NĂM NHÂM THÌN NÓI CHUYỆN CON RỒNG

Thứ năm - 19/01/2012 06:48
Sau 11 năm xa vắng, năm nay Rồng trở lại với mọi người theo tiếng gọi tâm linh Nhâm Thìn. Chuyện của 11 con giáp khác Rồng không bàn thêm, nhân dịp năm mới Rồng xin nói chuyện con rồng

Trong số 12 con giáp thì rồng là con vật huyền thoại. Theo quan niệm truyền thống của Trung Hoa và Việt Nam, rồng là con vật thần linh, mạnh mẽ nhất được con người ngưỡng mộ, yêu quí, tôn thờ. Chuyện con rồng cháu tiên gắn với huyền thoại Âu Cơ - Lạc Long Quân là niềm tự hào chung cho tất cả các dân tộc Việt Nam. Rồng đi vào cuộc sống của con người trong hầu hết các hoạt động sản xuất, kiến trúc, lễ hội, mỹ thuật, thậm chí cả trong miếu mạo, đình chùa… ở phương Đông, con rồng đứng đầu trong bốn loài vật tượng trưng cho sự phong lưu, sức mạnh của con người, gọi là tứ linh. Đó là Long -  Ly -  Qui -  Phượng(rồng, lân, rùa, phượng).

Trong 12 con giáp, rồng không thuộc thế giới động vật mà chúng ta có để nuôi. Xuất xứ của rồng không giống các con vật khác. Chúng ta chưa có ai gặp “con rồng” thật bao giờ, nhưng hình ảnh của con rồng thì ai cũng biết. Con rồng tương trưng cho sự cao cả, anh hùng, vĩ đại, sức mạnh phi thường. Thật ra, con rồng cũng như các con vật thần linh khác xuất hiện trong hoàn cảnh loài người chưa hiểu được các hiện tượng xảy ra trong thiên nhiên như sấm, sét, mưa bão, lụt lội và trong đời sống như bệnh hoạn, đói, rét. Khi đó con người đã tưởng tượng ra những “vị thần” có phép mầu giúp cho con người thoát khỏi mọi tai nạn và được hưởng cuộc sống thanh bình, hạnh phúc…

Thìn: Âm gốc Hán đọc là Thần, từ chỉ thời gian mở đầu buổi sáng của một ngày. Từ nghĩa đó, “thần” còn được chỉ mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Trong lịch phương Đông lấy chữ “thần” làm chi thứ năm trong 12 chi, đọc là Thìn (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn…). Trong một ngày thì từ 7 giờ đến 9 giờ là giờ Thìn.. Năm Thìn là năm ứng với con Rồng, còn chữ Thìn không có nghĩa là rồng, mà chữ rồng âm Hán Việt gọi là Long. Rồng là con vật tưởng tượng, hư cấu từ những hình tượng của những con vật có thực. Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều dân tộc có biểu tượng con rồng với nội dung khác nhau. Trong cuốn Bách khoa toàn thư sớm nhất của Trung Quốc miêu tả: “Rồng là loại động vật có vẩy, lúc ẩn lúc hiện, có thể nhỏ có thể to, có khi ngắn có khi dài, mùa xuân thì bay lên trời, thu đến thì chìm sâu dưới nước…”. Sách Sơn Hải kinh viết: “Thần rồng mở mắt là ngày, nhắm mắt là đêm, thở là mùa hạ, thổi là mùa đông, không uống, không ăn, không thở, hễ thở thì thành gió, thân dài nghìn dặm, mình rắn, có chân…”. Rõ ràng rồng chỉ là con vật thần kỳ do con người tưởng tượng ra. Xuất sứ của rồng còn nhiều bí ẩn. Các nhà nghiên cứu đến nay đều cho rằng rồng là vật bắt nguồn từ tô tem rắn xưa kia. Rồng chính là con rắn, “rắn thêm bốn chân thú, đầu ngựa, đuôi linh cẩu, sừng hươu, móng chó, vẩy và râu cá…”. Con rồng chuyển hoá, tượng trưng cho quyền uy tối thượng. Chỗ ở của vua gọi là “long cung”, giường vua ngủ là “long sàng”, mình vua là “long thể”, mặt vua là “long nhan”, áo vua mặc là “long bào” thêu con rồng năm móng… Trong dân gian, rồng tượng trưng cho linh thiêng và điềm lành. Năm rồng là năm đại cát, ai tuổi rồng thì sẽ thành đạt, vẻ vang. “Mả táng hàm rồng” là ý chỉ người nào đó có hồng phúc. Hình tượng con rồng có muôn vàn dáng vẻ, mầu sắc rực rỡ, không những thấy trong thơ ca, tiểu thuyết, hội hoạ, đồ mỹ nghệ, điêu khắc, kiến trúc chùa chiền, cung điện qua các thời đại mà còn đi sâu vào phong tục tập quán dân gian. Những ngày lễ, tết, hội hè đều có hình bóng con rồng.

Theo các nhà khoa học, hiện nay có một số loài thằn lằn hình thù giống như con rồng thần thoại nên được gọi là rồng, phân thành bốn loại: Rồng đất, rồng bay, rồng Kômôđô và rồng châu Uc.

@ Rồng đất.Thuộc họ kỳ nhông. Khi gặp người hoặc các con vật khác thì rồng đất đứng ngẩn tò te (vì vậy đồng bào miền núi gọi là con tò te), giương vây, cong đuôi lên doạ nạt. Rồng đất Việt Nam dài 40 – 50 cm, hình dạng giống con tắc kè. Lưng có hàng gai chạy dài mút đuôi, chân rồng rất cao, có năm móng sắc. Khi doạ nạt đối phương, rồng đất đứng khuỳnh chân, giương toàn bộ vây gai lên, miệng banh ra như những hình con rồng chạm trổ trên các đình chùa cổ đã được cách điệu. Rồng đất ăn sâu bọ, có ích cho nông nghiệp. Nó có mặt ở nước ta từ Bắc tới Nam và một số nước Đông Nam A.

@ Rồng bay: Tắc kè bay. Là một loại thằn lằn nhỏ 20 – 40 cm. Sống trong rừng, kiếm ăn trên cây, ngủ trong hốc cây, có hai nếp da hai bên thân, khi nghỉ trên cành cây cánh da này cụp vào không nhìn thấy. Khi gặp nguy hiểm, rồng bay bò rất nhanh trên cây để trốn, bất đắc dĩ nó mới nhẩy để “bay” sang thân cây khác, khoảng bay có thể đến 30 m. Dọc dẫy Trường Sơn có nhiều rồng bay loại này.

@Rồng Kômôđô: Là loại kỳ đà khổng lồ hiện còn tồn tại ở đảo Kô-mô-đô (Inđonexia). Thân nó dài 3 – 4 m, nặng 150 kg (kỳ đà ở ta chỉ dài 1,6 m, nặng khoảng 20 kg). Rồng Kômôđô sống trong rừng rậm, gần bờ đảo, làm tổ trong khe đá hoặc hốc cây. Rồng Kômôđô là sát thủ của ngựa, hươu, lợn rừng, khỉ. có khi chúng tập trung năm, bẩy con để tấn công, ăn thịt cả trâu, bò. Tuy nhiên Kômôđô ăn cả những động vật nhỏ như rắn, thằn lằn, cá và cả côn trùng. Rồng Kômôđô là là một loài động vật quí, hiện nay số rồng Kômôđô còn khoảng 400 – 500 con.

@ Rồng Úc châu: Là loài thằn lằn lớn, dài tới 90 cm. Hình dạng nó giống như con rồng đất, quanh cổ có lớp da phủ kín vai như chiếc lá sen, có que xương như gọng ô, lúc gặp nguy hiểm nó giương gọng lá sen lên như cái dù, há miệng đen ngòm đến nỗi chó săn cũng phải khiếp. Tuy vậy rồng Uc châu rất hiền, chủ yếu ăn sâu bọ, trứng chim. Kiến là món khoái khẩu nhất của loài rồng này.

Rồng trong đời sống tâm linh con người. Rồng không chỉ là huyền thoại về dòng giống của người Việt mà còn là biểu tượng của thủ đô nước ta. Theo sử biên niên, ngày sáng lập ra triều đại nhà Lý thì có con rồng xuất hiện nên thủ đô có tên là Thăng Long. Rồng không những là biểu tượng của vua, của sự thiêng liêng, rồng còn là biểu tượng của thân hình đất nước: Từ Bái Tử Long, Hạ Long, Bạch Long Vĩ, qua Thăng Long đến Cửu Long. Mường tượng đất nước Việt Nam như một con rồng thì khúc đầu là miền Bắc, khúc giữa là miền Trung, khúc đuôi là Nam bộ.

Tuy rồng là biểu tượng của mạnh mẽ nhưng cũng mang tính chất hung dữ. Vòi rồng là luồng gió xoáy có sức mạnh phá hoại ghê gớm, có thể cuốn hút các vật nặng hàng tấn, quăng xa vài trăm mét như đàn trâu bò, ô tô, toa tầu… Trong sản xuất nông nghiệp người xưa tin rằng rồng đen lấy nước thì được mùa, rồng trắng lấy nước thì báo điềm hạn hán (Rồng đen lấy nước được mùa. Rồng trắng lấy nước thì vua đi cầy). Thực ra đó chỉ là hiện tượng thiên nhiên. Khi vòi rồng hút nước có mưa lớn, do phản quang ánh sáng mặt trời tạo thành một giải đen. Còn rồng trắng lấy nước thì không phải là vòi rồng mà do cơn giông gió xoáy tạo ra do mây trắng cuộn lại như một cái vòi chứ không có mưa. Năm nào thấy rồng trắng là năm hạn hán, khô cằn.

Vị thuốc mang tên rồng. Thực ra rồng là con vật không có thật nên các phần cơ thể của nó không thể có tác dụng y học như những con vật khác (lợn, chó, trâu, khỉ…). Nhưng do tính linh thiêng, mạnh mẽ của rồng mà người ta dùng nó để đặt tên cho nhiều vị thuốc đặc biệt. Long nhãn (mắt rồng), là cùi nhãn phơi khô, sấy khô. Long nhãn là vị thuốc bổ chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ, tim hay hồi hộp… Ban long (cao ban long): Sự thật cao ban long là thứ cao nấu từ sừng hươu sao (hươu có đốm sao nên goi là ban long (rồng đốm). Cao ban long là loại thuốc bổ quí rất tốt cho những người gầy yếu, cơ thể suy nhược, ho lao, chẩy máu dạ dầy, đi tiểu nhiều, mồ hôi trộm… Địa long (rồng trong đất), là vị thuốc chế từ giun đất, đem rửa sạch, mổ bụng, sấy khô, tán bột hoặc sắc lấy nước uống. Địa long chữa sốt rét, cao huyết áp, xo cứng mạch máu, nhức đầu, hoa mắt… Long y (áo của rồng), chính là xác con rắn lột được dùng chữa trẻ con lên cơn co giật, đau họng, làm thuốc sát trùng bôi chữa ghẻ lở… Ô long vĩ (đuôi rồng đen), thực ra ra bồ hóng đen dính mạng nhện trên gác bếp đun bằng rơm rạ. Ô long vĩ là vị thuốc sát trùng, hay dùng trong những trường hợp đứt cân đứt tay, chầy xước chẩy máu. Long não (óc rồng),  chất mầu trắng, óng ánh, cất từ cây, lá, rễ của cây long não. Là vị thuốc trợ tim, xoa bóp chữa đau nhức, thấp khớp, bôi xoa sát trùng…  Phục long can (gan rồng, là vị thuốc chế từ đất giữa lòng bếp (bếp đun củi đặt trên nền bếp). Phải chăng vì đát ấy mầu vàng như gan nên gọi là phục long can. Thuốc này tác dụng chữa băng huyết, thổ huyết, tiểu tiện ra huyết, nôn oẹ… rất công dụng.

Những vùng đất mang tên rồng. Vùng đất mang tên rồng cổ nhất nước ta là Long Đỗ. Long Đỗ ở bên tả ngạn sông Hồng. Bên hữu ngạn thì có Long Biên. Khi nước nhà chưa độc lập, trung tâm sinh hoạt của dân tộc cũng chỉ quanh quất ở vùng đất rồng này. Đến khi nước nhà cường thịnh Lý Công Uẩn dời đô về đây và đặt tên thủ đô là Thăng Long, phản ánh khí thế hào hùng của dân tộc.

Mở đất vào Nam, người Việt nhớ đến cội nguồn cũng đem chữ “Long” đặt tên cho chợ, cho phố, cho làng xã của Mình. Thừa Thiên có chợ Kim Long, chợ Long Hổ; Quảng Ngãi có chợ Long Tử; Bình Định có chợ Long Hương. Mạn Tiên Yên (Quảng Ninh) có núi Long Tu, trong núi có nhiều cỏ long tu (cỏ râu rồng) sống lâu năm, làm thuốc. Đồ Sơn (Hải Phòng) có núi Cửu Long hình con rồng chín khúc. Ngoài vịnh Hạ Long có ngọn đèn biển trên đảo Long châu Không đêm nào tắt.  Núi mang tên lâu đời nhất của ta có lẽ là Long Đọi ở Duy Tiên (Hà Nam), có tích truyện vua Lê Đại Hành từ kinh đô Hoa Lư ra đây cầy ruộng tịch điền (ruộng của vua), mở đầu cho công việc đồng áng. Nhưng không núi nào nổi danh bằng núi Hàm Rồng ở Thanh Hoá, đứng sừng sững, hùng vĩ trên hai bờ sông Mã, lừng lẫy khắp thế giới với ngót trăm máy bay phản lực đủ kiểu của Mỹ bị hạ. Rồi Hà Tĩnh có núi Long Tường, núi Long Mã Phụ Đồ hình yên ngựa. Miền Tây Quảng Bình có Thanh Long là ngọn núi cao xanh biếc, núi Long Tị bên bờ sông Gianh, núi Phúc Long dọc sông Nhật Lệ. Tại Quảng Ngãi, chỉ một huyện đã có ba ngọn núi tên rồng: Lạc Long, Long Phượng, Long Cốt. Bình Định có núi Hàm Long. Hà Tiên có núi Dương Long. Biên Hoà (Đồng Nai) có núi Long ẩn).

Núi mượn tên rồng là biểu hiện sự uy nghiêm. Nhưng các dòng sông, suối mới là hình tượng con rồng thân thuộc, kỳ vĩ trang nghiêm, gần gũi trong tâm thức con người. sông Hoàng Long (Ninh Bình) là con sông cổ nhất mang tên rồng. Long Môn là một đoạn của sông Đà chẩy qua núi Long Môn có cửa đá chắn ngang, chia nước thành ba dòng đổ xuống thành thác. Đất Nam bộ thì tên sông, tên bãi có chữ “long” khá nhiều và đều là sông lớn, bãi to cả. Chính sông Đồng Nai có tên chữ là Phước Long, tỉnh nó chẩy qua là tỉnh Phước Long. Đồng Tháp có bãi lớn Long Sơn do sông Tiền giang bồi lên địa phận Tân Châu, Hồng Ngự. Xuống một đoạn nữa là Long ẩn có bãi Long ẩn. Xuống tiếp có sôngLong Phương chẩy thông với sông Sa Đéc, đoạn chẩy về Vĩnh Long, quanh co giữa những thôn, bãi trù phú nên gọi là Long Hồ. Và Hậu Giang cũng là một con rồng lớn chẩy qua tỉnh Long Xuyên về Hậu Giang. Nhánh sông Hậu với sông Tiền đổ ra biển Đông bằng chín dòng sông nhánh qua chín cửa, tất cả cộng lại bề ngang rộng 20 km, rộng hơn nhiều eo biển trên thế giới. Trước cảnh sông nước mênh mông bao la hùng vĩ ấy, ông cha ta đã không ngần ngại đặt cho những nhánh hạ lưu sông Mê Kông trên đất nước ta là Cửu Long Giang (sông chín rồng).

Một trong những địa danh Việt Nam được nhiều người trên thế giới biết đến là vịnh Hạ Long. Vịnh Hạ Long nổi lên gần một nghìn hòn đảo đủ hình đủ dạng, trông như một khúc rồng vừa hạ xuống nước. Phía đông của Hạ Long có vịnh có Bái Tử Long (rồng con lạy mẹ). Phía tây nam  có đảo Phù Long (nay là đảo Cát Bà). Ngoài khơi tỉnh Quảng Ninh có quần đảo Bạch Long Vĩ (đuôi rồng trắng). Từ Sa Vĩ nơi địa đầu Tổ quốc, bờ biển của chúng ta dải trên 3200 km, trước thì lõm vào thành vịnh Bắc Bộ, kế phình ra ở Trung và nam Trung Bộ, rồi uốn mình về phía tây nam cho đến mũi Cà Mau, sau cùng lại lượn lên phía bắc đến Hà Tiên, Phú Quốc thành hình chữ S hoàn chỉnh như một con rồng uốn lượn, khiến có người nước ngoài gọi Việt Nam là Long Quốc. Ngành đường thuỷ nội địa Việt Nam quản lý hàng ngàn con sông, con suối. Đó là một động sản to lớn, góp phần làm giầu đẹp cho Tổ quốc bằng những giá trị lưu thông, vật chất và làm nên cả một kho tàng văn nghệ dân gian bằng hình tượng con rồng trong thơ, văn, tranh ảnh, đồ mỹ nghệ, âm nhạc, ca, múa dân gian, …

Rồng trong thành ngữ tiếng Việt. Con rồng khiến người ta tưởng tượng ra nhiều hình tượng độc đáo và thể hiện ra bằng tranh vẽ, truyện kể, điệu múa (múa Lân), đặc biệt là trong ca dao, thành ngữ Việt Nam. Một số câu quen thuộc như: “Gái ngoan lấy được chồng khôn. Cầm như cá vượt vũ môn hoá rồng”; “rồng đến nhà tôm”; “ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo”; “con rồng cháu tiên”; “như mây gặp rồng”;vv…

Con rồng trong lịch sử thế giới và Việt Nam.

Một số danh nhân thế giới sinh năm rồng:

- J.Rut-xô: Nhà văn Pháp: 1712.

- Ăng-ghen: Nhà triết học Đức: 1770.

- A.M.Gooc-ki: Đại văn hào Nga: 1868.

- F.Mit-tơ-răng: Nguyên Tổng thống Pháp.

Những nhân vật tuổi Thìn trong lịch sử nước ta.

- Phan Đình Phùng:Giáp Thìn (1844 – 1895). Đỗ Đình nguyên làm quan Ngự sử. Lãnh tụ cần vương

chống Pháp (khởi nghĩa Hương Sơn ngót 10 năm).

- Trần Phú (1904 – 1931): Tổng bí thư đầu tiên của Đảng cộng sản Đông Dương.

- Đào Duy Anh: Giáp Thìn (1904 – 1988). Nhà sử học, học giả, tác giả Hán – Việt tự điển  và nhiều công trình nghiên cứu lịch sử.

- Nguyễn Lương Bằng: Giáp Thìn (1904 – 1979). Nhà cách mạng, năm 1969 là Phó Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.

- Lê Văn Linh: Bính Thìn (1376 – 1447). Khai quốc công thần nhà Lê, được phong đến chức Thái phó.

- Phan Thanh Giản: Bính Thìn (1796 – 1867). Tiến sĩ đầu tiên ở Nam Bộ, đi sứ Pháp về làm Kinh lược sứ ở Vĩnh Long. Bị Pháp ép để mất ba tỉnh miền tây uống thuốc độc tự tử.

- Xuân Diệu: Bính Thìn (1916 – 1985). Nhà thơ tiêu biểu, nhà bình luận văn học sâu sắc.

- Nguyễn Thượng Hiền: Mậu Thìn (1628 – 1715). Đỗ Hoa giáp, làm đốc học, bỏ quan tham gia phong trào Đông du với Phan Bội Châu. Cuối đời đi tu và mất ở Trung Quốc.

- Nguyễn Phan Chánh: Mậu Thìn (1892 – 1984). Hoạ sĩ nổi tiếng về tranh lụa.

- Mạc Đĩnh Chi: Canh Thìn (1280 – 1350). Trạng nguyên, làm quan đời Trần, nổi tiếng liêm khiết, có tài văn hoạc. Đi sứ sang Trung Quốc được phong là Lưỡng quốc trạng nguyên.

- Trương Định: Mậu Thìn (1760 – 1864). Chỉ huy nghĩa binh chống Pháp ở Nam kỳ, không chấp nhận Hoà ước cho Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông, được dân tôn là Bình Tây Đại nguyên soái.

- Nguyễn Quang Bích: Nhâm Thìn (1832 – 1890). Đỗ Hoàng Giáp, kiên quyết chống Pháp, hưởng ứng Cần Vương, lãnh đạo phong trào kháng chiến ở Bắc kỳ.

 

- Năm Mậu Thìn (248) là ngày mất của nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.

- Năm Mậu Thìn 1428: Bản Bình Ngô đại cáo do Nguyễn Trãi soạn thảo ra đời.

                                                                              

                                                                                                                                                Theo 12 con giáp NXB Hội Nhà văn 1998

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Hai bên
Hai bên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây