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước tính đạt 5.059,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 1,2% (năm 2019 tăng 9,5%), trong đó quý IV/2020 ước tính đạt 1.378,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4% so với quý trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 3.996,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 79% tổng mức và tăng 6,8% so với năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 510,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% và giảm 13%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 17,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,3% và giảm 59,5%; doanh thu dịch vụ khác đạt 534,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,6% và giảm 4%.
Năm 2020, vận tải hành khách đạt 3.561,9 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 29,6% so với năm trước và luân chuyển 163 tỷ lượt khách.km, giảm 34,1% (quý IV đạt 913,3 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 31,2% và luân chuyển 43,4 tỷ lượt khách.km, giảm 31,5%). Vận tải hàng hóa đạt 1.774,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 5,2% so với năm trước và luân chuyển 339,4 tỷ tấn.km, giảm 6,7% (quý IV đạt 508,7 triệu tấn hàng hóa, tăng 0,7% và luân chuyển 95,8 tỷ tấn.km, giảm 3,7%).
Doanh thu hoạt động viễn thông năm 2020 ước tính đạt 381 nghìn tỷ đồng, giảm 0,6% so với năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,1%). Tại thời điểm cuối tháng 12/2020, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 134,6 triệu thuê bao, tăng 3,7% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó thuê bao di động đạt 131,4 triệu thuê bao, tăng 4,2% chủ yếu do số thuê bao tại cùng thời điểm năm 2019 sụt giảm mạnh khi các nhà mạng thực hiện xử lý sim rác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Số thuê bao truy nhập internet băng rộng cố định tại thời điểm cuối tháng 12/2020 ước tính đạt 16,6 triệu thuê bao, tăng 12,3% so với cùng thời điểm năm trước.
Khách quốc tế đến nước ta năm 2020 ước tính đạt 3.837,3 nghìn lượt người, giảm 78,7% so với năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 3.083,2 nghìn lượt người, chiếm 80,3% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 78,6%; bằng đường bộ đạt 609,4 nghìn lượt người, chiếm 15,9% và giảm 81,9%; bằng đường biển đạt 144,7 nghìn lượt người, chiếm 3,8% và giảm 45,2%. Khách đến từ châu Á đạt 2.813,6 nghìn lượt người, chiếm 73,3% tổng số khách quốc tế đến nước ta, giảm 80,4% so với năm trước; khách đến từ châu Âu đạt 671,9 nghìn lượt người, giảm 69%; khách đến từ châu Mỹ đạt 236,5 nghìn lượt người, giảm 75,7%; khách đến từ châu Úc đạt 102,8 nghìn lượt người, giảm 76,2%; khách đến từ châu Phi đạt 12,5 nghìn lượt người, giảm 73,9%.
6. Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh lãi suất điều hành tạo điều kiện cho nền kinh tế có điều kiện phục hồi nhanh trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển ổn định và an toàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp; huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán tăng khoảng 20% so với năm trước.
Tính đến thời điểm 21/12/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,56% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,1%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,87% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,48%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,14% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,14%).
Doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm năm 2020 tăng 17% so với năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 7% (quý IV ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 20%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 7%).
Thị trường chứng khoán có nhiều đóng góp trong việc huy động vốn cho nền kinh tế. Tính đến ngày 17/12/2020, tổng mức huy động vốn của thị trường chứng khoán đạt 383,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 24/12/2020, chỉ số VNIndex đạt 1.067,52 điểm, tăng 11,1% so với cuối năm 2019; mức vốn hóa thị trường đạt gần 5 triệu tỷ đồng, tăng 14%; giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm 2020 đến nay (tính đến ngày 17/12/2020) đạt 7.056 tỷ đồng/phiên, tăng 51,5% so với bình quân năm 2019. Trên thị trường trái phiếu, có 481 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt gần 1.350 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2019. Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 từ đầu năm đến nay (tính đến ngày 17/12/2020) đạt 157.314 hợp đồng/phiên, tăng 77% so với bình quân giao dịch năm 2019.
7. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2020 tăng 5,7% so với năm 2019, mức thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020[14], đây là kết quả đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2020 ước tính đạt 2.164,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm trước và bằng 34,4% GDP (quý IV đạt 719,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5%), bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 729 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng vốn và tăng 14,5%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 972,2 nghìn tỷ đồng, bằng 44,9% và tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 463,3 nghìn tỷ đồng, bằng 21,4% và giảm 1,3%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019. Trong đó có 2.523 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14,6 tỷ USD, giảm 35% về số dự án và giảm 12,5% về số vốn đăng ký so với năm trước; có 1.140 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD, tăng 10,6%; có 6.141 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 7,5 tỷ USD, giảm 51,7%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.695 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 3,2 tỷ USD và 4.446 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 4,3 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2020 ước tính đạt gần 20 tỷ USD, giảm 2% so với năm trước.
8. Dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, các lĩnh vực của nền kinh tế từng bước được cải thiện tích cực nên thu ngân sách Nhà nước trong 15 ngày đầu tháng 12/2020 tăng hơn 9,2 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ tháng trước. Chi ngân sách Nhà nước đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2020 ước tính đạt 1.307,4 nghìn tỷ đồng, bằng 86,5% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 1.101,6 nghìn tỷ đồng, bằng 87,1%; thu từ dầu thô 32,7 nghìn tỷ đồng, bằng 92,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 172,3 nghìn tỷ đồng, bằng 82,8%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2020 ước tính đạt 1.432,5 nghìn tỷ đồng, bằng 82% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 966,7 nghìn tỷ đồng, bằng 91,5%; chi đầu tư phát triển 356 nghìn tỷ đồng, bằng 75,7%; chi trả nợ lãi 98,8 nghìn tỷ đồng, bằng 83,6%.
9. Năm 2020 ghi nhận nỗ lực mạnh mẽ của hoạt động xuất, nhập khẩu trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%[15]. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay[16].
a) Xuất, nhập khẩu hàng hóa[17]
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2020 ước tính đạt 26,5 tỷ USD, tăng 5% so với tháng trước và tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý IV/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 78,9 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 1,1% so với quý III năm nay. Trong quý IV có 12 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 77,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính chung cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78,2 tỷ USD, giảm 1,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 72,2% (tỷ trọng tăng 2,1 điểm phần trăm so với năm trước). Trong năm 2020 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%).
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12/2020 ước tính đạt 27,5 tỷ USD, tăng 11,4% so với tháng trước và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý IV/2020, kim ngạch nhập khẩu đạt 76,4 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,7% so với quý III năm nay. Trong quý IV có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 72,3% tổng trị giá nhập khẩu. Tính chung năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2019, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 93,6 tỷ USD, giảm 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 168,8 tỷ USD, tăng 13%. Trong năm 2020 có 35 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 89,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (4 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 49,4%).
b) Xuất, nhập khẩu dịch vụ
Trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước tính đạt 6,3 tỷ USD, giảm 68,4% so với năm 2019 (quý IV đạt 820 triệu USD, giảm 84,8%), trong đó dịch vụ du lịch đạt 2,5 tỷ USD (chiếm 39,8% tổng kim ngạch), giảm 78,8%; dịch vụ vận tải đạt 727 triệu USD (chiếm 11,6%), giảm 83,4%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ năm nay ước tính đạt 18,3 tỷ USD, giảm 14,5% so với năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 8,3 tỷ USD (chiếm 45,2% tổng kim ngạch), tăng 3,5%; dịch vụ du lịch đạt 4 tỷ USD (chiếm 22%), giảm 37,5%. Nhập siêu dịch vụ năm 2020 là 12 tỷ USD, gấp gần 2 lần kim ngạch xuất khẩu dịch vụ và tăng 10,5 tỷ USD so với năm 2019.
10. Giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá gạo tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm tăng là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2020 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 0,19% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,23% so với năm 2019[18]. Tỷ giá thương mại hàng hóa năm 2020 giảm 0,74% so với năm 2019 phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.
a) Chỉ số giá tiêu dùng
CPI tháng 12/2020 tăng 0,1% so với tháng trước, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có CPI tháng Mười Hai tăng so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất 2,45%. Quý IV/2020, CPI tăng 0,22% so với quý trước và tăng 1,38% so với quý IV/2019. CPI bình quân năm 2020 tăng 3,23% so với bình quân năm 2019, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4%. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2020 tăng 2,31% so với bình quân năm 2019.
b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới giảm nhanh trong những ngày đầu tháng 12 sau khi đạt đỉnh bởi thông tin vắc xin Covid-19 được nhiều quốc gia phê duyệt và Mỹ có thể sớm bổ sung gói hỗ trợ kinh tế. Tuy nhiên, giá vàng thế giới tăng trở lại trong những ngày gần đây sau khi Quốc hội Mỹ thống nhất về gói kích thích kinh tế 900 tỷ USD. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 12/2020 giảm 0,83% so với tháng trước; tăng 30,95% so với cùng kỳ năm 2019; bình quân năm 2020 tăng 28,05% so với năm 2019.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2020 giảm 0,23% so với tháng trước và giảm 0,09% so với cùng kỳ năm 2019; bình quân năm 2020 giảm 0,02% so với năm 2019.
c) Chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá xuất, nhập khẩu
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý IV/2020 tăng 0,88% so với quý trước và tăng 7,75% so với cùng kỳ năm trước; tương tự, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 0,1% và giảm 0,78%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 0,66% và giảm 1,3%. Tính chung cả năm 2020, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 8,24% so với năm 2019, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,6%, chỉ số giá sản xuất dịch vụ giảm 0,73%.
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá quý IV năm nay tăng 0,54% so với quý trước và giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước; tương tự, chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 0,38% và giảm 0,49%; tỷ giá thương mại hàng hóa[19] tăng 0,15% và giảm 0,81%. Tính chung cả năm 2020, chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá giảm 1,32% so với năm 2019, chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá giảm 0,59%, tỷ giá thương mại hàng hoá giảm 0,74%.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Dân số trung bình của Việt Nam năm 2020 là 97,58 triệu người. Tình hình lao động, việc làm quý IV/2020 có nhiều dấu hiệu khởi sắc so với quý trước nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tính chung cả năm 2020 cao hơn năm 2019.
Dân số trung bình năm 2020 của cả nước ước tính 97,58 triệu người, tăng 1.098,7 nghìn người, tương đương tăng 1,14% so với năm 2019, trong đó dân số thành thị 35,93 triệu người, chiếm 36,8%; dân số nông thôn 61,65 triệu người, chiếm 63,2%; dân số nam 48,59 triệu người, chiếm 49,8%; dân số nữ 48,99 triệu người, chiếm 50,2%.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2020 là 54,6 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với năm trước; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 48,3 triệu người, giảm 849,5 nghìn người so với năm trước; lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53,4 triệu người.
Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước năm 2020 ước tính là 2,26%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,61%; khu vực nông thôn là 1,59%[20].
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2020 là 2,51%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,68%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,93%.
2. Năm 2020, đời sống của nhân dân trên cả nước tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai và dịch bệnh Covid-19 nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và sự nỗ lực của người dân nên đời sống nhân dân nhìn chung ổn định.
 Ước tính thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2020 theo giá hiện hành đạt 4.190 nghìn đồng. Thiếu đói trong nông dân hầu như không xảy ra trong những tháng cuối năm. Tính chung năm 2020, cả nước có 16,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 75,9% so với năm trước, tương ứng với 66,5 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 76,1%. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2020 ước khoảng 4,7%, giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2019.
Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội khu vực nông thôn. Tính đến cuối tháng 11/2020, cả nước có 5.415 xã và 173 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, tổng các suất quà trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội trong năm 2020 là hơn 24,9 nghìn tỷ đồng, trong đó 13,4 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tượng ảnh hưởng dịch Covid-19, hơn 4,1 nghìn tỷ đồng hỗ trợ đối tượng chính sách và người có công, 3,1 nghìn tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và 26,6 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.
Riêng đối với người dân bị ảnh hưởng của thiên tai, theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ các địa phương với kinh phí 2.161,8 tỷ đồng, trong đó: 381,8 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh các tỉnh miền núi phía Bắc; 1.250 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh miền Trung; 530 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cấp xuất gần 23 nghìn tấn gạo hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, trong đó hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung là gần 19,4 nghìn tấn.
3. Công tác giáo dục, đào tạo bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên ngành Giáo dục đã kịp thời đưa ra các phương án ứng phó; những chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp để vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên vừa thực hiện kế hoạch năm học.
Năm học 2020-2021, cả nước có 5.076,1 nghìn trẻ em bậc mầm non (725,5 nghìn trẻ em đi nhà trẻ và 4.350,6 nghìn trẻ em đi học mẫu giáo); 17.551 nghìn học sinh phổ thông đến trường (8.890 nghìn học sinh tiểu học; 5.920,5 nghìn học sinh trung học cơ sở; 2.740,5 nghìn học sinh trung học phổ thông) và 1.560,3 nghìn sinh viên đại học.
Hiện nay, cả nước có 1.909 cơ sở giáo dục nghề nghiệp[21], bao gồm 399 trường cao đẳng; 458 trường trung cấp; 1.052 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Số giáo viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt 84.302 người, bao gồm 37.633 giáo viên tại các trường cao đẳng, 14.727 giáo viên tại các trường trung cấp, 20.344 giáo viên tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 11.598 giáo viên thuộc các cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh và đào tạo của cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tính đến hết tháng 11/2020, giáo dục nghề nghiệp tuyển mới được 1.940 nghìn người, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp tuyển sinh được 520 nghìn người; trình độ sơ cấp và chương trình đào tạo nghề khác tuyển sinh được 1.420 nghìn người.
4. Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát.
Tính đến 18h00 ngày 26/12/2020, trên thế giới có 80.281,3 nghìn trường hợp mắc Covid-19 (1.759,1 nghìn trường hợp tử vong). Năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất thế giới là Mỹ, Ấn Độ, Bra-xin, Nga và Pháp. Tại Việt Nam, có 1.440 trường hợp mắc, 1.303 trường hợp đã được chữa khỏi (35 trường hợp tử vong).
Năm 2020, cả nước có 128.970 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (23 trường hợp tử vong); 78.063 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (1 trường hợp tử vong); 622 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút (11 trường hợp tử vong); 14 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu; 3.311 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 307 trường hợp dương tính; 242 trường hợp dương tính với bạch hầu (5 trường hợp tử vong).
Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/12/2020 là 211.013 người; số người đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 97.110 người và số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 99.113 người.
Tổng số vụ ngộ độc thực phẩm năm 2020 là 98 vụ với 2.712 người bị ngộ độc (22 người tử vong).
5. Tình hình tai nạn giao thông trong năm 2020 đã có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí do hiệu quả của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Trong năm 2020, trên địa bàn cả nước xảy ra 14.510 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 8.344 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 6.166 vụ va chạm giao thông, làm 6.700 người chết, 4.384 người bị thương và 6.420 người bị thương nhẹ. So với năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong năm 2020 giảm 17,7% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 9,5%; số vụ va chạm giao thông giảm 26,6%); số người chết giảm 12,1%; số người bị thương giảm 14% và số người bị thương nhẹ giảm 24,7%. Bình quân 1 ngày trong năm 2020, trên địa bàn cả nước xảy ra 40 vụ tai nạn giao thông, gồm 23 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 17 vụ va chạm giao thông, làm 18 người chết, 12 người bị thương và 18 người bị thương nhẹ.
6. Thiên tai, ô nhiễm môi trường và cháy, nổ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân ở một số địa phương.
Trong năm 2020, thiên tai xảy ra liên tiếp, diễn biến phức tạp với 14 cơn bão; 265 trận dông, lốc, mưa lớn; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất và hạn hán, xâm nhập mặn làm 379 người chết và mất tích, 1.060 người bị thương; 4,3 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 594,9 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng; gần 269 nghìn ha lúa và 134,9 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 38,6 nghìn con gia súc và 4,1 triệu con gia cầm bị chết; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 39,1 nghìn tỷ đồng, trong đó thiệt hại do bão, lũ là 32,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 82,8% tổng giá trị thiệt hại).
Năm 2020, đã phát hiện 14.332 vụ vi phạm môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 12.820 vụ với tổng số tiền phạt hơn 176,8 tỷ đồng; trên địa bàn cả nước xảy ra 2.853 vụ cháy, nổ, làm 103 người chết và 173 người bị thương, thiệt hại ước tính 614,2 tỷ đồng./.
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
[1] Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm 4,2% trong năm 2020, điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 9/2020. Tương tự, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm 4,4%, tăng 0,5 điểm phần trăm; Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings (FR) dự báo giảm 3,7%, tăng 0,7 điểm phần trăm.
[2] Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng năm 2020 của Mỹ âm 3,5% (tăng 1,8 điểm phần trăm so với mức dự báo hồi tháng 9/2020) và tăng trưởng 4,2% năm 2021. Tương tự, Trung Quốc tăng 2,1% năm 2020 (tăng 0,3 điểm phần trăm) và tăng 7,7% năm 2021. Nhật Bản giữ nguyên dự báo mức tăng trưởng âm 5,4% cho năm 2020 và sẽ phục hồi ở mức tăng 2,3% năm 2021, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Khu vực đồng Euro âm 7,4% năm 2020 (tăng 0,6 điểm phần trăm) và tăng 5,6% năm 2021.
[3] Tốc độ tăng GDP các năm 2011-2020 lần lượt là: 6,24%; 5,25%; 5,42%; 5,98%; 6,68%; 6,21%; 6,81%; 7,08%; 7,02%; 2,91%.
[4] Tốc độ tăng GDP quý IV các năm 2011-2020 lần lượt là: 6,71%; 5,57%; 6,05%; 6,96%; 7,01%; 6,68%; 7,65%; 7,31%; 6,97%; 4,48%.
[5] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp các năm 2011-2020 lần lượt là: 4,16%; 2,57%; 2,19%; 2,51%; 2,03%; 0,72%; 2,07%; 2,89%; 0,61%; 2,55%.
[6] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành thủy sản các năm 2011-2020 lần lượt là: 4,34%; 3,75%; 3,82%; 6,53%; 2,80%; 2,80%; 5,54%; 6,46%; 6,30%; 3,08%.
[7] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp các năm 2011-2020 lần lượt là: 9,46%; 8,20%; 4,93%; 6,32%; 9,39%; 7,06%; 7,85%; 8,79%; 8,86%; 3,36%.
[8] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo các năm 2011-2020 lần lượt là: 14,08%; 9,05%; 7,22%; 7,41%; 10,60%; 11,90%; 14,40%; 12,98%; 11,29%; 5,82%.
[9] Tốc độ tăng/giảm giá trị tăng thêm ngành xây dựng các năm 2011-2020 lần lượt là: -0,26%; 3,66%; 5,84%; 6,93%; 10,82%; 10,0%; 8,70%; 9,16%; 9,10%; 6,76%.
[10] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ các năm 2011-2020 lần lượt là: 7,47%; 6,71%; 6,72%; 6,16%; 6,33%; 6,98%; 7,44%; 7,03%; 7,30%; 2,34%.
[11] Năng suất lao động năm 2019 đạt 4.791 USD/lao động.
[12] So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp giảm 6,4%; số vốn đăng ký tăng 129%; số lao động đăng ký giảm 37,8%.
[13] Chỉ số tương ứng của quý III/2020: Có 32,2% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước; 31,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 35,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
[14] Tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn NSNN so với năm trước các năm 2011-2020 lần lượt là: 25,9%; 15%; 1%; 0,3%; 12,4%; 16,1%; 6,6%; 12,2%; 7,1%; 34,5%.
[15] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2019 đạt 517,7 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 264,3 tỷ USD, tăng 8,4%; nhập khẩu đạt 253,4 tỷ USD, tăng 6,8%.
[16] Giá trị xuất siêu các năm giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: 1,6 tỷ USD; 1,9 tỷ USD; 6,5 tỷ USD; 10,9 tỷ USD; 19,1 tỷ USD.
[17] Số liệu tháng 12/2020 do Tổ liên ngành gồm Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê họp ước tính căn cứ trên số liệu kim ngạch xuất, nhập khẩu tính đến ngày 24/12/2020 của Tổng cục Hải quan kết hợp với thông tin thị trường, tỷ trọng và xu hướng xuất, nhập khẩu các mặt hàng. Tổng cục Thống kê nhận được và cập nhật báo cáo vào ngày 25/12/2020.
[18] Tốc độ tăng CPI bình quân các năm so với năm trước giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: 2,66%; 3,53%; 3,54%; 2,79%; 3,23%.
[19] Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa so với chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa.
[20] Tỷ lệ thất nghiệp chung năm 2019 là 1,99%, trong đó khu vực thành thị là 2,93%; nông thôn 1,54%.
[21] Không bao gồm các cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
 

Tác giả bài viết: Đào Xuân Đức (Tổng hợp)

Nguồn tin: Trường THPT Quỳnh Lưu 2

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hai bên
Hai bên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây