Phương pháp học tập tốt là cách thức học tập, nghiên cứu chủ động, sáng tạo để đạt kết quả cao; phương pháp học tập giữ vai trò quyết định đến hiệu quả học tập. Cho nên, người học cần thầy dạy phương pháp hơn là dạy kiến thức, với phương pháp chủ yếu là nêu vấn đề, quan điểm, ý tưởng, gợi ý các mối liên hệ giữa chúng với thực tiễn và chỉ dẫn tài liệu cần đọc; học sinh phải tự nghiên cứu, tìm đọc, phản biện để làm sáng tỏ những vấn đề đó. Người học cần khắc phục cách học khô cứng, hời hợt, chép nguyên mẫu lời thầy cô, hoặc lối nhắc lại khái niệm như một thói quen với những tư duy đường mòn, bảo thủ.
Để học tập đạt hiệu quả, người học cần tập trung tư tưởng, động não, đào sâu suy nghĩ, nắm bắt ý chính chứ không phải nhớ máy móc từng câu, từng chữ; cần chịu khó thắc mắc, nêu câu hỏi và trao đổi với bạn bè, đọc thêm sách và nghiền ngẫm, diễn đạt theo cách hiểu của mình, nhiều khi đọc một tờ báo, một quyển sách chỉ thu lượm được một ít thông tin cần thiết; có khi xem tờ báo, cuốn sách này tìm được vấn đề này, xem tờ báo khác, nhiều sách khác tìm được vấn đề khác rồi gộp, góp 2-3 vấn đề, 2-3 con số thành một tài liệu cần thiết cho mình. Kinh nghiệm cho thấy ai nắm được kỹ năng đọc hiểu người đó dễ đạt kết quả học tập cao.
Trong quá trình học tập, cần liên hệ, so sánh với bài phát biểu trước và với thực tế, hãy tự đặt câu hỏi tại sao vậy; hãy mạnh dạn phát biểu ý kiến, tham gia thảo luận, tranh luận trong tổ, lớp hoặc hướng dẫn, nói lại cho bạn bè nghe, được coi là một cách học có hiệu quả. Thực tế cho thấy nếu ta trao đổi vật chất với nhau thì tổng lượng vật chất không đổi; song, nếu trao đổi ý tưởng, kinh nghiệm với nhau thì chúng ta sẽ được một lượng ý tưởng, tri thức nhiều hơn.
Phương pháp học tập tốt đòi hỏi phải rèn luyện để có trí nhớ tốt; một trong những bí quyết là phải tập trung tư tưởng để cho óc ngừng lâu, khắc sâu về thông tin hoặc hình ảnh đó; tiếp theo cần tái hiện hoặc đọc to nhiều lần, cần tìm những từ hoặc câu quan trọng nhất của vấn đề mà mình cần nhớ, cùng mối liên hệ đồng điểm và dị điểm giữa chúng; khi có cơ hội nên sử dụng nó để khỏi quên.
Trong quá trình làm bài kiểm tra hay viết báo cáo thu hoạch hãy tổng hợp, khái quát những ý nhỏ thành ý lớn, ý chủ đạo; huy động được các ý phù hợp với các luận điểm cùng tư duy lôgic và cách diễn đạt trôi chảy. Cần học cách viết sao cho ngắn gọn, mạch lạc; muốn viết ngắn, viết hay cần có đề cương, dàn ý, cần chắt lọc tư liệu, số liệu, dẫn chứng, bảo đảm tính thống nhất lôgic; cần biết phát hiện, xử lý mâu thuẫn trong số liệu, tư liệu: "Quả tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ"; cần khắc phục cách viết tuỳ hứng: đọc đến khúc giữa thì không biết khúc đầu nói gì, đọc đến khúc đầu thì không biết khúc giữa nói gì; viết rồi cần đọc đi, đọc lại, thấy câu nào, chữ nào thừa, không phù hợp, thì sửa lại; phấn đấu mỗi ý, mỗi câu đều có đích đến.