Hồ Chí Minh - Hình ảnh đẹp nhất của dân tộc Việt Nam

Thứ bảy - 10/05/2014 12:16

 

.
 Bác Hồ có một cuộc đời gian lao, sóng gió, đau khổ từ tuổi ấu thơ. 10 tuổi đầu đã mồ côi mẹ. Mẹ Bác -  bà Hoàng Thị Loan sống có 33 tuổi, bà nội của Bác 32 tuổi đã mất. Mẹ Bác chết ngay trên khung cửi làm nghề dệt lụa, dệt vải để nuôi chồng, nuôi con ở Huế. Khi mẹ mất bố không có ở đó, chị gái của Bác là bà Nguyễn Bạch Liên (bí danh là bà Thanh), anh trai của Bác là ông Nguyễn Tất Đạt (bí danh là ông Cả Khiêm) đều không có ở đấy, chỉ có Bác 10 tuổi đầu thơ bé với em nhỏ còn đang tuổi bú sữa mẹ bế trên tay, Bác phải nhờ vả bà con, cô bác hàng xóm làm tang lễ cho mẹ cho nên ta hiểu tại sao ấn tượng về người phụ nữ, về người mẹ trong lòng Bác sâu đậm đến như vậy.
Lúc sinh thời Bác ưa 2 loài hoa: Hoa hồng đỏ và hoa huệ. Hoa huệ gắn với một kỷ niệm rất riêng tư của Bác. Tên loài hoa trùng với tên của một người con gái xinh đẹp đó là Lê Thị Huệ - người yêu của Bác hồi 20 tuổi (đây là mối tình thầm lặng không ai nói với ai một câu nào, kể cả khi Bác bước chân xuống bến cảng Nhà rồng). Bác đi 30 năm không tin tức, không thư từ cả hai người yêu nhau trong trái tim  không một lời hẹn ước. Ở nhà bà Huệ không lấy ai, không yêu ai rồi tuổi xuân cứ qua đi, cuối cùng cụ sống ở thành phố Sài Gòn và sau giải phóng gọi là thành phố Hồ Chí Minh. Cụ vào một ngôi chùa yên tĩnh, vắng lặng xuống tóc đi tu và mất ở miền Nam.  Mẹ mất ở Huế, bố nằm lại ở Cao Lãnh Đồng Tháp, người bạn gái ở miền Nam nên bây giờ ta mới hiểu câu Bác nói “miền Nam luôn luôn ở trong trái tim tôi” là một câu đa nghĩa, ta chỉ hiểu có một nghĩa đấy là đồng bào miền Nam đầu sóng ngọn gió, đi trước về sau, Bác rất thương đó là lẽ đương nhiên. Miền Nam còn có một phần riêng tư của Bác nữa, điều này mới hợp lô gích. Miền Nam là tất cả chung riêng hoà hợp thành một trong trái  tim Bác.
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nói với Bác Hồ khi tiễn Bác xuống bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước: “Đừng bi lụy về việc gia đình, con hãy đi, con phải có trí lớn, tài cao. Con hãy đi tìm chân lý dưới chân mình”. Trong cuộc hành trình 30 năm tìm đường cứu nước, Bác Hồ luôn tự học Bác dành từng ly cà phê nhỏ cho người thủy thủ nước, ngoài để họ dạy Bác tiếng Pháp và Bác dạy lại cho họ tiếng Việt; Bác làm việc trong hầm lò với công việc bồi bàn, phụ bếp, nhặt rau, đốt lò, rửa chảo nặng nhọc như vậy nhưng đêm khuya vẫn thức để học dưới ánh trăng, ánh đèn vàng vọt của boong tàu, cuối cùng trở thành danh nhân văn hóa. Đại văn hào Pháp Vichto-Huygô -tác giả của cuốn tiểu thuyết “Những người khốn khổ” nói: “Trước một trí tuệ uyên bác tức là thông thái thì tôi cúi đầu bái phục còn trước một nhân cách cao cả thì tôi quỳ gối tôn thờ”. Bác Hồ có cả hai điều đó trí tuệ uyên bác thông thái và nhân cách cao cả, vĩ đại. Trong bức điện  chia buồn với Đảng và nhân dân ta trước tổn thất không gì bù đắp được – Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Phiđen Castro viết:  “Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc về một lớp người đặc biệt mà cái chết lại gieo mầm cho sự sống đời đời bất diệt, thể xác thì hữu hạn nhân cách thì trường tồn”. Một học giả nước ngoài để suốt cả cuộc đời nghiên cứu tiểu sử các vĩ nhân  nói “Hồ Chí Minh là hình ảnh tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam”. Chúng ta cũng có một câu như vậy nhưng rất là dân dã: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen. Nước Nam đep nhất có tên Bác Hồ” đánh giá là Hồ Chí Minh là hình ảnh tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam, trong con người Hồ Chí Minh có phẩm chất của thánh, đức chúa Giêsu bao dung, độ lượng, vĩ đại, bác ái, lại có tâm của nhà phật “Vô ngã vị tha, từ bi hỉ sả”, “cứu một người phúc đẳng hà sa”. Bác không chỉ cứu một người mà Bác cứu cả dân tộc, cho nên có cái tâm của nhà phật là đúng.
30 năm ở nước ngoài, khi về nước Bác không quên đặt tên núi Các Mác và suối Lênin ở Pắc Bó - Cao Bằng. Một người rất hiện đại như vậy, một người cộng sản đích thực, một nhà Mácxít sáng tạo như vậy mà lại đích thân vẽ tượng phật trên vách núi để cho dân thờ, điều này chứng tỏ Bác là hòa hợp tất cả đông tây, cả hiện đại lẫn truyền thống. Bác đặt cả Phật, cả thánh, cả Mác, cả Giêsu, cả Tôn Giật Tiên ngồi chung với nhau, hài hòa miễn là đem lại những gì tốt đẹp nhất cho dân tộc. Cho nên họ đánh giá về Bác như vậy là rất đúng. Bác có phẩm chất của Thánh, có tâm của nhà Phật lại có trí tuệ của Các Mác và Lênin, có tâm hồn của Nguyễn Trãi và Nguyễn Du, có đầu óc thiết thực của Tôn Trung Sơn (Tôn Trung Sơn tức là Tôn Giật Tiên). Bác chọn suốt cả đời mình chỉ có ba giá trị: Độc lập, tự do, hạnh phúc. Dường như bao nhiêu điều tốt đẹp của thế giới và của dân tộc hội tụ lại trong con người Bác, kết tinh trong Bác để qua Bác thăng hoa cho cả dân tộc Việt Nam. Bác vạch ra một thời đại mới cho Việt Nam - thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nói Bác Hồ có tâm hồn Nguyễn Trãi, Nguyễn Du ta mới hiểu tại sao ngày viết Di chúc đầu tiên ngày 15-5 (Bác tự đánh máy chữ,  đề sẵn một bên là tên  đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Thứ nhất Ban chấp hành Trung ương chứng kiến đây là tài liệu quan trọng của Đảng, bên này Bác ký là Hồ Chí Minh đề là ngày 15-5-1965) xong rồi Bác ung dung gấp bản Di chúc lại đưa cho đồng chí Vũ Kỳ giữ và Bác đi về Chí Linh, Côn Sơn (Hải Dương). Nơi ấy có một cánh rừng thông rất đẹp có rất nhiều tấm bia mộ cổ viết bằng chữ Hán về công trạng của Nguyễn Trãi và Nguyễn Phi Khanh. Bác muốn học xem ông cha ta ngày xưa an dân trị quốc như thế nào để quốc thái dân an. Thấy Bác đọc rất chăm chú, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đi tháp tùng Bác, thấy  vậy cũng ghé vào đằng sau lưng Bác để đọc. Có ngờ đâu Bác quay lại hỏi rất chân tình: “Thế chú cũng đọc được tiếng Hán à”,  “Thưa Bác không ạ”, Bác bảo chú đứng lui ra một chút để cho Bác nhìn rõ rồi Bác dịch cho chú nghe. Trên đời này không có ai được như thế đâu, lãnh tụ lại đi dịch cho đồng chí dưới quyền mình lại thân tình như vậy. Ta không biết được bao nhiêu lần Bác đứng ra làm phiên dịch. Ở chiến khu Việt Bắc,  Bác mời đoàn điện ảnh Xô Viết làm phim quảng bá thông tin Việt Nam kháng chiến để thế giới ủng hộ chúng ta, để mở đường liên lạc với thế giới  khi chúng ta đang bị cô lập ở núi rừng Việt Bắc. Không ai biết tiếng Nga để dịch nên Bác phải đứng ra dịch. Trong những ngoại ngữ thì tiếng Hán ngấm vào máu thịt của Bác. Bác làm thơ tiếng Hán như tiếng Việt. Còn trong các ngoại ngữ khác, tiếng Nga Bác đọc rất chuẩn xác và tinh tế đến mức người Nga thực thụ phải kinh ngạc. Khi về Pắc Bó, Bác còn làm bài thơ Tức cảnh Pắc Bó: “Sáng ra bờ suối tối vào hang. Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng. Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng. Cuộc đời cách mạng thật là sang”. Bác dịch sử Đảng cộng sản Liên Xô từ tiếng Nga sang tiếng Việt để tóm tắt lại để Việt hóa đi cho cán bộ mình học dễ hiểu, dễ thuộc. Cái đáng quý nữa là Bác rất minh mẫn 70 tuổi – 75 tuổi mà không quên một chi tiết nào, đến tận 79 tuổi khi sắp hấp hối rồi mà vẫn minh mẫn lạ thường. Năm 1960 đúng dịp Đại hội Đảng Bác mời một Tổng thống châu Phi sang thăm Việt Nam. Bạn đã thông báo cho ta là ông Tổng thống này nói tiếng Pháp (châu Phi là thuộc địa của Pháp) nói nhanh và khó dịch lắm, cho nên phải tìm người phiên dịch giỏi mới có thể giúp Bác tiếp khách được. Thời bấy giờ tìm được người giỏi ngoại ngữ không phải dễ, nhất là tiếng Pháp, cuối cùng Bộ ngoại giao cũng thu xếp được. Cẩn thận như vậy mà đến lúc ông Tổng thống sang Việt Nam mới có mươi phút đầu, người phiên dịch mồ hôi vã ra như tắm, căng thẳng không dịch được. Bác thấy dịch một là không thoát ý, hai nữa là không chính xác, mà Bác nhìn người phiên dịch vất vả Bác thương lắm Bác nói nhỏ:  “Thôi chú nghỉ đi để Bác giúp cho”.  Bác dịch suốt từ đầu đến cuối, kể cả bữa tiệc tiễn Tổng thống về nước. Khi ấy Bác 70 tuổi, chúng ta hiểu là lao động trí tuệ của Bác như thế nào… Sự  minh mẫn, uy tín của Bác, ứng xử của Bác đã làm cho mọi việc đều êm thấm. Thời kỳ đó căng thẳng vô cùng trong Di chúc có câu: “Tôi càng tự hào về sự lớn mạnh của Cách mạng bao nhiêu, tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa của các đảng anh em”.  Bác dặn là: “Tôi mong Đảng ta phải làm hết sức mình để hàn gắn sự bất đồng đó lại nhất là với Liên Xô và Trung Quốc”.  Bác nói là: “Tôi tin rằng các đảng anh em rồi nhất định phải đoàn kết lại”. Khi đồng chí Lê Duẩn đọc đoạn này 40 vị trưởng đoàn trên lễ đài các nước dự lễ tang Bác không ai cầm nổi nước mắt, xót xa ân hận cảm thấy như có lỗi với Bác, vì Bác là người của quốc tế cộng sản chứ không chỉ riêng của dân tộc chúng ta. Con người vĩ đại như vậy nhưng mà  rất giản dị, vĩ đại bao nhiêu thì giản dị bấy nhiêu. Bác giản dị chứ không phải giản đơn, cho nên học Bác là phải học cái tâm, cái trí của Bác, cái động cơ cao thượng của Bác nghị lực phi thường của Bác không phải đóng kịch giống như Bác. Hồi Bác ra mặt trận, ô tô của Bác đến càng gần Bác càng thấy lạ. Một đoàn người cứ xếp hàng dài chờ Bác mà lại giống nhau: Toàn quần nâu áo vải, đi dép cao su. Bác mở cửa xe xuống hỏi thì toàn lãnh đạo đến địa đầu để đón Bác. Bác rất tinh tế và hóm hỉnh. Bác không bao giờ nặng lời cả. Bác phê bình cũng rất khéo. Bác bảo: “Các chú đóng kịch khéo lắm, thôi về thay quần áo đi Bác đợi để làm việc”. Chúng ta có hiểu ra đâu lại bàn với nhau là ăn mặc giản dị  thì Bác lại phê bình thì lần sau phải mặc thật sang trọng. Lần sau đi đón Bác lại toàn mặc complê hết thôi, Bác tủm tỉm cười bảo”: “Hôm nay Bác muốn rủ các chú đi tát nước đấy, tát nước chống hạn mặc thế tát nước sao được. Có một lần Bác dậy sớm đến tận làng ở Hà Đông (bây giờ thuộc về Hà Nội) tát nước chống hạn với dân, hạn hán nặng lắm có thể mất mùa. Bác đến từ sớm, khi Bác đi khỏi thì dân mới biết chạy theo Bác. Bác đi như vậy Bí thư Tỉnh ủy phải đi tháp tùng, có ngờ đâu Bác bảo: “Chú ạ, vào đây tát nước với Bác. Đồng chí Bí thư khó xử quá, không biết tát nước không vào cũng dở, mà vào cũng dở  cuối cùng phải vào tát nước với Bác. Bác thì dẻo dai thành thạo như một lão nông, còn đồng chí Bí thư không tát nước bao giờ cho nên lúng túng, mà lại đứng trước Bác nên cũng mất bình tĩnh. Trong không khí như thế dây dợ cứ xoắn xít lại, nước bắn cả lên râu, lên tóc Bác.  Bác cười bảo: “Thế chú chưa tát nước bao giờ à”, “Thưa Bác chưa ạ”. Bác cười bảo: “Thôi không sao cả”, chưa biết Bác sẽ huấn luyện cho chú chừng nào chú biết tát nước thì thôi câu này là rất thân tình nhưng câu sau thì đi vào lịch sử  như một triết lý. “Chú là Bí thư một tỉnh nông nghiệp mà lại không biết tát nước. Phải biết tát nước được mới lãnh đạo  được dân chú ạ”. Ở tỉnh nông nghiệp nông dân là chủ yếu, như thế là lãnh đạo phải hiểu dân, gần dân, sống với dân, hòa vào cuộc sống của dân Bác dạy chúng ta như thế.
 

 

.

Tác giả bài viết: Anh Tuấn (St)

Nguồn tin: Đoàn Trường THPT Quỳnh Lưu 2

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hai bên
Hai bên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây