Hồ Chí Minh - hiện thân của những đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư

Thứ bảy - 10/05/2014 12:27

Bác sống tiết kiệm đến mức khắc khổ để làm gương cho chúng ta. Bữa cơm của lãnh tụ không có gì khác bữa cơm của người dân thường: Có cà muối (Bác khen quả cà xứ Nghệ quê Bác ngon lắm), rau muống nấu với tương gừng, cá bống kho”. Bác nói món ăn dân dã như vậy là tiết kiệm cho dân, vì mỗi đồng tiền bát gạo mà chúng ta tiêu dùng là mồ hôi nước mắt của dân, thương dân phải tiết kiệm, lãng phí là không thương dân, tham ô là có tội với dân.

Ở chiến khu Việt Bắc thấy Bác rất gầy, thương Bác, mấy chiến sĩ phục vụ rủ nhau lên rừng bắt chim, xuống suối câu một vài con cá để buổi tối về nấu bát canh Bác ăn. Trên đường về, anh em tạt vào nhà dân thấy măng ngon không hỏi, không xin, không mua, bẻ luôn một bó mang về. Gặp Bác, Bác hỏi: “Chú đi đâu mà lấy được lắm măng thế”, mấy chiến sĩ phục vụ nói dối: “Thưa Bác chúng cháu bẻ trong rừng, nhiều lắm”. Bác bảo đưa Bác xem. Xem xong Bác bảo: “Măng này là măng trồng của nhà người ta đấy chứ. Bác cho chú mấy đồng bạc đến tận nơi trả tiền cho dân, xin lỗi người ta, lần sau đừng thế nữa”. Bác không nặng lời, chỉ ôn tồn, dịu hiền như một người mẹ, nhưng rất nghiêm. Các chiến sĩ phải nghe lời Bác, quay lại chỗ bẻ măng để tìm nhà xin lỗi, trả tiền cho dân. Biết được ngọn ngành, đồng bào khóc thương Bác Hồ. Họ biết rằng có người như Bác đứng đầu Chính phủ mà dạy bảo cán bộ như vậy thì hồng phúc cho dân nên mừng lắm, không những không lấy tiền của Bác mà còn giữ cán bộ lại bẻ thêm một bó nữa đem về biếu Bác. Sau này, trong bài báo  “Dân vận” của Bác có câu: “Dân vận đúng và khéo việc gì cũng xong, dân vận kém và dở việc gì cũng hỏng” là như vậy.

Trong cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh có một chi tiết chúng ta phải lưu ý, trong hồ sơ lý lịch của Bác, nhất là thời quốc tế cộng sản yêu cầu khai lý lịch ra nước ngoài nghề nghiệp, làm gì, Bác chỉ ghi, làm chính trị. Bác nhận mình là một nhà chính trị chuyên nghiệp (chính trị là lo độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho đồng bào). Một người tự nhận mình là một nhà chính trị chuyên nghiệp 60 năm hoạt động vì dân vì nước đến giờ phút ra đi mà trên ngực áo của Bác không có một tấm huân chương!. Huân chương Lê-nin là phần thưởng cao quý nhất mà Chính phủ Liên Xô tặng thưởng cho Bác, nhưng Bác điện cảm ơn và từ chối: "Đây không phải là phần thưởng riêng cho cá nhân tôi, đây là tự hào chung của dân tộc Việt Nam mà chúng tôi đang chiến đấu cho nên tôi xin đề nghị các đồng chí (tức là Đảng cộng sản Liên Xô) hoãn ngày trao phần thưởng đó lại, đợi khi nào miền Nam được giải phóng, cách mạng của chúng tôi thắng lợi, Tổ quốc hai miền thống nhất, tôi xin đi thăm Liên Xô để cám ơn và thay mặt nhân dân đón nhận phần thưởng cao quý đó". Khi Quốc hội tặng thưởng Bác Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Việt Nam, Bác cũng từ chối, Bác nói là tấm huân chương này người xứng đáng trước hết là bác Tôn, để dành tặng bác Tôn Đức Thắng (người sau này thay Bác làm Chủ tịch nước), còn với Bác thì hoãn lại, đợi khi nào thống nhất đất nước, đồng bào miền Nam thay mặt cả nước gắn huân chương cho Bác cũng chưa muộn! Đời Bác còn có 2 tấm thẻ Đảng, Bác đã sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam và đồng sáng lập Đảng cộng sản Pháp từ năm 1920 - lúc Bác mới có 30 tuổi. 30 tuổi Bác từ người dân một xứ thuộc địa trở thành lãnh tụ sáng lập ra Đảng cộng sản ở chính quốc.

Bác Hồ ứng xử văn hóa rất tinh tế. Bác là nhà giáo, dù Bác dạy rất ngắn ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) nhưng Bác để lại những chỉ dẫn về giáo dục rất sâu sắc. Biết ứng xử văn hóa, tinh tế, vì Bác có một trái tim bao dung như trời biển, đồng thời có sự  hiểu biết thông thái ở tầm văn hóa thế giới. Bác sửa lỗi cho ai chỉ sửa một lần, không nói nhiều, lấy hành động làm gương. Câu hay nhất trong những câu Bác viết về đạo đức và về văn hóa là: "Sông sâu, bể rộng bao nhiêu nước cũng vừa, chỉ sợ mình không có lòng bao dung, nhân ái chứ không sợ người ta không theo được. Đem lòng bao dung để mà thu phục con người". Ta xem Bác "trị bệnh", sửa chữa khuyết điểm cho từng người một, trước hết thanh niên. Thanh niên là lớp người tuổi trẻ, nhưng dễ nông nổi do thiếu kinh nghiệm, thường hay mắc nhiều khuyết điểm. Một trong những khuyết điểm ấy là bệnh ba hoa. Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" Bác dành cả một chương để viết về cách chữa bệnh ba hoa. Chuyện kể rằng, khi Bác đi câu cá ở bờ suối, đồng chí cảnh vệ đi bảo vệ Bác cùng ngồi câu cá với Bác, được con nào hai Bác cháu bỏ chung vào một cái giỏ. Chiều tối Bác bảo đem về nhà bếp để các cô, các chú làm cơm Bác cháu cùng ăn cho vui. Vào nhà bếp thấy mấy em gái cấp dưỡng xinh xắn anh bạn trẻ bắt đầu tán, quên hết cả lời Bác, anh ba hoa: "Tặng cho em giỏ cá đầy anh câu suốt từ sáng đến giờ, Bác đi chơi chứ Bác có câu đâu". Chuyện đó có thể cho qua được vì là thanh niên nhưng mà phải chữa, nếu không chữa thì lâu dần sẽ thành thói xấu, là nói không đúng sự thật. Nếu là người nóng nảy, vội vã mắng mỏ thì có khi hỏng chuyện. Nhưng cách ứng xử của Bác thì khác. Hôm sau Bác vẫn đi câu bình thường như không có chuyện gì xảy ra cả. Câu được con nào Bác bấm luôn đuôi đánh dấu. Bác bảo hôm nay Bác hơi mệt, chú cho Bác về sớm. Anh thanh niên tưởng thật đưa Bác về, trên đường về thấy một bãi cỏ rộng bằng phẳng, Bác bảo nghỉ một lát cho đỡ mệt đã để chia cá. Bác vào chuyện rất tự nhiên"Chẳng biết hôm nay câu có được nhiều hơn hôm qua không, hay là hai Bác cháu mình thử chia xem sao, con nào của Bác, Bác đánh dấu rồi đấy còn lại chắc là của chú". Không mắng mỏ nhưng Bác vừa nói vừa nhìn chằm chằm vào mặt chiến sĩ và tủm tỉm cười. Anh chiến sĩ có tật giật mình, mặt mũi đỏ dừ nghĩ lại chuyện hôm qua thì lòng dặn lòng lần sau sẽ không dại mồm dại miệng như thế! Lần Bác sang thăm Cộng hòa dân chủ Đức, trong chương trình Bác đến thăm sứ quán Việt Nam. Đồng chí đại sứ tiếp Bác, trò chuyện báo cáo công việc xong mời Bác ở lại dùng cơm với cơ quan. Bác vui vẻ nhận lời. Bác khen các cô các chú ở sứ quán làm cơm cho Bác ăn ngon lắm, rất hợp khẩu vị. Biết Bác là người xứ Nghệ, anh em chuẩn bị cho Bác quả ớt cay - đồ gia vị Bác thích. Đồng chí đại sứ sướng quá buột miệng: "Thưa Bác, ớt chúng cháu tăng gia đấy ạ" để khoe với Bác. Bác ở nước ngoài 30 năm, biết rõ châu Âu lạnh như thế lấy đâu ra ớt cay! Bữa cơm vừa xong, Bác cầm luôn tay vị đại sứ: "Bây giờ chú đưa Bác đi thăm vườn ớt của chú được không?". Không ngờ Bác kiểm tra, vị đại sứ xấu hổ quá lúng túng. Để xóa tan bầu không khí mặc cảm đó, Bác bảo: "Thôi Bác biết rồi, lần sau chú rút kinh nghiệm. Việc đến đâu thì chú nói đến đó thôi, đừng nói quá lên như vậy" Nhớ đời câu ấy, nên khi nghỉ hưu, đồng chí đại sứ viết sách kể lại câu chuyện về Bác Hồ trong bữa cơm đáng nhớ ấy.

Là lãnh tụ của dân cho nên Bác rất chú trọng việc gần dân. Bác thường xuyên xuống cơ sở. Bác xuống xã nhiều lắm và không báo trước. Bố trí cho Bác đi một đằng, Bác đi đường khác, bố trí đến điểm này, Bác đến điểm khác. Bác muốn biết sự thật nếu báo trước sợ người ta bố trí mất. Cũng có khi Bác về đúng nơi đã bố trí để so sánh sai hay đúng, thật hay giả như thế nào. Một lần Bác về một hợp tác xã là lá cờ đầu trong trồng trọt và chăn nuôi. Bác nghe đồng chí chủ nhiệm HTX báo cáo thành tích rất say sưa. Bác nghe xong không nói gì đến từng luống đất nhổ cây lên, giờ Bác bảo: "Các chú mới cắm hoa đón Bác, trồng trọt gì mà cây không có rễ héo cả thế này, có khôn mà không có ngoan, mới buổi sáng nó còn tươi, Bác đến cây đã héo cả". Đánh trống lảng, chủ nhiệm HTX  đưa Bác vào trại chăn nuôi, Bác hỏi: "Các chú nuôi thật hay lại mượn lợn của nhà dân?". Chưa kịp thanh minh gì cả Bác kết luận ngay: "Bắt ngay những con vừa nhảy ra khỏi chuồng  không thì dân họ bắt đền cho. Nếu các chú nuôi thật thì sao nó lại cắn nhau, vì nó lạ đàn mới thế". Là lãnh tụ nhưng bác vẫn thấu hiểu công việc nhà nông. Bác bảo: Phải rút kinh nghiệm, lần sau có muốn Bác đến thăm nữa thì phải nhớ làm ăn cho tử tế chứ làm ăn dối trá như vậy không tốt, dân họ oán họ ghét.

Thái Bình là tỉnh được Bác về thăm 5-6 lần, lần nào cũng về lúc khó khăn, đê vỡ, lũ lụt, nhà dân chìm trong nước, trời tối mưa tầm, mưa tã. Bác dặn dò mọi người phải làm mọi việc để cho dân không bị đói kém, không bị tai nạn, sơ tán dân ở những chỗ đê vỡ. Tỉnh ủy thương Bác, sợ Bác bị cảm lạnh mời Bác lên xe để về thị xã kẻo trời tối. Bác nấn ná mãi mới lên xe về thị xã. Địa phương mời Bác dùng cơm, nhưng Bác không ăn. Bác nói: "Đi thăm tỉnh lũ lụt mà còn ăn uống gì nữa, Bác không ăn, chú nào đói thì ăn đi, Bác có cơm nắm, bánh mỳ rồi". Bác về thăm Thái Bình lần cuối cùng trước khi mất, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mang quà của tỉnh tặng Bác. Gọi là quà nhưng mà thật ra chỉ có 2 túi gạo (mấy cân gạo tẻ, mấy cân gạo nếp) quà đặc sản của quê hương. Bác khen là gạo này ngon lắm khiến mọi người rất vui nhưng lại rất ngạc nhiên vì Bác trả tiền đúng bằng tiền của mấy cân gạo thời bao cấp. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy không hiểu ý Bác, đứng lên ngăn  lại và nói một câu rất chân thành: "Thưa Bác, quà của Tỉnh ủy biếu Bác có đáng là bao, Bác nhận cho anh em vui. Sao Bác lại trả tiền, Bác đừng làm thế". Không ngờ Bác bảo: "Các chú ở Tỉnh ủy mà cũng làm được gạo à? Bác tưởng các chú chỉ ăn gạo của dân thôi chứ. Bác trả tiền đâu có trả cho các chú, Bác trả cho dân chứ. Nếu các chú không nhận tiền của Bác lại cứ giục Bác mang gạo về thì có khác nào xui Bác tham ô". Chỉ một chi tiết này, Bác đã để lại bài học không nhỏ cho mỗi chúng ta.

Tác giả bài viết: Anh Tuấn (St)

Nguồn tin: Đoàn Trường THPT Quỳnh Lưu 2

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hai bên
Hai bên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây