Sắp đến mùa ôn thi Đại học, Cao đẳng, các em học sinh 12 đã chuẩn bị những gì? Thường học sinh hay làm là tăng cường học cua, ôm cua, rồi bao cua... Không phải thế, học tập là học cho chính bản thân các em. Chuyện ôm cua hay bao cua không có nghĩa là tiếp thu được kiến thức của các thầy cô giàu kinh nghiệm?
Học cái gì?
-Tự học trước tiên phải soạn ra đề cương, có trật tự theo hệ thống chương trình đã học ở lớp. Phân biệt được kiến thức trọng tâm, đâu là lý thuyết, đâu là bài tập ứng dụng.
-Tự học phải phối hợp nhuần nhuyễn cả lý thuyết và thực hành - trong thi cử người ta phân loại kiến thức lý thuyết và kỹ năng vận dụng. Tránh trường hợp học lý thuyết thấy dễ ợt, vận dụng thì không trôi, thậm chí một số câu hỏi bài tập đơn giản vẫn lúng túng, một khi phải ràng buộc thời gian!
Học ở đâu?
- Rõ ràng và khoa học, các em vẫn học từ tài liệu, sách giáo khoa, sách tham khảo, trên sườn đề cương tự soạn và cuối cùng là tài liệu ôn thi, đề thi thử, đề thi cũ.
Học lúc nào?
- Chúng ta thường ngộ nhận, phải học nhiều giờ trong ngày, học sáng, học chiều và cả đêm đến tận 23 giờ. Làm như vậy là không nên, không khoa học và không ai yêu cầu như vậy.
- Học theo thời khóa biểu, theo chương trình hiện hành. Nếu buổi sáng học 4 tiết lý thuyết theo hướng dẫn của thầy cô, thì buổi chiều học 4 tiết rèn luyện kỹ năng ở các môn tương ứng. Buổi tối học 2 tiết với các môn lý thuyết nhiều, tài liệu tham khảo, văn thơ, báo chí... là quá đủ.
- Nếu một em học sinh có năng lực thật sự, có phương pháp học tập tốt mà bảo rằng học ngày hai buổi, ngoài ra còn học cua học kèm 3 môn thi hết 6 giờ mỗi ngày nữa là hỏng bét! Với kinh nghiệm vừa làm cha mẹ vừa thầy cô, tôi đoán ngay là học sinh ấy đang lừa dối điều gì! Có thể là lấy lòng thầy cô, có thể bị lãng phí thời gian sức khỏe vì lỗi không tự tin mình.
Học như thế nào?
- Xưa sao nay vậy. Học có đề cương có thứ tự, “học phải hành”! trước tiên là soạn ra một đề cương, lúc này vừa kiểm tra lại mình đang hỏng chỗ nào. Đề cương phải bám vào chương trình đang học cho tiết kiệm thời gian dễ nhớ, và thừa hưởng tính logic của khoa học giáo dục.
- Chia thời gian biểu, vừa phải, phù hợp nhưng thật nghiêm túc. Lúc nào ôn lại lý thuyết của bài này chương này, thời lượng bao nhiêu? Phần rèn luyện kỹ năng bao nhiêu bài tập áp dụng? Các em nhớ đến với chuyên mục thi cử của Báo Giáo Dục Việt Nam, ở đó có nhiều cố vấn giàu kinh nghiệm và tâm huyết!
- Nếu gặp bài khó không giải quyết nổi thì sao? các em có thể tham khảo qua tài liệu hướng dẫn, công thức và thầy cô.
Một vài trao đổi, chúc các em ôn tập hiệu quả, thi đạt kết quả cao!