10 tình huống pháp luật về dân sự, phòng, chống bạo lực gia đình

Thứ hai - 22/01/2024 04:47

ình huống 1

Vợ chồng ông Minh có cô con gái (tên Ngọc) và vợ chồng ông Tùng có người con trai (tên Trung). Gia đình ông Minh và ông Tùng có mối quan hệ thân thiết từ lâu đời, khi con gái đến tuổi lấy chồng, vợ chồng ông Minh bắt Ngọc phải kết hôn với Trung để mối quan hệ đó bền chặt, khăng khít hơn, tuy nhiên Ngọc đã có người yêu hơn nữa cũng không có tình cảm với Trung, cô từ chối đề nghị lấy Trung của bố mẹ mình, nhưng vợ chồng ông Minh nói nếu Ngọc trái lời, họ sẽ từ mặt con.

Hỏi: Hành vi của vợ chồng ông Minh có phải là hành vi bạo lực gia đình không? Vì sao?

Trả lời: 

Hành vi của vợ chồng ông Minh là bạo lực gia đình, vì:

Điểm l, khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định: 

 “1. Hành vi bạo lực gia đình:

..l) Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp..”.

Khoản 9 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 giải thích: “Cưỡng ép kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn hoặc ly hôn trái với ý muốn của họ”.

Do đó, hành vi trên của vợ chồng ông Minh và vợ chồng ông Tùng là hành vi bạo lực gia đình và đây cũng là một trong hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Tình huống 2:

Anh Bình và chị Thu là vợ chồng cùng làm ở 1 công ty may, là người mang nặng tư tưởng gia trưởng, luôn quản lý chặt chẽ nguồn tài chính của gia đình, mọi chi tiêu của vợ và con cái đều do ông quyết định và hạn chế tối đa, đến tháng lĩnh lương anh Bình bắt vợ phải đưa tiền cho mình quản lý. Mỗi lần cần tiền vào việc gì chị Thu phải xin và bị anh Bình tra xét từng khoản chi làm cho cuộc sống của chị trở nên bí bách, áp lực và phụ thuộc vào chồng. Chị Thu muốn biết, hành vi của chồng mình có phải là bạo lực gia đình không?

Trả lời:

Hành vi của anh Bình là bạo lực gia đình, vì:

Điểm o, khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định: 

 “1. Hành vi bạo lực gia đình:

... o) Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;...”.
Do đó, hành vi “bắt vợ đưa tiền lương đồng thời tra xét từng khoản chi tiêu của anh Bình là kiểm soát tài sản, thu nhập của vợ nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất” của anh Bình là hành vi bạo lực gia đình. Ngoài ra, hành vi trên của anh Bình còn vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình về chế độ tài sản của vợ chồng như sau:

“Điều 29. Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng.

Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường”.

Tình huống 3:

Trước khi lấy anh Nam thì chị Vy đã có 1 đời chồng và có 01 con riêng, khi ly hôn con chị Vy ở với bố. Thương con nên chị Vy thường lén chồng gửi tiền, đồ ăn cho con, biết chuyện, Anh Nam đã chửi, mắng chị Vy và cấm chị không được qua lại chăm nom, chu cấp cho con nữa.

Hỏi: Hành vi của anh Nam có phải là hành vi bạo lực gia đình không? Và là hành vi nào trong số các hành vi bạo lực gia đình được quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022?

Trả lời:
Hành vi của anh Nam là hành vi bạo lực gia đình và là hành vi “Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa mẹ và con”.

Tình huống 4:

Mỗi khi nhậu nhẹt, say xỉn, về nhà anh Mạnh thường xuyên đánh đập vợ (chị Dung) nhưng khi tỉnh rượu thì anh Mạnh lại rất thương yêu chị Dung và xin lỗi vợ về hành vi trên. Chị Dung muốn biết đây có phải là hành vi bạo lực gia đình không? Chị Dung có quyền yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp, ngăn chặn và bảo vệ mỗi khi chồng lại say xỉn rồi đánh đập mình hay không?

Trả lời:

- Hành vi đánh đập vợ của anh Tùng là vi bạo lực gia đình, vì:

Điểm a, khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định như sau:

“a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng,…”

- Khoản 1 Điều 9 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định như sau:

“Điều 9. Quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình

1. Người bị bạo lực gia đình có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác có liên quan đến hành vi bạo lực gia đình;

b) Yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ theo quy định của Luật này;
c) Được bố trí nơi tạm lánh, giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình, trợ giúp pháp lý và trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật;

đ) Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình khắc phục hậu quả, bồi thường tổn hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và thiệt hại về tài sản;

e) Được thông tin về quyền và nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình, xử lý hành vi bạo lực gia đình;

g) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;

h) Quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình”.

Căn cứ Khoản 1, Điều 9 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 thì Chị Dung có quyền yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp, ngăn chặn, bảo vệ theo quy định nêu trên.

Tình huống 5:

Vợ chồng ông Nam và bà Nga có 02 người con; ông Nam không cho các con của mình đi học thêm, chỉ học buổi sáng và buổi chiều thường bắt 2 con của mình là cháu Đạt (12 tuổi) và cháu Vỹ (15 tuổi) đi rửa bát thuê trong làng để có tiền đưa cho ông mua rượu uống hàng ngày. Nhiều lần, phần vì sáng đi học, chiều đi làm, cũng có khi phải làm việc quá sức nên hai bé phải nhập viện điều trị. Thấy vậy, anh Vinh là hàng xóm gần nhà, cũng là Tổ trưởng tổ hoà giải đã cùng các thành viên trong Tổ hoà giải đến khuyên can và còn nói hành vi của ông Nam là “bạo lực gia đình”, ông Nam rất bực tức vì ông cho rằng, các con của mình cũng đã lớn, bây giờ ông nhờ vả một chút thì cũng phù hợp với đạo làm con. Ông Nam muốn rõ hơn, liệu hành vi của mình có phải là hành vi bạo lực gia đình như anh Vinh nói không để tự thay đổi bản thân?

Trả lời:

Điểm o, khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định như sau:

“Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;”

Căn cứ quy định trên, việc ông Nam bắt 2 con của mình đi làm thêm trong khi 2 con đang trong độ tuổi ăn học, dẫn đến 2 cháu làm việc quá sức phải nhập viện điều trị là hành vi bạo lực gia đình.

Tình huống 6:

Anh Bảo và chị Lan ly hôn vì lý do anh Bảo ngoại tình, Tòa xử cho chị Lan nuôi con. Sau khi ly hôn, Anh Bảo vẫn chu cấp tiền để nuôi dưỡng và có mong muốn gặp, trò chuyện với con hàng tháng, tuy nhiên, trong quá trình nuôi con, chị Lan không cho anh Bảo gặp con vì cho rằng một người không chung thuỷ như anh Bảo không xứng đáng gặp lại con mình. anh Bảo muốn biết hành vi của chị Lan có phải là hành vi bạo lực gia đình? Vì sao?

Trả lời:

Hành vi của chị Lan là bạo lực gia đình, vì:

Điểm g, khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định: 

 “1. Hành vi bạo lực gia đình:

... g) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;...”.

Do đó, hành vi “ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa cha và con” của chị Lan là hành vi bạo lực gia đình. Ngoài ra, hành vi trên của chị Lan còn vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

“ Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.

Tình huống 7:

Ông Việt là Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Cây Thông xã Hùng Đức huyện Hàm Yên. Ông Việt muốn biết, có bao nhiêu hành vi bạo lực gia đình? Đó là những hành vi nào?

Trả lời: 

Có 16 hành vi bạo lực gia đình được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 như sau:

1. Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

2. Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

3. Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

4. Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;

5. Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;

6. Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

7. Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

8. Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

9. Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;

10. Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;

11. Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;

12. Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;

13. Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;

14. Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;

15. Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;

16. Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.

Tình huống 8:

Tuấn năm nay 17 tuổi, học lớp 11, một hôm ở trong lớp Tuấn có gây xích mích với bạn Luân, hai bạn có xô đẩy nhau, hậu quả làm vỡ chiếc đồng hồ thông minh Apple Watch của Luân trị giá 10.000.000 đồng, do Tuấn không có tiền bồi thường, chị Nguyệt là mẹ Luân muốn biết có thể yêu cầu cha mẹ Tuấn bồi thường thiệt hại trên thay Tuấn được hay không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 21 Bộ Luật Dân sự năm 2015, quy định về người chưa thành niên như sau: 

“Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi”

Điều 74 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về bồi thường thiệt hại do con gây ra như sau:

“Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định của Bộ luật dân sự”.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì Tuấn là con chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi), do đó, chị Nguyệt có thể thông báo đến cha mẹ Tuấn và yêu cầu cha mẹ Tuấn phải bồi thường thiệt hại trên.

Tình huống 9:

Bà Mai có hai người con trai là Trung và Nghĩa, khi chết, bà có để lại tài sản là một sổ tiết kiệm 100 triệu đồng, theo đó di chúc bà chia đều cho hai người con của mình mỗi người 50 triệu, tuy nhiên, trước khi phân chia di sản Nghĩa thấy anh Trung hoàn cảnh khó khăn, con cái lại ốm đau, thường xuyên phải vào viện nên muốn từ chối di sản của mẹ. Hỏi, anh Nghĩa có quyền từ chối nhận di sản của mẹ mình để lại không? Và việc từ chối nhận di sản có cần phải lập thành văn bản không?

Trả lời:

Anh Nghĩa có quyền từ chối nhận di sản của mẹ mình để lại vì:

Điều 620 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về từ chối nhận di sản như sau:

“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”

Căn cứ quy định nêu trên, Anh Nghĩa hoàn toàn có quyền từ chối nhận di sản của mẹ mình để lại và việc từ chối nhận di sản này phải được lập thành văn bản đồng thời gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

Tình huống 10:

Ông Vĩnh có 02 người con (con trai tên Tiến và con gái tên My), là người có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, ông luôn quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, cho nên bất cứ làm việc gì hay cho gì ông đều ưu tiên cho con trai. My cảm thấy rất buồn và tủi thân, em muốn biết hành vi đó của bố mình có phải là hành vi bạo lực gia đình không? Vì sao? Mức xử phạt vi phạm được quy định như thế nào để từ đó phổ biến cho bố mình?

Trả lời: 

- Hành vi của ông Vĩnh là bạo lực gia đình, vì:

Điểm đ, khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định: 

 “1. Hành vi bạo lực gia đình:

... đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;...”.

Do đó, hành vi “phân biệt đối xử về giới tính” của ông Vĩnh là bạo lực gia đình. 

- Mức xử phạt cho hành vi đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính được quy định tại Khoản 1, Điều 13 Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới như sau:

“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cản trở hoặc không cho thành viên trong gia đình thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì lý do giới tính;

b) Đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính”.

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, hành vi của ông Vĩnh là bạo lực gia đình, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, mức xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Tác giả bài viết: Đào Xuân Đức (tổng hợp)

Nguồn tin: Trường THPT Quỳnh Lưu 2

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hai bên
Hai bên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây