Đây là việc làm cần thiết nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, đồng thời góp phần đánh giá thực chất chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng.
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Ảnh: TTXVN |
Theo Quy định số 262-QĐ/TW ngày 8-10-2014 của BCH Trung ương Đảng khóa XI “Về việc lấy phiếu tín nhiệm với các thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội”, việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ ba là năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp. Theo kế hoạch, tại hội nghị lần này, BCH Trung ương Đảng sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Đây là công việc bình thường của Đảng nhằm thu thập thông tin, nhận định, đánh giá khách quan phẩm chất, năng lực và chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên lãnh đạo cấp cao của Đảng luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân và dư luận xã hội. Tuy nhiên, đón trước sự kiện này, một số người đã tỏ ra “quan tâm thái quá”, “lo lắng trên mức bình thường”; có người “cầm đèn chạy trước ô tô” bày tỏ sự hoài nghi, đoán già đoán non rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm của Trung ương Đảng chỉ là hình thức, "vuốt ve" nhau (!). Có người còn cực đoan nhìn nhận, việc đánh giá mức độ tín nhiệm thông qua 3 mức độ là “tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp” không những không đánh giá đúng thực chất đối tượng được đánh giá, mà còn “đánh đồng” giữa những người có tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp (!). Trắng trợn hơn, có kẻ cơ hội chính trị xuyên tạc rằng, đối với một chế độ cộng sản độc tài thì việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng chỉ là một cách “che mắt, đánh lừa dư luận” về dân chủ trong Đảng (!); thậm chí còn rêu rao, sau những cuộc đấu tranh, thanh trừng giữa các phe phái trong Đảng, những phiếu tín nhiệm cao sẽ thuộc về phe bảo thủ tạm thời thắng thế trên đấu trường chính trị (!).
Thành ngữ có câu “Nghe hơi nồi chõ” với hàm ý phê phán những kẻ hay hóng hớt, thích “chõ mũi” vào câu chuyện người khác, dù chưa biết thực hư ra sao nhưng vẫn phỏng đoán lung tung, bàn ra tán vào không có cơ sở. Cũng có câu thành ngữ “Thầy bói xem voi” với ý chê bai những kẻ xem xét, đánh giá sự vật, hiện tượng theo cảm tính chủ quan, phiến diện, một chiều, chỉ nhìn thấy hiện tượng đơn lẻ mà không thấy bản chất cũng như tính khách quan, toàn diện, thấu đáo của vấn đề trên mọi khía cạnh. Khi Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng khóa XII chưa diễn ra, mà những “kẻ ngoài lề” vẫn tùy tiện nhận định việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng như vậy cũng chẳng khác nào “nghe hơi nồi chõ” và “thầy bói xem voi”!
Việc lấy phiếu tín nhiệm đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị đã được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định là việc làm cần thiết, được thực hiện dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch. Thông qua lá phiếu tín nhiệm nhằm giúp cấp ủy có một kênh thông tin tham khảo quan trọng, làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác, bố trí sử dụng đúng cán bộ. Việc xác định 3 mức độ “tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp” trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo không phải là hình thức “cào bằng” khi xem xét, nhận định mức độ hoàn thành cương vị chức trách của cán bộ như có người suy nghĩ phiến diện, mà chủ yếu nhằm tiếp cận, đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và chất lượng, hiệu quả công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm. Hơn nữa, việc xác định 3 mức độ tín nhiệm này nhằm bảo đảm cho việc lấy phiếu tín nhiệm được khách quan hơn, thận trọng hơn, thấu đáo hơn, tránh hiện tượng cảm tính mà người bỏ phiếu dễ nhận định, đánh giá chưa đúng mực, chuẩn xác về cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm.
Quy định số 262-QĐ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI đã chỉ rõ: Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo dựa trên hai tiêu chí căn bản là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực thực tiễn. Vì vậy, những cán bộ nào có lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng, trách nhiệm cao trong công tác, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, có đức tính trung thực, công tâm, liêm khiết, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, bản thân và gia đình gương mẫu về đạo đức, lối sống, có uy tín trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được phân công và góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương mình phụ trách ngày càng vững mạnh, phát triển thì chắc chắn nhận được nhiều số phiếu ủng hộ, tín nhiệm cao.
Đảng ta đã có kinh nghiệm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư tại Hội nghị lần thứ 10 BCH Trung ương Đảng khóa XI. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được từ lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng và khẳng định rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư lần này sẽ được BCH Trung ương thực hiện dân chủ, khách quan, công tâm, minh bạch, bảo đảm đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Với truyền thống đoàn kết và trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, đợt lấy phiếu tín nhiệm lần này đối với các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng sẽ được tiến hành bài bản, chu đáo, thận trọng, nghiêm túc. Động thái này thêm một lần khẳng định Đảng ta nói chung, mỗi cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng nói riêng luôn có ý thức, tinh thần cầu thị, tôn trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng và nhân dân. Những thông số của mỗi lá phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng là tiền đề, cơ sở để mỗi cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, không ngừng hoàn thiện phẩm chất nhân cách và nâng cao năng lực công tác, thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn cương vị, trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
PHÚC NỘI
Tác giả bài viết: Xuân Đức (Tổng hợp theo QĐND)
Nguồn tin: Trường THPT Quỳnh Lưu 2
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn