CHÀO TUẦN HỌC MỚI VỚI HOẠT ĐỘNG NGOÀI GIỜ LÊN LỚP VỀ VẤN ĐỀ BẠO LỰC NGÔN NGỮ HỌC ĐƯỜNG – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
Thứ tư - 10/01/2024 09:02
CHÀO TUẦN HỌC MỚI VỚI HOẠT ĐỘNG NGOÀI GIỜ LÊN LỚP VỀ VẤN ĐỀ
BẠO LỰC NGÔN NGỮ HỌC ĐƯỜNG – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
Xuất phát từ vấn nạn bạo lực ngôn ngữ học đường; từ thực tế bản thân các em học sinh nói riêng, con người trong xã hội nói chung đã từng là nạn nhân của bạo lực ngôn ngữ học đường. Các em học sinh từng gánh chịu những hậu quả nặng nề về mặt tinh thần mà bạo lực ngôn ngữ gây ra với những tự ti, mặc cảm, đau khổ, uất hận, thậm chí có lúc muốn nghỉ học, muốn từ bỏ ước mơ của mình. Các em học sinh chưa nhận thức được những tác hại, những hậu quả khôn lường mà bạo lực ngôn ngữ có thể gây ra đối với sự phát triển tính cách, đạo đức, lối sống của các bạn học sinh cũng như những ảnh hưởng về mặt tinh thần đối với những nạn nhân của bạo lực ngôn ngữ.
Với mong muốn tìm ra những giải pháp từ việc tìm hiểu thực trạng, hậu quả và nguyên nhân để nâng cao nhận thức cho các bạn học sinh cũng như nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực bằng ngôn ngữ trong các nhà trường THPT, hôm nay chúng ta sẽ tập trung tìm hiểu chủ đề: Bạo lực ngôn ngữ học đường - Thực trạng và giải pháp. Chúng tôi mong rằng với hoạt động hôm nay sẽ có những đóng góp thiết thực trong việc xây dựng môi trường học đường lành mạnh cho các bạn học sinh yên tâm đến trường, theo đúng tinh thần "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui".
Bạo lực ngôn ngữ đang là vấn đề diễn ra hằng ngày, hắng giờ thế mà nhiều người chưa biết đến Bạo lực ngôn ngữ học đường là gì? Có những hình thức biểu hiện nào? Giải pháp khắc phục ra sao? “Bạo lực ngôn ngữ học đường” là những hành vi sử dụng ngôn ngữ mang tính công kích, xúc phạm, thô bạo, nhằm hạ thấp giá trị của người khác, tấn công tâm lí người khác một cách vô hình nhằm gây những tổn thương về tinh thần cho người bị hại, thường diễn ra trong phạm vi trường học. Đặc điểm của “Bạo lực ngôn ngữ học đường” là sử dụng ngôn ngữ nói hoặc ngôn ngữ viết để nhằm công kích, gây tổn thương cho người khác. Những biểu hiện của bạo lực ngôn ngữ học đường cụ thể như: Dùng lời nói khiếm nhã, miệt thị để trêu đùa, chọc ghẹo, đe dọa; bị body shaming - bình luận tiêu cực về ngoại hình; bị tẩy chay, tách biệt, cô lập; bị chỉ trích, xúc phạm, gây tổn thương; nhận tin nhắn, bình luận trêu đùa, chọc ghẹo, chỉ trích trên mạng xã hội ….
Các bạn học sinh lớp 12D5 cùng GVCN thực hiện tình huống
bạo lực ngôn ngữ học đường
Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực ngôn ngữ học đường tràn lan đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, ôn định xã hội cũng như nhận thức, hành động của của học sinh trường THPT hiện nay cụ thể là:
Thứ nhất, do con người thiếu sự cẩn trọng trong quá trình giao tiếp. Đặc biệt những người trẻ tuổi như học sinh THPT còn hạn chế về nhận thức, khả năng nhận biết, phân biệt tốt xấu, đúng sai; tâm lý “số đông”, “a dua” trong một số bộ phận học sinh.
Thứ hai, do con người khi giao tiếp thiếu trách nhiệm, muốn thu hút sự chú ý của cộng đồng từ việc muốn khẳng định mình sớm, được nổi tiếng, được cho là sành điệu, ngầu, “dân chơi thứ thiệt”.
Thứ ba, một nguyên nhân có tính đặc biệt nguy hiểm nữa là do những người có hiểu biết, có tri thức, nhưng vẫn cố tình dùng lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa, thổi phồng, nói sai sự thật, thiếu kiểm chứng, vô căn cứ nhằm gây bất ổn tình hình trật tự học đường.
Thứ tư, sự tranh cãi tốt xấu (báo chí, mạng xã hội...) về các vấn đề đưa ra kéo theo sự tò mò của cộng đồng mạng, kích thích việc truy cập, theo dõi. Thông thường, cái gì hay nhắc tới, gây tranh cãi, xuất hiện nhiều thì sẽ càng thu hút người ta xem nó là gì. Giới trẻ không được định hướng, giáo dục về kỹ năng sống nên định hướng về thẩm mỹ, giá trị bị "lệch lạc".
Thứ năm, thời đại 4.0 công nghệ thông tin hầu như có mặt ở mọi lúc, mọi nơi và bất kì ai cũng có khả năng truy cập mạng xã hội một cách nhanh chóng, đặc biệt là những bài viết về vấn đề bạo lực nói chung có thể được phát trực tiếp hoặc quay video và phốt lên mạng ngay lập tức.
Thứ sáu, gần như 100% học sinh trung học phổ thông đều đã được bố mẹ cho phép sử dụng điện thoại mà không cần quản lý chặt chẽ như ở các lứa tuổi nhỏ hơn. Đây là một cơ hội thuận lợi để các em dễ tạo ra bạo lực ngôn ngữ học đường để lại những hậu quả khó lường trước.
Thứ bảy, hệ thống an ninh mạng của nhà nước đã được thặt chặt nhưng vẫn chưa thể quản lí đầy đủ các trang mạng nhạy cảm hoặc phản cảm, các thông tin đúng hoặc sai. “Có thể nói Youtube như một cái chợ nhưng ban quản lý chợ lại không phải ở Việt Nam mà ở nước ngoài. Điều này dẫn đến có nhiều thứ không tốt được xuất hiện trên YouTube. Trên đó có quá nhiều thông tin vừa tốt, vừa xấu …”
Chúng ta thấy rằng cả dưới góc độ khách quan và chủ quan, thì bạo lực ngôn ngữ đa số đều xảy ra vì những hiềm khích cá nhân. Học sinh xảy ra bạo lực ngôn ngữ vì muốn thể hiện bản thân sớm, muốn gây sự chú ý để được nổi tiếng…. Lứa tuổi học trò là lứa tuổi có nhiều biến động về mặt tâm sinh lý. Sự quan tâm của gia đình, nhà trường giúp đỡ các bạn có được sự hiểu biết đầy đủ về kiến thức giới tính, kỹ năng sống để đối mặt với áp lực học hành,biết cách ứng xử với thầy cô, gia đình, bạn bè cũng như những cảm xúc với bạn khác giới, khác phái…
Sau buổi hoạt động NGLL các em học sinh thực sự đã được nâng cao nhận thức về vấn đề bạo lực ngôn ngữ học đường trong giai đoạn hiện nay. Hi vọng rằng từ đây các em sẽ biết rèn luyên lời ăn tiếng nói đúng chuẩn mực đạo đức, văn hóa, … của chính mình. Các em sẽ có trách nhiệm với việc sử dụng lời ăn tiếng nói của chính mình, cùng góp phần tạo nên môi trường học đường lành mạnh, văn minh, góp phần tạo nên trường học hạnh phúc.
Một số hình ảnh khác trong buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu
Nguồn tin: Trường THPT Quỳnh Lưu 2