Tết là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, đánh dấu một bước chuyển mới để mọi người có thể xem xét, nhìn nhận lại những gì đã làm được và chưa làm được trong năm cũ, để nỗ lực, cố gắng hơn sau Tết Nguyên Đán. Trước khi quyết định chọn mua cho mình 1 chiếc vé máy bay Tết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu đôi chút về nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Nguyên Đán Việt Nam nhé.
Tục nấu bánh chưng có từ lâu đời
Cùng với quá trình phát triển của lịch sử, văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nền văn hóa cổ Trung Quốc. Cũng vì lẽ đó mà ngày nay nhiều người vẫn lầm tưởng Tết Nguyên Đán Việt bắt nguồn từ văn hóa Tết Nguyên Đán Trung Quốc. Tết Nguyên Đán Trung Quốc bắt đầu xuất hiện vào thời tam hoàng ngũ đế và được thay đổi liên tục qua từng thời kỳ. Từng triều đại, từng đời vua kế vị đều chọn cho mình những thời điểm khác nhau làm ngày Tết Nguyên Đán. Mãi đến khi Hán Vũ Đế (140 TCN) quyết định đặt lại tháng Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng, thời điểm Tết Nguyên Đán được giữ nguyên đến tận bây giờ.
Song lịch sử Việt Nam lại cho thấy một khía cạnh khác của ngày Tết Việt Nam. Năm 2879 TCN, trong quá trình họ Hồng Bàng xây dựng nước Văn Lang, Kinh Dương Vương đã sinh ra Lạc Long Quân, người sau này nối ngôi vua, kết duyên cùng quốc mẫu Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Thời điểm đó, dân ta đã biết sinh hoạt trong một cộng đồng và ăn Tết.
Sang thế kỉ thứ nhất, trong quá trình đô hộ, các quan người Tàu mới bắt đầu truyền bá các sinh hoạt văn hóa khác, trong đó có cả văn hóa ăn Tết của người Trung Quốc.
Mặt khác, nước Việt Nam từ lâu đã hình thành một nền văn minh nông nghiệp, gắn liền với cây lúa. Do đó, gạo được coi là thứ quý giá nhất, là “hạt ngọc của trời”. Vì lẽ đó mà hằng năm, gạo được chọn làm nguyên liệu để làm bánh dùng trong việc thờ cúng tổ tiên hằng năm. Việc bánh chưng, bánh giầy ra đời từ thời Hùng Vương và trở thành món ăn truyền thống vào dịp Tết Nguyên Đán cũng là một minh chứng cho thấy văn hóa Tết của người Việt đã sớm được hình thành.
Tết Nguyên Đán có nhiều tên gọi khác nhau
Về mặt chữ, tên gọi Tết Nguyên Đán được bắt nguồn từ Trung Quốc. Trong tiếng Hán, chữ “Nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu, “Đán” là buổi sáng sớm, tức là buổi sáng khởi đầu của năm mới. Còn “Tết” lại được đọc chệch đi theo âm chữ Hán “tiết”, vì theo lịch Trung Hoa xưa chia một năm thành 24 tiết, và Nguyên Đán là tiết đầu tiên trong năm. Về sau, do sự phát triển của ngôn ngữ, từ “tiết” được Việt hóa thành “Tết”, và được gọi là Tết Nguyên Đán như bây giờ.
Tuy nhiên, xét về ngữ nghĩa, Tết Nguyên Đán Việt Nam không phải là Tết Nguyên Đán của Trung Quốc. Viện ngôn ngữ học Hà Nội đã chứng minh rằng: Tết Nguyên Đán Việt Nam được tính theo chu kì quay của mặt trăng (tức âm lịch), trong khi “Nguyên Đán tiết” của Trung Quốc lại được tính theo mặt trời (tức dương lịch). Vì vậy, thực chất ngày Tết của người Việt sẽ gần giống với Xuân Tiết của người Trung Hoa hơn.
Tết Nguyên Đán còn được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như: Tết ta (tức là Tết của người Việt) hay Tết âm lịch (do Tết Việt được tính theo lịch âm). Một số nơi còn gọi là Tết Cả, do Tết Nguyên Đán là Tết đầu tiên trong năm, để phân biệt với các Tết khác như: Tết Khai Hàng, Tết Nguyên Tiêu, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu…
Ngày Tết đối với người dân Việt mang một ý nghĩa thiêng liêng, làm mới lại mọi việc. Vào ngày này, mọi người dù ở bất kì đâu, dù bận bịu như thế nào, cũng dừng hết lại, thu xếp về đoàn tụ vui vầy với gia đình, làng xóm. Đối với mỗi người dân Việt, Tết Nguyên Đán mang nhiều ý nghĩa niềm tin, biểu trưng cho ngày đoàn tụ, ngày làm mới, ngày tạ ơn và ngày của hi vọng.
Cúng tổ tiên những ngày đầu năm mới
- Ngày đoàn tụ - Tết là ngày đoàn tụ gia đình, thời điểm mà ông bà, cha mẹ, con cái lại được gặp nhau cười nói vui vẻ, hay hỏi thăm nhau. Xã hội ngày càng phát triển hơn nên con người cũng cần bôn ba nhiều hơn trong cuộc sống, và Tết chính là cơ hội để mọi người gặp lại nhau sau một năm trời xa cách.
Về mặt tâm linh, Tết Nguyên Đán còn là ngày gia đình đoàn tụ với những người thân đã mất. Các gia đình nấu thật nhiều đồ cúng cho tổ tiên. Cứ tầm giao thừa là hầu như nhà nào cũng nghi ngút khói hương, mời ông bà về chung vui Tết với con cháu.
Trang trí nhà cửa chuẩn bị đón Tết
- Ngày làm mới – Tết Nguyên Đán là thời điểm chia tay một năm cũ để bắt đầu một năm mới, vì vậy mà mọi thứ phải được làm mới trong mỗi gia đình. Những tháng cận Tết, đi đâu cũng thấy người ta sơn sửa lại nhà cửa, quét vôi, trang trí lại căn nhà. Đồ đạc trong nhà được lau chùi cẩn thận. Người lớn trẻ con tắm rửa sạch sẽ, mặc những bộ quần áo mới thật tươm tất. Vào dịp này, người ta cũng tận dụng để làm mới lại những mối quan hệ của mình. Mọi hiềm khích được tha thứ để đón một cái Tết Nguyên Đán với tinh thần thoải mái trong những ngày đầu năm. Bao nhiêu nợ nần được thanh toán hết với hi vọng sang năm mới vận may sẽ tới, làm ăn cũng khấm khá hơn.
Con cháu chúc Tết ông bà
- Ngày tạ ơn – Tết cũng là cơ hội để con cháu trong nhà bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn đối với ông bà cha mẹ. Con cái thi nhau phụ giúp cha mẹ dọn dẹp lại nhà cửa, mua sắm đồ đạc chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán đang gần kề. Cháu chắt quấn quýt bên ông bà, ôm hôn thắm thiết. Ấm cúng nhất là khoảng khắc khi gia đình ngồi lại bên nhau, con cháu lần lượt từng đứa gửi đến ông bà, cha mẹ những lời chúc thắm đượm tình cảm. Mọi người quây quần bên nhau, chú ý lắng nghe từng câu từ chữ mà bồi hồi xúc động.
Múa lân cầu chúc may mắn cho năm mới
- Ngày của hi vọng – Bước sang một năm mới, ai ai cũng mong rằng mình sẽ gặp được nhiều điều may mắn. Mùa xuân là mùa của niềm vui và cũng là mùa của hi vọng. Mọi người cầu chúc cho nhau mọi điều tốt lành trong năm mới sắp tới.
Tết về, đi đâu cũng nghe những âm thanh náo nhiệt của tiếng trống lân, của đội múa rồng. Người ta mời những đoàn lân sư rồng nổi tiếng về nhà, đặc biệt là những hộ kinh doanh, nhằm đem may mắn và tài lộc về nhà trong năm mới.
Mùa xuân luôn là mùa của đám cưới
Mùa Tết Nguyên Đán cũng là thời khắc tươi đẹp nhất của đất trời, thời khắc mà nhiều đôi uyên ương nên vợ nên chồng. Mùa xuân – mùa của sự sống và hi vọng. Cha mẹ thường chọn những ngày đầu năm mới để tổ chức đám cưới cho con, với hi vọng con cái sẽ gặp được nhiều may mắn trong hôn nhân và hạnh phúc đến viên mãn.
Ngày Tết Nguyên Đán Việt Nam là thế, vẫn mang những nét riêng đặc trưng của một dân tộc thân thiện, yêu chuộng hòa bình. Vào những ngày Tết, dẫu có đi đâu cũng thấy niềm yêu thương phủ khắp từng con phố, ngõ hẻm, lại khiến ta thêm nhớ nhà, nhớ quê. Dù bạn là ai, dù bạn đang làm gì, Tết Nguyên Đán 2017 sắp tới này, cũng hãy gắng mua cho mình 1 tấm vé máy bay Tết về ăn bữa cơm gia đình ba ngày Tết nhé. Bởi không đâu cho bằng quê nhà.
Tác giả bài viết: Đào Đức
Nguồn tin: Đoàn Trường THPT Quỳnh Lưu 2:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn