Muốn con thành Đại Bàng phải hất chúng xuống vực

Thứ năm - 10/01/2013 10:13

Làm cha mẹ là việc khó! Khó nhất là nuôi dạy con đạt được những kỳ vọng của cha mẹ. Cha mẹ muốn con nối nghiệp mình, hơn mình mọi mặt nhưng lại không đủ nhẫn tâm nhìn con tự đương đầu với thực tế khắc nghiệt.

Minh họa: Vũ Đình Giang

Cho nên mới có những bà mẹ khóc vì con mình quen người lạ trên mạng, hay thảng thốt khi thấy con xem phim cấp ba; những ông bố nổi trận lôi đình cắt nát bộ quần áo thiếu vải của con gái vì bắt chước cô người mẫu trên Facebook.

Không nên trầm trọng hóa

Phải thừa nhận rằng các bạn trẻ hiện nay tiếp cận với công nghệ mới khá nhanh nhạy. Đó là lý do chính khiến cha mẹ cảm thấy bất an, nhất là những bậc cha mẹ sinh ra vào khoảng thập niên 1960, thời đại của những cánh đồng xanh ngát, bờ đê trải dài hay những tình cảm ngọt ngào trong trẻo của Em tan trường về, mưa bay mờ mờ. Anh trao vội vàng, chùm hoa mới nở. Ép vào cuối vở muôn thuở còn thương, còn thương (1).

Những kinh nghiệm đầu đời khiến cha mẹ vẽ nên một “giáo trình” dành riêng cho con cái của mình. Nhưng bọn trẻ có lý lẽ riêng của chúng. Với chúng, những suy nghĩ của cha mẹ không thật và thực tế bằng những thông tin mà chúng tìm được trên mạng (Ít nhất là nhìn tận mắt, nó khác xa với điều mà cha mẹ kể: mắt không thấy mà tay cũng không chạm vào được). Do đó, chúng tiếp tục với hành trình của chúng mà không chút đếm xỉa đến những gương mặt đang héo hon của các bậc phụ huynh.

Phải chăng trong những tiếng kêu than trách móc Internet đang cướp mất những đứa trẻ ngoan là cảm giác bất lực của các bậc cha mẹ vì không tìm ra cách thức giao tiếp với con? Cha mẹ thường mặc định đứa trẻ từ 3-18 tuổi không lường trước được những khó khăn của cuộc sống, nên những lời dạy bảo của cha mẹ là liều thuốc quý chúng nên trân trọng. Tuy vậy, những bậc cha mẹ ấy hình như đang quên mất thời tuổi trẻ của họ. Thời của những thanh niên hăm hở khám phá thế giới với sự hồn nhiên và và táo bạo tuổi trẻ. Họ muốn đập phá xây lại, thử và nếm, tò mò và háo hức.

Có gì khác biệt với những đứa trẻ của 20 năm sau tò mò với các mối quan hệ trên mạng xã hội, háo hức với các phát hiện về giới tính và muốn nếm trải cảm giác làm một người trưởng thành được tự quyết định mọi thứ? Những đứa trẻ đang được cha mẹ liệt vào danh sách hư hỏng, không thể dạy bảo do ảnh hưởng của Internet chẳng qua đang thể hiện đúng với bản chất của lứa tuổi chúng – là một điều rất bình thường mà các bậc phụ huynh không nên trầm trọng hóa.

Hướng dẫn con làm quen với thực tế

Có một câu chuyện về gia đình đại bàng: đại bàng con khi đã đủ lớn thường được chim mẹ dẫn đến những hẻm vực sâu. Bài học bay đầu tiên là cú hất của chim mẹ để những đôi cánh bé nhỏ phải đập liên hồi chống chọi lại những cú rơi tự do xuống vực thẳm. 20% đại bàng con đã chết do không vượt qua được thử thách này, nhưng mỗi năm đại bàng mẹ vẫn đẩy con mình xuống những hẻm núi. Không vượt qua được những cú đập cánh đầu đời, đại bàng con không thể trở thành biểu tượng của sự dũng mãnh mà chúng ta đang thấy ngày nay. Đó là sự thật về những con đại bàng – loài vật kiêu hãnh, luôn ngự trên những đỉnh núi cheo leo, khắc nghiệt gió và tuyết.

Câu chuyện về bài học bay đầu đời của đại bàng con làm dấy lên câu hỏi: chim mẹ có lường được hiểm nguy mà chim con phải đối mặt khi hất chúng xuống núi không? Để trở thành chim mẹ ngày hôm nay, đại bàng mẹ chắc chắn đã phải đối mặt với vực thẳm ít nhất một lần trong đời. Nó biết hiểm nguy mà chim non gặp phải nếu không cố gắng thắng được những cơn gió và sức hút của vực sâu. Nó hiểu điều đó, nhưng vẫn muốn chim non phải tham gia thử thách sống còn. Bởi lẽ nó biết chim non lớn lên có thành đại bàng hay không tùy thuộc vào khả năng chiến thắng tự nhiên của nó.

Ở một khía cạnh nào đó, việc cha mẹ đặt kỳ vọng vào con cũng giống như cách đại bàng mẹ hất con xuống núi. Sẽ không có đại bàng trên bầu trời cũng như không có những người thành công trên đời nếu không có những cú huých đầu đời. Nhưng đáng lẽ phải như đại bàng mẹ cho con thấy ý thức được sự khắc nghiệt của cuộc sống, thì nhiều bậc cha mẹ lại bao bọc con mình và đưa ra các quy tắc an toàn dựa trên kinh nghiệm người lớn của mình. Chính vì thế, sự ưa thích khám phá của lũ trẻ bị tổn thương và chúng trở nên nổi loạn trong mắt cha mẹ, hoặc chúng mãi mãi chỉ là những con gà đại bàng, không bao giờ cất nổi cánh lên trời, chôn vùi ước vọng về một ngày chim non sẽ tung cánh đại bàng của cha mẹ.

Công nghệ thông tin ngoài những mặt tiêu cực còn chứa nhiều tác động tích cực đối với xã hội. Ngăn cấm hay cách ly hoàn toàn với công nghệ không phải là một giải pháp khả thi. Việc của cha mẹ là biến mình thành những đại – bàng – mẹ sẵn sàng hất con xuống vực, cho những chú chim non làm quen môi trường thực tế với sự hướng dẫn về các quy tắc an toàn tối thiểu. Chim non sẽ tự đập cánh và chịu trách nhiệm về hành động của mình trong sự quan sát và điều chỉnh kịp thời của cha mẹ. Làm một đại bàng mẹ tốt hơn làm một bà mẹ lo âu và rầu rĩ!

DUY HƯƠNG

______________

(1): Ngày xưa hoàng thị – thơ: Phạm Thiên Thư, nhạc: Phạm Duy

______________

Hãy tin giới trẻ!

1. Đành rằng Internet là một “ông thầy không mời mà đến” dạy cho con cái chúng ta tất tần tật những điều tốt lẫn cái xấu nhưng tại sao chúng ta phải chống lại ông thầy đầy hấp lực đó, sao không hướng dẫn con lựa chọn cái tốt để học tập và loại bỏ cái xấu?

Trước đây trong lớp “học kỹ năng làm cha mẹ” do cố thạc sĩ xã hội học Nguyễn Thị Oanh hướng dẫn, những bậc cha mẹ chia nhau ra làm nhiều nhóm nhỏ để thảo luận về đề tài “Chống lại tác hại của Internet”. Nhóm chọn cách không để máy tính ở phòng riêng của con mà để máy tính tại phòng khách để cha mẹ lui tới kiểm soát, nhóm thì chọn cách cài password để con chỉ dùng máy khi cha mẹ cho phép, nhóm lại chọn cách hạn chế tối đa việc dùng máy, thậm chí cấm dùng khi không cần tra cứu tài liệu.

Cuối cùng giải pháp tối ưu được cô Oanh khen ngợi là của nhóm chọn cách nói chuyện với con về cái tốt và cái xấu của Internet, sau đó dùng sự tin tưởng mà trao cho con quyền lựa chọn. Với nhóm này, bọn trẻ có thể vào net khi nào chúng muốn, xem những trang nào thích mà không cần sự kiểm soát quá chặt chẽ từ cha mẹ. Dĩ nhiên cha mẹ sẽ quy định thời gian sử dụng vi tính tối đa không quá hai giờ mỗi ngày. Bởi nếu cài password cho máy hay kiểm soát gắt gao bằng nhiều cách khác có thể dẫn tới nhiều hệ quả xấu khác.

Theo kết quả nghiên cứu của những người làm công tác giáo dục dày dạn kinh nghiệm, niềm tin vào con cái là một điều hết sức quan trọng. Niềm tin của cha mẹ khiến con tự thấy có trách nhiệm với bản thân mình và tự điều chỉnh thái độ, hành vi theo chiều hướng tốt mà cha mẹ kỳ vọng. Niềm tin của cha mẹ khiến con thấy mình có giá trị và được yêu thương. Con sẽ trở nên mạnh mẽ, lạc quan, kiên quyết  và tự tin.

2. Khi trẻ vị thành niên gắn bó với Internet, ngồi giữa bốn bức tường, ít tiếp xúc với thế giới thực, cảm xúc của chúng sẽ dần chai sạn. Chúng có thể “chém gió” lung tung trên Facebook nhưng lại là một đứa trẻ “sợ đủ thứ” và không dám nói lên ý kiến của mình trước đám đông, thậm chí không có chính kiến gì rõ ràng.

Muốn có một thứ thay thế Internet, người làm cha mẹ phải tìm một sân chơi khác cho trẻ, đánh thức một đam mê, năng khiếu nào đó của trẻ. Một chị bạn đồng nghiệp của tôi có con gái tuổi teen mê net nặng, luôn học đòi các siêu sao về mọi thứ. Cháu hết online tới offline với một fan hâm mộ nhóm nhạc nữ Hàn Quốc nào đó.

Sau khi tư vấn chuyên viên tâm lý, chị tìm cách gần con, trò chuyện và khéo léo chuyển con sang một đam mê mới là làm búp bê gỗ, hoa đất sét vì cô bé này có khiếu mỹ thuật và rất khéo tay. Dần dần con chị có một thu nhập nhỏ từ đam mê của mình, vậy là nó thôi không quan tâm tới ban nhạc thần tượng nữa mà chuyên tâm hướng dẫn một số trẻ khác muốn học nghề của nó. Cô bé ấy đã tìm thấy giá trị thật sự của mình, sự khác biệt của bản thân khi được là “thầy” dạy nghề cho các em nhỏ hơn.

Một người bạn khác của tôi là bác sĩ có con trai duy nhất đang học đại học năm nhất bỗng nhiên nghiện chat sex. Anh bạn thấy được, tỏ ra rất bình tĩnh, anh nói chuyện với con chân tình và cùng con tổ chức đi “phượt” vào  mỗi cuối tuần. Không bao lâu sau, cậu tỏ ra mê mẩn chuyện “xách balô lên và đi” cùng bạn bè hay cùng ba mình. Cứ mỗi chuyến đi cậu lại bắt đầu ghi chép và hi vọng sẽ ra một tập truyện ký hấp dẫn nhất. Chuyện chat sex dần không còn chút hứng thú nào với cậu.

3. Để xóa một hành vi, một thói quen xấu thì bao giờ cũng cần thay thế bằng một hành vi tốt, một thói quen tốt. Cha mẹ cần hiểu con, hiểu năng khiếu, khả năng trí tuệ  của con. Cha mẹ vừa khuyến khích vừa tạo điều kiện cho con rời bốn bức tường và bước ra ngoài cuộc sống, tách con ra khỏi chứng nghiện net ở thời điểm sớm nhất có thể. Càng trễ bao nhiêu, việc thay đổi thói quen càng khó khăn bấy nhiêu.

Thay vì chống lại Internet, chúng ta hãy học nó và hướng dẫn cho con. Hãy biết tin và tôn trọng con để tạo cho con những cơ hội thay đổi chính mình.

BẢO NHI
(chuyên viên tư vấn tâm lý học đường)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Hai bên
Hai bên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây